Phú Yên tập trung dập dịch lở mồm long móng
(VOV) -Hơn 6.000 lít thuốc sát trùng đã được cấp để các địa phương tiêm phòng bổ sung cho hơn 1.000 con gia súc trong vùng nguy cơ cao.
Trong 2 ngày 5 và 6/7, đoàn công tác của Cục Thú y đã kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc tại tỉnh Phú Yên.
Kể từ khi phát hiện bệnh lở mồm long móng phát sinh ở đàn bò của các hộ dân thuộc thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, ngành thú y tỉnh Phú Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời hướng dẫn bà con cách điều trị và bao vây dập dịch.
Hơn 6.000 lít thuốc sát trùng đã được cấp để các địa phương tiêm phòng bổ sung cho hơn 1.000 con gia súc nằm trong vùng nguy cơ cao. Đến nay, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng tại huyện Đồng Xuân đã được kiểm soát, hiện 172 con gia súc đã khỏi bệnh, còn lại 50 con gia súc đang được điều trị.
Nguyên nhân phát sinh dịch lở mồm long móng tại huyện Đồng Xuân được ngành thú y Phú Yên xác định do tỉ lệ tiêm phòng đợt I năm 2013 chỉ đạt 50% trên tổng đàn - Ảnh minh họa |
Tỉnh Phú Yên tiếp tục chỉ đạo ngành thú y giám sát ổ dịch, duy trì chốt kiểm dịch, tiêu độc khử trùng, xử lý gia súc mắc bệnh, kiểm soát vận chuyển và buôn bán giết mổ gia súc trong vùng dịch...
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng Trạm Thú y huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết, huyện đã triển khai các biện pháp khẩn cấp, thành lập các tổ lưu động, các ban chống dịch từ huyện xuống các xã; cắm biển báo ở các trục đường có thể lây qua các xã khác. Nếu phát hiện lùa bò trái phép, vận chuyển, chuyên chở trái phép sẽ bắt và xử lý. Với tinh thần đó dịch hiện nay được hạn chế và không phát triển, lây lan.
Nguyên nhân phát sinh dịch lở mồm long móng tại huyện Đồng Xuân được ngành thú y Phú Yên xác định do tỉ lệ tiêm phòng đợt I năm 2013 chỉ đạt 50% trên tổng đàn; thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường tại cái ổ dịch cũ có điều kiện tái phát. Theo đó công tác chống dịch phải có sự chủ động tích cực tham gia của người dân thì mới thành công.
Ông Trần Văn Quân, Giám đốc cơ quan thú y vùng IV chỉ đạo, quan trọng nhất là làm sao cho người dân báo về chính quyền và cơ quan chuyên môn biết chỗ đó có dịch hay không để giúp người dân tiêu độc xử lý môi trường không để lây lan./.