Tăng cường giám sát dịch Mers-CoV tại các cửa khẩu

VOV.VN -Dịch bệnh này đã xuất hiện tại 18 quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông, Châu Âu, Bắc Phi, Châu Á, Châu Mỹ.

Trước tình hình dịch Viêm đường hô hấp cấp tính ở khu vực Trung Đông (gọi tắt là Mers – CoV) đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP HCM đã giao cho Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế tăng cường việc giám sát bệnh dịch này ở các cửa khẩu.

Tại các điểm như: Sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, máy kiểm tra thân nhiệt từ xa được lắp đặt để phát hiện những người bị sốt, nhất là khi đến từ các khu vực có dịch trên thế giới.

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các cửa khẩu (Ảnh: Chinhphu.vn)

Các bệnh viện lớn của thành phố cũng được giao nhiệm vụ tăng cường việc phát hiện sớm các trường hợp mới mắc bệnh Mers – CoV để từ đó khống chế, không cho lây lan. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng tổ chức việc giám sát ở cộng đồng, phường xã và chuẩn bị các đội phòng chống dịch, trang bị đầy đủ hóa chất, máy móc.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc đến từ vùng dịch. Chúng tôi cũng đã triển khai truyền thông vệ sinh phòng bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị bệnh dịch tại các bệnh viện lớn”.

Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế cũng đưa ra khuyến cáo với những người có nguy cơ sẽ bị các triệu chứng nghiêm trọng do MERS-CoV, bao gồm những người có bệnh tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, suy thận từ trước, hoặc những người suy giảm miễn dịch, cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp khi đến thăm các trang trại, chuồng gia súc hoặc những nơi có lạc đà.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 15/5,  toàn cầu có 537 trường hợp nhiễm Viêm đường hô hấp cấp tính khu vực Trung Đông (Mers – coV), trong đó 146 trường hợp tử vong. Dịch bệnh này đã xuất hiện tại 18 quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông, Châu Âu, Bắc Phi, Châu Á, Châu Mỹ. Trong đó, 75% ca bệnh gần đây là lây nhiễm thứ phát do có sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc. Phần lớn các ca bệnh đều có viêm phổi cấp tính nặng, sốt, ho và khó thở.

Tại Việt Nam, chưa ghi nhận có trường hợp mắc. Khó khăn trong việc ứng phó với bệnh dịch này là chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, xuất hiện các trường hợp không có triệu chứng, dẫn đến khó kiểm soát và tăng khả năng lây lan trong cộng đồng. Nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào nước ta thông qua các khách du lịch, người lao động, học tập tại các quốc gia có dịch trở về Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên