Tấm lòng của một nữ dược sĩ với cộng đồng

Không chỉ lo phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, nữ doanh nhân ngành dược Lê Thị Bình đang khẳng định mình trên nhiều phương diện “đảm việc nước, giỏi việc nhà” và biết sẻ chia khó khăn với cộng đồng.

Kế thừa, phát huy bài thuốc gia truyền

Cách đây hơn 60 năm, cái tên bà lang Giằng đã nổi tiếng xứ Thanh bởi bài thuốc đông y gia truyền trị bệnh phong tê thấp.

Bà Giằng không có con trai nên truyền nghề cho con gái là mẹ đẻ của Dược sĩ Lê Thị Bình. Chính vì vậy, ngay từ những năm tháng ấu thơ, chị Bình đã cảm nhận được ý nghĩa cao quý của nghề thuốc gia truyền. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cô gái Thanh Hóa học chuyên ngành toán đã chọn thi và đậu trường Đại học Dược, Hà Nội

Trong quá trình học, mẹ chị đã định hướng, sau này tốt nghiệp, chị sẽ về quê để tiếp tục nghề truyền thống của gia đình. Tuy nhiên trong đầu của cô sinh viên dược lúc đó lại nghĩ: “Nếu về Thanh Hóa cùng theo nghề mẹ thì trước sau gì cũng tái diễn cảnh “nhất mẹ nhì con” và không thể phát triển được”.

Dược sĩ Lê Thị BÌnh làm từ thiện tại Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình

Từ suy nghĩ đó, sau khi tốt nghiệp đại học, chị ở lại Hà Nội, đi làm cho nhiều công ty dược trong nước và nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm với hoài bão sẽ phát triển bài thuốc gia truyền thành sản phẩm được phổ biến rộng rãi.

Năm 1999, chị bắt tay vào nghiên cứu thuốc. Sau 3 năm phối hợp nghiên cứu cùng Đại học Dược,Viện Dược liệu, Viện Kiểm nghiệm dược sản phẩm Phong tê thấp của chị đã được Bộ Y tế cấp giấy phép. Nhưng để thay thế phương pháp bào chế thủ công sang phương pháp bào chế hiện đại Dược sĩ Lê Thị Bình mất thêm 3 năm nữa để nghiên cứu.

Thời điểm đó, ở Việt Nam chỉ có duy nhất máy làm nhân do Viện Dược liệu Trung ương nhập về. Để sử dụng được máy này, chị và hai tiến sĩ của Viện đã mất nhiều công sức nghiên cứu. Dù nhiều lần thất bại nhưng với niềm tin và quyết tâm, chị và đồng nghiệp đã giành được thành công.

Sản phẩm thuốc đông y được sản xuất bằng phương pháp hiện đại của chị được Bộ Y tế công nhận. Và gần 4 năm sau, bài thuốc gia truyền của gia đình chị đã được thị trường đón nhận bởi chất lượng, hiệu quả mà nó mang lại.

Tấm lòng vì cộng đồng

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Dược sĩ Bình vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện.

Những chuyến đi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để khám chữa bệnh, tặng thuốc, tặng quà cho người nghèo càng giúp cho nữ dược sĩ này thêm quyết tâm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để có nhiều điều kiện giúp đỡ người nghèo.

Công việc của một dược sỹ, một doanh nhân vô cùng bận rộn nhưng năm nào chị Bình cũng dành thời gian và tiền bạc cho những chuyến đi thăm, khám bệnh, phát thuốc cho những người bệnh nghèo vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như: Lai Châu, Yên Bái, Hà Tĩnh, Hòa Bình ...

Đặc biệt, chị còn tự tay trả lời những lá thư của người bệnh. Đối với những hoàn cảnh đặc biệt, chị đến tận nhà thăm hỏi, khám bệnh, cho thuốc và hỗ trợ chi phí cũng như giúp đỡ kinh phí để sau khi lành, người bệnh có cơ hội học nghề, tìm được việc làm.

Với cái tâm vì người bệnh, đặc biệt là tình cảm mà chị dành cho những người bệnh nghèo, người kém may mắn, chị đã 3 lần liên tiếp được nhận cúp Bông hồng Vàng – Giải thưởng cao quý giành cho những nữ doanh nhân sản xuất kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội vì cộng đồng.

Làm việc bằng cái tâm nên chỉ trong 6 năm trở lại đây cái tên Công ty Dược phẩm Tâm Bình do chị làm giám đốc rất nổi tiếng trong ngành dược phẩm Việt Nam. Nhưng chưa hài lòng với những gì đã làm được, nữ doanh nhân này đã và đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu, sản xuất để đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm phục vụ nhu cầu của người bệnh.

Dược sĩ Lê Thị Bình luôn tâm niệm: “Mình có được thành công, hạnh phúc thì phải biết sẻ chia với những người kém may mắn hơn mình”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên