Phòng bệnh từ thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố thuận tiện cho người tiêu dùng nhưng cũng chính là mối nguy hại tới sức khoẻ, tính mạng người sử dụng

Hiện nay, không chỉ tại các đô thị mà ngay cả các vùng nông thôn, thức ăn đường phố đã được ưa chuộng, được bày bán tràn lan, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hầu như ít được quan tâm. Nhưng vì tiện lợi, nhiều người dân vẫn cho qua mà không biết rằng, nhiều loại thức ăn đường phố chính là nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh liên quan đến thực phẩm khi mùa hè đến.

Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng. Có 3 loại thức ăn đường phố: bán trong cửa hàng cố định, bán trên hè phố và bán rong. Hiện nay, các loại hình thức ăn này đang phát triển rất mạnh tại nước ta.

Theo quy định của Bộ Y tế, thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn, đó là: Đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, phải được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải... Nếu xét đúng theo 10 tiêu chí này, thì có đến 90% hàng quán buôn bán thức ăn ngoài đường phố hiện nay vi phạm về VSATTP.

Vệ sinh tại các quán ăn đường phố luôn là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm, nhất là vào thời điểm đầu hè khi nắng nóng và dịch bệnh bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, thói quen và tâm lý chủ quan với bệnh dịch đã khiến rất nhiều người không chịu từ bỏ sở thích tìm đến các quán ăn bên lề đường.

Mùa hè sắp đến, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát nếu người dân tiếp tục thói quen ăn uống và sinh hoạt mất vệ sinh. Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nếu không được đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên người dân lại chưa có một cái nhìn đúng về vấn đề này.

Thức ăn được bày bán trên vỉa hè, tại các chợ, các bến xe, trước các cổng trường học, nơi đông người qua lại… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Khách hàng vô tư ăn uống ngay tại các quán vỉa hè mà không quan tâm hoặc chú ý gì đến vệ sinh và môi trường bị ô nhiễm bụi đường, khói do xe cộ các loại qua lại gây ra. Những loại thức ăn này đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng nhưng nó cũng chính là mối nguy hại tới sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, thậm chí là tới cả cộng đồng.

Thời tiết nắng nóng của mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp, trong khi vấn đề VSATTP hiện nay hầu như chưa được kiểm soát. Vì vậy, để đề phòng bệnh, việc giữ gìn vệ sinh ăn uống, vệ sinh thực phẩm vô cùng quan trọng, đặc biệt mọi người cần phải thực hiện tốt việc ăn chín, uống nước đã được đun sôi, tuyệt đối không ăn những loại thức ăn còn sống như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chua, các món thịt cá, hải sản, trứng gia cầm… còn sống hoặc mới nhúng tái chưa nấu chín kỹ còn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Bên cạnh đó không uống nước lã và những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh bán ở đường phố, vỉa hè, các quán nước, không ăn uống ở những nơi mất vệ sinh, nhất là các loại nước giải khát có đá lạnh không rõ nguồn gốc.

Để bảo đảm sức khoẻ bản thân và gia đình trong thời điểm hiện nay, cần sự liên kết giữa người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Người tiêu dùng cần được trang bị những kiến thức về VSATTP để bảo đảm an toàn cho sức khỏe bản thân cũng như cả cộng đồng.

Các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho khách hàng. Bên cạnh đó, chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường kiểm tra, đặc biệt là công tác hậu kiểm; tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm sâu rộng đến người dân. Có làm được và thực hiện tốt ATVSTP trong chế biến, kinh doanh, mua bán và ăn uống, chúng ta mới có thể phòng, chống các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa có hiệu quả, đặc biệt trong mùa dịch bệnh sắp tới.

Những quán ăn ngoài đường phố không hoàn toàn là nguyên nhân của dịch bệnh nhưng với cách bán hàng không găng tay, thức ăn không che đậy, cộng thêm khói, bụi thậm chí là cả mùi hôi từ cống rãnh, rác thải ngay bên vỉa hè là cơ hội thuận lợi khiến dịch bệnh lây lan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên