Phát hiện 2 viên than đá cổ nhất của người tiền sử Hạ Long

2 viên đá này có niên đại khoảng 4.000 đến 4.200 năm

TS. Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, Trưởng đoàn khai quật khảo cổ học tại Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết: Trong đợt khai quật từ đầu năm 2009 đến nay tại di chỉ Bí Lấp và động Đông Trong II, Đoàn phát hiện được 2 viên than đá cổ nhất được người tiền sử Hạ Long sử dụng có niên đại khoảng 4.000 đến 4.200 năm.

Tại đây, Đoàn khai quật khảo cổ học tại Vân Đồn xác định được ít nhất 7 ngôi mộ cổ. Các di cốt trong mộ không được chôn theo tư thế giải phẫu, mà chỉ là những đống xương đã gãy vụn co cụm lại từng chỗ. Các di cốt bao gồm những mảnh sọ, răng lẻ cùng nhiều xương chi khác. Hầu hết mộ táng này chôn cải táng, không có biên mộ, có táng tục chôn trong nồi vò gốm và chôn kèm theo đồ tùy táng là những công cụ lao động và đồ trang sức.

Đặc biệt mộ số 4 có 2 viên than đá đen, hình bình hành và hình thoi, có kích thước 4,5 (6,5) x 4,0 x 3,5 cm. Đây là những viên than đá cổ nhất được người tiền sử Hạ Long sử dụng như một loại đá quý chôn theo người chết. Trong mộ cũng có nhiều viên thổ hoàng, loại khoáng chất thường được người xưa nghiền nhỏ, hòa nước để bôi vào cơ thể người sống hoặc người chết với ý niệm làm đẹp cơ thể.

Dựa vào các di tích, di vật thu được dưới và trên bề mặt cho thấy đây là một di tích điển hình thuộc văn hóa Hạ Long nổi tiếng, phân bố rộng rãi ở miền duyên hải Đông Bắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên