Sinh con gái được thưởng 2 triệu: Tin đồn và xử lý tin đồn

Xin khẳng định ngay, Nhà nước hiện không có quy định nào thưởng cho người sinh con gái 2 triệu đồng như đồn đại.

Hiện nay ở nhiều địa phương có tin đồn, “ai sinh con gái được Nhà nước thưởng 2 triệu đồng”. Dù đã có nơi này nơi khác giải thích rõ, nhưng tin đồn vẫn cứ lây lan trong cộng đồng, khiến nhiều người không biết rõ đúng - sai. Tin đồn không đúng đôi khi gây hại và gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng dân cư, vậy nên việc xử lý thông tin của những người có trách nhiệm cần kịp thời và chính xác. 

Cái tin “ai sinh con gái được Nhà nước thưởng 2 triệu đồng” bắt đầu từ tháng 5 vừa qua ở Thái Nguyên. Và suốt 4 tháng nay, tin đồn này cứ lan truyền từ Bắc vào Nam, dẫu nơi này nơi khác đã có người giải thích. Xin khẳng định ngay, Nhà nước hiện không có quy định nào thưởng cho người sinh con gái 2 triệu đồng như đồn đại. Có thể đây chỉ là câu chuyện hài hước của ai đó được thêu dệt khi những thông tin về mất cân bằng giới tính liên tục được công bố.

Ấy là loại tin đồn có vẻ như vô hại, nhưng đôi khi còn xuất hiện tin đồn khiến người ta mê hoặc. Chẳng hạn tin đồn: ăn thịt cóc chữa khỏi bệnh ung thư; bà lang nọ, ông thầy kia chữa bệnh bằng nước lã, chữa bệnh bằng thơ... Nguy hại hơn, có những tin đồn làm nhiều người trong cộng đồng bất an. Tháng 4/2008, tin đồn thiếu gạo khiến giá lương thực tăng vùn vụt, nhiều bà nội trợ phải mua gạo giá cao, đề phòng tăng giá; nhiều cửa hàng, siêu thị không còn gạo để bán; còn kẻ đầu cơ tiếp tục tung tin, găm hàng chờ giá cao hơn nữa. Đến tháng 5 lại có tin đồn, xăng sẽ tăng giá lên 25 ngàn đồng/ lít khiến người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành đổ xô đi mua xăng, thậm chí có người còn mua xăng tích trữ trong nhà. Thật nguy hiểm.

Tin đồn ngày nay có sức lây lan nhanh do công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Trước những tin đồn như vậy, rất cần người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương, hoặc người phát ngôn ngay lập tức có thông báo chính thức và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Nhưng có khi tin đồn xuất hiện - nhà báo hỏi thực hư tin đồn thế nào, vẫn có lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương không dám trả lời vì sợ trách nhiệm.

Quy chế cung cấp thông tin cho báo chí; Quy chế người phát ngôn của cơ quan, đơn vị, địa phương đã được ban hành. Nhưng xem ra, việc xử lý tin đồn còn lúng túng, chưa hiệu quả. Thế nên, tin đồn vẫn còn đất sống, vẫn tiếp tục lan truyền và gây tác hại cho cộng đồng. Cái tin đồn “ai đẻ con gái được Nhà nước thưởng 2 triệu đồng” suốt từ tháng 5 tới giờ vẫn tiếp tục lan truyền, là một ví dụ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên