Phát hiện dấu tích người tiền sử niên đại 6000 năm

Các nhà khảo cổ thu được hàng trăm di vật khảo cổ, chủ yếu là di vật đá, bao gồm công cụ lao động như: Rìu; cuốc; dao dùng để chặt đập, công cụ nạo cắt…  

Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Giang vừa tiến hành khai quật hang Khuổi Nấng, xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Tại đây, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích của người tiền sử. Đặc biệt, khi tiến hành khai quật 2 ngôi mộ cổ ở giữa hang và cuối hang đã phát hiện nhiều mẩu xương và xương răng đã bị mủn.

Các nhà nghiên cứu khảo cổ học cho biết, căn cứ vào dấu tích xương răng còn lại ở ngôi mộ thứ nhất là một người đã trưởng thành, ngôi mộ thứ hai là của một đứa trẻ. Đây là táng thức nguyên thuỷ, rất hiếm gặp trong văn hoá tiền sử nước ta, xuất phát từ quan niệm nguyên thuỷ con người sinh ra từ đá, khi chết lại trở về với đá.

TS Trình Năng Chung đang khảo sát địa tầng văn hoá hang Khuổi Nấng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, dựa vào kết quả nghiên cứu tổng thể các di vật khảo cổ, vào mức độ trầm tích, có thể cho rằng, Khuổi Nấng là một địa điểm cư trú của nhiều thế hệ người tiền sử. Lớp cư trú sớm nhất thuộc hệ thống văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn có niên đại cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm. Lớp cư trú muộn có niên đại cách đây khoảng 4.000 năm.

Đây là địa điểm khảo cổ học quan trọng, đóng góp cho việc nghiên cứu văn hoá thời tiền sử ở Việt Nam. Hiện nay công việc nghiên cứu chuyên sâu di tích vẫn được tiếp tục./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên