“Rút” mùa bánh Tết

Những năm gần đây, cùng với nhịp sống xã hội tăng nhanh, việc các gia đình tự làm bánh ăn Tết đã giảm nhiều. Nghề làm bánh Tết vì thế cũng phát triển theo.

Năm nào cũng vậy, bước vào tháng Chạp là khâu đặt hàng các loại nguyên liệu làm bánh Tết ở cửa hiệu Bạch Ngọc (TP Tuy Hòa) đã hoàn tất. Cao điểm làm các loại bánh ngọt bán Tết bắt đầu từ rằm tháng Chạp, còn bánh chưng-bánh tét thì chậm hơn một chút, từ sau 20 tháng Chạp. Bạch Ngọc là hiệu bánh gia truyền lâu năm ở Phú Yên. Chất lượng bánh ở đây luôn được khách hàng tín nhiệm và bánh Tết ở đây đã nhiều năm rồi được bán đi khắp nơi trong nước.

Một cửa hiệu phục vụ bánh Tết ở Tuy Hòa-Phú Yên

Ông Bùi Văn Đạo, Chủ cửa hiệu Bạch Ngọc, cho biết: “Với bánh ngọt, khách hàng lúc này chủ yếu chuộng các loại bánh tươi ăn liền trong những lúc họp mặt, vì thế cửa hàng phải tập trung nhân lực trong những ngày cận Tết để ra bánh. Còn bánh ăn sau Tết thì chúng tôi phải “ra quân” ngay ngày mùng 2 để làm nhằm đảm bảo độ thơm ngon. Với bánh chưng, bánh tét thì chúng tôi buộc phải làm rút từ sau 20 tháng Chạp để có bánh nóng cho khách hàng giỗ chạp và đưa hàng lên xe đi các tỉnh. Dù khách hàng chủ yếu ở miền Trung nhưng mấy năm nay, cửa hàng tôi đều cung ứng bánh chưng nhiều hơn bánh tét…”.

Theo ông Đạo, để trụ được và phát triển thương hiệu với nghề bánh Tết không là điều đơn giản. Các loại bánh Tết thường chỉ bán trong thời gian ngắn nên nếu không tiêu thụ được hết trước giao thừa thì coi như lỗ nặng. Bởi thế, bánh Tết ở đây vẫn chủ yếu làm theo đơn đặt hàng và để bán lẻ cho một lượng bạn hàng ổn định. Và đặc biệt, trong lúc câu chuyện an toàn thực phẩm đang nóng bỏng, khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào và đảm bảo vệ sinh cho các loại bánh mứt đang được cơ sở đặt lên hàng đầu. Với các loại bánh có thương hiệu, khách hàng có thể chấp nhận giá cao nhưng không thể chấp nhận sản phẩm kém chất lượng.  

Nổi lửa nấu bánh bán mùa Tết

Với vợ chồng anh Phan Văn Huy-Nguyễn Thị Hoa ở phường 2- thành phố Tuy Hòa, nguồn sống chính của gia đình là làm bánh cuốn ngọt bỏ mối các nơi trong tỉnh. Mùa Tết, lượng bánh làm ra gấp nhiều lần ngày thường nên vợ chồng anh luôn bận tíu tít. Cơ sở sản xuất bánh tại gia của anh chị không lớn nhưng được xếp đặt ngăn nắp, vệ sinh từ nơi để nguyên vật liệu, dàn bếp-khuôn bánh đến nơi xếp sản phẩm chuẩn bị tỏa đi giao hàng. Trong hương bánh Tết thơm nồng, đôi vợ chồng trẻ nói về nghề mình: “Nghề này vất vả nhưng sống được. Bình thường tụi em làm lai rai bỏ mối, Tết đến thì thức khuya dậy sớm làm ngày làm đêm để đủ bánh cho bạn hàng đến lấy. Cứ mỗi mùa Tết là mặt vợ chồng đều bị nám do ngồi lửa ra bánh, thế nhưng nghề mình ăn cao điểm là lúc này nên… càng nám càng vui!”.

Nghệ nhân gói bánh Tét

Nhân lực làm bánh Tết ở nhà anh Huy chủ yếu vẫn là hai vợ chồng, riêng với cơ sở Bạch Ngọc, mùa này phải huy động tổng lực những người thân quen để tập trung ra bánh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cấp tốc. Mùa bánh Tết, Bạch Ngọc thường huy động vài chục nhân công làm ngày làm đêm; người có tay nghề thì phụ trách các khâu kỹ thuật, còn lại là phụ việc các khâu đơn giản. Đây cũng là dịp làm thêm tăng thu nhập và học việc làm bánh của nhiều bạn trẻ.

Chẳng những tại các cơ sở bánh nơi phố thị, các nhóm làm bánh Tết ở một số vùng nông thôn cũng tấp nập không kém. Tại thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), các điểm làm bánh bán Tết luôn thu hút rất đông nhân lực địa phương. Những ngày giáp Tết, những người có tay nghề làm bánh gần như giao đứt việc nhà cho người thân, để tập trung gói bánh tét-bánh chưng cho các nơi đặt hàng.

Bánh ở đây chủ yếu được làm chuyển đi cho các mối quen từ các tỉnh Tây Nguyên và một số huyện trong tỉnh. Nhiều người Phú Yên ở các tỉnh phía Nam cũng thường xuyên đặt hàng với số lượng lớn; bởi khẩu vị ăn uống luôn là điều rất khó thay đổi, nhất là với chuyện ăn Tết. Được tín nhiệm nhiều năm nên những người gói bánh ở đây luôn chú trọng chất lượng vệ sinh, hương vị thơm ngon và mẫu mã đẹp để có điều kiện giữ nghề.

Bánh Chưng và bánh Tét hôi hổi vừa ra lò

Vừa thoăn thoắt gói bánh, chị Phạm Thị Thu vừa trò chuyện: “Năm nay, nhóm 5 người tụi em nhận đặt hàng bánh chưng, bánh tét được hơn hai chục triệu đồng từ Gia Lai. Làm rút từ 25-29 tháng Chạp, mỗi người kiếm được hơn 1 triệu đồng. Vậy là ấm túi tiêu Tết”.

Không còn nhiều điểm nấu bánh tét, bánh chưng gia đình nhưng hương Tết vẫn đậm đặc bên những bếp lớn bập bùng hương bánh “thị trường”. Chính ở những địa chỉ làm bánh Tết này cũng là nơi những nghệ nhân truyền nghề cho con cháu, giữ lại một nét đẹp ngày Xuân của người Việt…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên