Sẽ họp Hội đồng tư vấn và sử dụng vaccine viêm gan B
VOV.VN - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế.
Dư luận hiện vẫn chưa đồng tình với kết luận của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine và sinh phẩm tỉnh Quảng Trị về nguyên nhân 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là do sốc phản vệ.
Vụ việc đang đặt ra câu hỏi: Sau vụ việc này, liệu Bộ Y tế có tiếp tục kiểm nghiệm lại vaccine viêm gan B không? Có thay đổi quy định tiêm đại trà vaccine này cho tất cả trẻ sơ sinh hay không? Phóng viên Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế làm rõ hơn vấn đề này.
PV: Thưa ông, dư luận hiện nay chưa đồng tình với kết luận về vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Vậy Bộ Y tế có tiếp tục kiểm nghiệm lại vaccine và mẫu bệnh phẩm không?
Ông Nguyễn Văn Bình: Vaccine đã được gửi đi kiểm tra rồi. Sáng nay, mẫu vaccine tại Hướng Hóa, Quảng Trị đã được chuyển ra Viện kiểm định vaccine và sinh phẩm Trung ương để kiểm định. Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới giúp kiểm định độc lập chất lượng vaccine.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đang liên hệ với phòng thí nghiệm nước ngoài để kiểm định độc lập chất lượng vaccine viêm gan B. Các mẫu bệnh phẩm cũng sẽ được gửi về Cục Khoa học hình sự, Bộ Công an để kiểm định lại, làm rõ xem nguyên nhân vì sao trẻ tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B.
Người nhà nạn nhân đau buồn trước cái chết của trẻ sơ sinh |
PV: Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Chương trình tiêm chủng mở rộng lại quy định các cơ sở y tế cần tiêm đại trà vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ?
Ông Nguyễn Văn Bình: Đầu năm 2008 có nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vaccine viêm gan B. Lúc bấy giờ, Bộ Y tế đã tổ chức khá nhiều hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt có mời các tổ chức quốc tế, xem các nước trên thế giới sử dụng vaccine viêm gan B như thế nào; nghe rất nhiều báo cáo về việc đối với những trẻ có mẹ bị bệnh viêm gan B thì việc tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ càng sớm càng tốt, nhất là trong 24 giờ đầu sau sinh vì trong thời gian đó khả năng bảo vệ cho trẻ sẽ rất tốt.
Trong điều kiện của Việt Nam, tỷ lệ viêm gan virus rất cao, chính vì thế mục tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia xác định phải tiêm sớm vaccine viêm gan B cho trẻ góp phần bảo vệc sức khỏe cho cộng đồng. Lúc bấy giờ cũng đặt ra vấn đề là những phụ nữ có thai phải làm xét nghiệm xác định xem có mắc viêm gan B trước khi sinh không? Từ đó sàng lọc, chỉ có những trường hợp bà mẹ mang thai đang mang virus viêm gan B trong máu thì mới tiêm cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh. Nhưng nếu làm như thế thì kinh phí xét nghiệm quá lớn, không đáp ứng được; mà thời điểm đó, cũng không nước nào trên thế giới làm được việc này.
PV: Vậy từ vụ việc 3 trẻ sơ sinh tại Hướng Hóa, Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, Bộ Y tế có thay đổi quy định này không?
Ông Nguyễn Văn Bình: Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo là đảm bảo tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B cho tất cả các trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh vì sức khỏe chung của cộng đồng. Tuy nhiên, trước vụ việc xảy ra tại Quảng Trị, Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo họp Hội đồng tư vấn và sử dụng vaccine để cân nhắc và việc kết luận về vấn đề này phải phụ thuộc vào Hội đồng chuyên môn.
PV: Ngay sau vụ việc tại Quảng Trị, thì tại Bình Thuận lại vừa có một trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B. Vụ việc này đang được xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Bình: Theo quy định thì khi xảy ra những trường hợp phản ứng nghi do tiêm chủng thì phải tổ chức điều tra ngay. Địa phương nơi xảy ra vụ việc phải thành lập một hội đồng chuyên môn để phân tích, đánh giá, kết luận. Vụ việc tại Bình Thuận, chúng tôi đang chờ kết luận, chưa biết nguyên nhân vì sao./.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.