Sạt lở đe dọa xóa sổ nhiều ngôi làng ở Quảng Nam

Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mất hơn 50 ha đất sản xuất do sạt lở; cảnh mất nhà, mất đất không còn là nguy cơ nữa.  

Mùa mưa lũ năm nay, mặc lũ mới chỉ ở mức báo động 2 nhưng cũng đã có gần 30 ha đất sản xuất của người dân dọc 2 bên bờ sông Vu Gia và Thu Bồn bị nước lũ cuốn trôi.

Mấy ngày qua, bà con thôn Phước Yên, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc ăn ngủ không yên do nạn sạt lở đe dọa khu dân cư. Thôn Phước Yên có 200 hộ với 800 nhân khẩu, đoạn sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến 100 hộ dân. 

Ông Hồ Thanh Tuấn, một người dân trong thôn cho biết: Mấy ngày qua, sạt lở xảy ra đã lấn vào từ 30-50m, hiện vẫn đang còn lở.

Sạt lở nghiêm trọng tại Duy Xuyên, Quảng Nam (Ảnh minh họa)

Còn tại thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, trước đây diện tích cả thôn có đến vài trăm ha, nhưng nay chỉ còn dưới 100 ha. Hằng năm, sau mỗi mùa lũ, dân làng lại làm nhà lùi vào trong đất liền vài chục mét. Cánh đồng Mỹ Thuận rộng 50 ha, nay chỉ còn hơn 20 ha.

Bà Ngô Thị Lự, thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc lo lắng: “Trước đây đất này sản xuất hoa màu, nhưng bây chừ do đất trũng, lũ lụt cuốn trôi gây thiệt hại nhiều quá”

Phương án mà huyện Đại Lộc đưa ra lúc này là di dời dân đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản, nhất là đối với những hộ chỉ còn cách bờ sông khoảng 20- 30m. Các thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa; Phước Yên, xã Đại Quang, chính quyền xã đã chọn phương án di dời xen ghép vì không còn quỹ đất để bố trí tái định cư. Tuy nhiên, nhiều hộ chưa thống nhất với phương án này. “Đi cũng dở, ở chẳng xong”, nhiều người cố trụ bám để mong chờ Nhà nước đưa ra giải pháp hữu hiệu hơn giúp họ định cư lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc cho biết: “Muốn di dời 200 hộ dân vùng sạt lở đòi hỏi diện tích đất rất lớn, phải đầu tư lại toàn bộ cơ sở hạ tầng. Muốn làm nhà nơi ở mới phải tốn từ 150- 200 triệu đồng/hộ nên bà con rất khó khăn”.

“Dòng sông bên lở bên bồi”. Trước đây, người ta bỏ bên lở để lập làng về phía bên bồi. Nhưng hiện nay, đầu nguồn làm thủy điện, cuối sông ồ ạt nạn khai thác cát sạn, khiến cho dòng sông cả 2 bên đều lở.

Để giữ làng, người dân sống 2 bên bờ sông Vu Gia và Thu Bồn ở huyện Đại Lộc cùng nhau trồng tre, vừa để chắn gió, vừa chống xói lở. Thế nhưng ngay cả rễ tre cũng không chịu nổi sự tàn phá của nước lũ. Về lâu dài, cần phải xây dựng phương án kè kiên cố trên các đoạn sông bị sạt lở, có như vậy mới mong giữ lại những ngôi làng ven sông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên