Phớt lờ quy định

Đã hơn 3 tháng bắt buộc thực hiện việc niêm yết giá vé xe, thế nhưng nhiều nhà xe vẫn phớt lờ quy định  để dễ bề “chặt chém” khách hàng

Nhiều chiêu đối phó

Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT của Liên Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải, có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2010, quy định ô tô vận chuyển hành khách và hàng hóa chạy tuyến cố định, xe buýt, taxi phải niêm yết giá để bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng, sau hơn ba tháng Thông tư đi vào cuộc sống, không ít nhà xe thực hiện theo kiểu đối phó, gây khó khăn cho hành khách và công tác xử lý của lực lượng kiểm tra, thanh tra.

Tại bến các xe Giáp Bát, Hà Đông, Gia Lâm, mỗi ngày có hàng nghìn tuyến xe liên tỉnh ra vào. Theo quan sát của phóng viên VOV, còn nhiều xe khách chưa thực hiện việc niêm yết giá. Những xe niêm yết giá, nhà xe chỉ thực hiện cho có khi biển niêm yết giá với nhiều kích cỡ đủ loại, sao cho gây khó hành khách. Có những biển niêm yết chỉ nhỏ bằng bàn tay. Hoặc chỉ là một mẩu giấy với nhiều kích cỡ, kiểu chữ khác nhau. Việc dán, treo niêm yết giá cũng hết sức tùy tiện: ở đuôi xe, thân xe, cánh cửa, hoặc ở trong kính xe khiến hành khách khó chú ý.

Nhóm phóng viên VOV vào vai hành khách đi tuyến Hà Nội - Nam Định. Tuyến hành trình này mọi ngày vẫn thu 50 ngàn đồng/người nhưng hôm nay nhân viên nhà xe ra giá 60.000 đồng/người. Trả lời thắc mắc của chúng tôi vì sao thu giá vé cao hơn mọi hôm, nhân viên nhà xe cho hay, giá cả sinh hoạt bây giờ tăng nên giá vé cũng phải tăng? Chúng tôi hỏi vì sao không niêm yết giá vé trên xe, nhân viên này trả lời gọn lỏn: “Có niêm yết, dán ở phía ngoài, gần đuôi xe ấy. Xuống phía dưới xe, mở cửa ra mà xem…”. Tiếng gió ù bên tai, khiến sống lưng chúng tôi lạnh toát. Trước thái độ của nhà xe, chúng tôi đành rút tiền trả, vì đã “nhỡ” lên xe đi được 40km.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số các nhà xe đều không muốn thực hiện việc niêm yết giá. Điều này thật dễ hiểu, vì không niêm yết giá thì càng dễ dàng “chặt chém” khách hàng.

Theo thông tin từ Sở GTVT TP. Hà Nội, tới nay, tại Bến xe Nước Ngầm, các phương tiện vận chuyển đã thực hiện niêm yết giá 100%; các bến xe Giáp Bát, Lương Yên, Mỹ Đình đạt 70%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, hiện vẫn còn nhiều nhà xe chưa thực hiện việc niêm yết giá. Ông Tuyển cho biết, chúng tôi sẽ tham mưu cho Sở GTVT Hà Nội để có văn bản nhắc nhở các bến xe siết chặt quy định bắt buộc nhà xe phải thực hiện việc niêm yết giá; đồng thời gửi văn bản kết hợp với các tỉnh để thông báo cho nhà xe chạy tuyến Hà Nội. “Nếu nhà xe cố tình nhiều lần không thực hiện, chúng tôi sẽ đình chỉ lưu hành…” - ông Tuyển khẳng định.

Thiếu chế tài rõ ràng

Theo ông Tuyển, chế tài xử phạt vi phạm quá nhẹ, việc bắt lỗi không rõ ràng khiến lái xe có nhiều cách đối phó với lực lượng kiểm tra. Chính vì vậy, nhiều lái xe tỏ rõ thái độ chống đối, lý luận ngược với cán bộ khi thực hiện công tác kiểm tra.

Ví như, quy định hình thức niêm yết giá cước bắt buộc đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định tại nơi bán vé, ở mặt ngoài thành xe phía bên trái gần cánh cửa trước và bên trong xe nơi hành khách dễ quan sát. Tuy nhiên, do bên trái phương tiện vận chuyển lại dán logo, quảng cáo, tên đơn vị nên nhiều xe chuyển dán sang bên phải thành xe khiến hành khách không thể quan sát được.

Quy định, bảng niêm yết giá kích cỡ bao nhiêu, phông chữ, dán hoặc treo cụ thể ở đâu, như thế nào đều không rõ ràng nên cơ quan kiểm tra, giám sát không thể nhắc nhở, xử lý.

Bên cạnh đó, nhà xe thực hiện việc niêm yết giá chủ yếu không để bến xe nhắc nhở và đủ điều kiện được xuất bến. Ra khỏi bến xe, họ có thể bỏ biển niêm yết giá. Phát hiện việc này, lực lượng thanh tra giao thông, công an giao thông cũng không thể xử lý vì không có chế tài xử phạt.

Việc quy định nhà xe bắt buộc phải niêm yết giá, rõ ràng là để bảo vệ lợi ích hành khách. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, nhiều điểm chúng ta chưa quy định rõ, thiếu chế tài để xử phạt khiến nhà xe được thể phớt lờ quy định, vẫn ngang nhiên “chặt chém” khách hàng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên