Sự thật về việc đổ đất ở nghĩa trang thôn Cáo Đỉnh

Theo thực tế phóng viên ghi nhận, không có ngôi mộ nào bị đơn vị thi công lấp đi, nhưng có một vài ngôi mộ bị đổ đất bùn quá sát

Mới đây, dư luận lại rộ lên thông tin về một đơn vị thi công giải phóng mặt bằng đã đổ đất bùn vùi lấp mộ ở nghĩa trang thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Sự việc này có đúng hay không và trách nhiệm của các đơn vị thi công đến đâu?

Khu đất này là nghĩa trang cũ của thôn Cáo Đỉnh đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi để chỉnh trang xây dựng thành vườn hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường thành phố. Đây là một phần của dự án cải tạo nút giao thông Nam Thăng Long. Tuy nhiên, khi vừa triển khai thi công, đơn vị tổ chức san lấp mặt bằng, do thiếu kiểm tra, giám sát đã vô tình đổ đất bùn sát mép một số ngôi mộ ở đây nên đã gây ra bức xúc cho người dân.

Cả 45 ngôi mộ tại nghĩa trang thôn Cáo Đỉnh vẫn còn nguyên vẹn

Ông Dương Văn Bình, trưởng thôn Cáo Đỉnh khẳng định: Không có ngôi mộ nào bị đơn vị thi công lấp đi, nhưng có một vài ngôi mộ bị đổ đất bùn quá sát. Bởi vậy, sau cuộc họp giữa chính quyền, Ban Quản lý dự án và các hộ dân, ngày 22/9, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội đã chính thức cho dừng thi công tại mặt bằng này. 2 ngôi mộ đã bị lấp trước khi đơn vị tiến hành thi công cũng đã được Ban Quản lý Dự án đã thống nhất với chính quyền xã là đóng cọc để đánh dấu vị trí nhằm tránh việc các xe chở đất, vật liệu đi qua.

“Trong quá trình chỉnh trang nút giao thông, đơn vị thi công trước đã san gạt bớt để phục vụ cho Hội nghị Apec đã lấp rồi. Một số phế thải của các đơn vị thi công cũng đổ trộm lên 2 ngôi này ở ngay phía sát đường. Riêng 2 ngôi mộ này không có ai nhận”, ông Bình cho biết.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Xuân Huấn, Trưởng phòng Quản lý Dự án 2, Ban Quản lý dự án Đầu tư Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội khẳng định: Ban quản lý Dự án đã tiến hành việc san lấp khu đất đúng quy trình thủ tục. Dự án này được triển khai từ năm 2010, nhưng do giải phóng mặt bằng chậm nên đến tháng 8/2011 mới chính thức được bàn giao cho đơn vị thi công.

Sau khi nhận mặt bằng, Ban quản lý dự án cùng UBND huyện, xã và các nhà thầu đã ra hiện trường, phát quang toàn bộ cây cỏ, lập biên bản xác nhận số mộ hiện có để nhà thầu có phương án bảo vệ, đánh dấu mộ và chỉ thi công trên phần đất không có mộ. Quá trình xác nhận mộ là từ năm 2010, Hội đồng giải phóng mặt bằng đã thông báo 3 lần bằng văn bản cũng như trên các phương tiện truyền thanh của thôn, xã để các hộ có mồ mả ra xác nhận và đăng ký. Trước khi phát quang cây cối, danh sách mộ do Hợp tác xã Tân Trào kê khai là 38 ngôi, sau đó, đơn vị thi công đã phát hiện thêm 7 ngôi nữa, tổng cộng có 45 ngôi mộ.

Ông Huấn thừa nhận: Mặc dù Ban Quản lý dự án đã tiến hành rất nhiều quy trình, trong đó đặc biệt lưu tâm việc bảo quản các ngôi mộ ở đây. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do sơ suất của đơn vị thực hiện nên có đổ đất sát với  một số ngôi mộ. Đồng thời, do trời mưa nên đất bị sạt lở một số chỗ.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Ban quản lý dự án đã lập tức yêu cầu dừng thi công, dọn dẹp, xử lý, khắc phục. Thông tin có nhiều ngôi mộ bị vùi lấp là không chính xác.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh cho biết: Hiện Ban Quản lý dự án đã dừng thi công, khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có hiện tượng một số hộ dân không kê khai, sau đó lại nhận có mộ trên phần đất đã được san lấp và đóng cọc tre vào đó. Những trường hợp này cơ quan chức năng sẽ xác minh lại xem thực sự có mộ hay không.

Phía Ban Quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời mộ cũng như khẳng định sẽ hỗ trợ di dời nếu kiểm tra đúng là có ngôi mộ đã bị lấp.

Việc này một lần nữa cho thấy, cần thiết có sự kiểm tra, giám sát thi công chặt chẽ hơn từ phía Ban quản lý dự án, lường trước những sơ suất có thể xảy ra ngoài ý muốn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án để giải quyết những vấn đề liên quan đến mồ mả một cách hợp tình, hợp lý, vì công việc chung là chỉnh trang, làm đẹp cho diện mạo của Thủ đô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên