Tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc chứa chất độc hại

(VOV) -Tình trạng khoai tây Trung Quốc giả danh khoai tây Đà Lạt diễn ra phổ biến, chưa tìm ra giải pháp để xử lý

Hôm nay (15/6), cơ quan chức năng TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành tiêu hủy 26 tấn khoai tây xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất độc hại. Đây chỉ là lượng hàng rất nhỏ được nhập về thành phố này để nhuộm đất, mạo danh khoai tây Đà Lạt rồi tung ra thị trường được cơ quan chức năng phát hiện. Phần lớn còn lại là không thể xử phạt được do chưa có luật định.

Đang “vận hàng công nghệ” biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt được chụp ngày 9-11 - Ảnh Cao Nguyên

Qua kiểm tra kho hàng của bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở phường 12, TP Đà Lạt, Công an TP Đà Lạt đã phát hiện có 52 tấn khoai tây Trung Quốc, có giấy tờ nhập khẩu hợp lệ, có giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm do trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh, Chi cục kiểm dịch thực vật vùng VII cấp vào ngày 20/5.

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho thấy, trong số này có 26 tấn khoai tây hồng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép tới 16 lần. UBND thành phố Đà Lạt đã ra quyết định tịch thu, tiêu hủy 26 tấn khoai tây độc hại này.

Cũng theo Công an TP Đà Lạt, cùng thời điểm, bà Nguyệt đã nhập về Đà Lạt 3 lô khoai tây Trung Quốc thông qua Công ty TNHH Quốc tế Anh Quân (ở Hà Nội) và Công ty TNHH một thành viên thương mại và xuất nhập khẩu Vân Linh (ở Lào Cai), với tổng trọng lượng 82 tấn. Trong số này, có 26 tấn khoai tây vàng đã chuyển đi tiêu thụ ở TP HCM.

Đây là lần đầu tiên TP Đà Lạt đã ra quyết định tiêu hủy số lượng lớn khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo ông Dương Ngọc Đức, Trưởng Phòng Kinh tế Đà Lạt, tình trạng khoai tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt để chế biến, nhuộm đỏ để giả danh khoai tây Đà Lạt diễn ra phổ biến, cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp để xử lý triệt để: “Về mặt chứng từ, pháp lý thì mặt hàng này vẫn được lưu thông. Nhưng có điểm nghịch lý là nhập từ Hà Nội vào TP HCM, sau đó nhập ngược về Đà Lạt bắt đầu sơ chế, phân loại lựa ra củ lớn, củ nhỏ xong rồi rửa sạch sẽ và trộn đất Đà Lạt rồi chở ngược lại TP HCM. Đây là hành vi lừa đảo, gian lận. Đúng là hàng hóa này có nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn chứng từ nhưng vấn đề tẩm đất, lăn đất chở về thành phố thì là hành vi rất phức tạp. Họ nói là làm viêc này nhưng đâu có nói là khoai tây Đà Lạt, vẫn là khoai tây Trung Quốc mà, ai mua thì mua, hết sức khó xử lý được” .      

Theo ông Trần Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan Đà Lạt, các mặt hàng nông sản không thuộc diện hạn chế nhập khẩu, nên không thể xử lý nếu có hồ sơ nguồn gốc đầy đủ. Tuy nhiên, có thể xử lý nếu nông sản này giả danh nông sản địa phương. Và để làm tốt việc này, chính quyền địa phương cần phải khẩn trương triển khai Nghị định 89 của Chính phủ về dán nhãn mác vào bao bì sản phẩm của địa phương mình: “Vấn đề ghi nhãn hàng hóa thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 89, đối với trường hợp những hàng hóa như thế này thì chúng ta có thể nghiên cứu, xem xét để áp dụng đó là đề nghị các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng trên đại bàn Đà Lạt có thể dán nhãn trực tiếp lên sản phẩm đó được hay không. Khi đã dán nhãn vào rồi chúng ta mới có cơ sở để phân biệt mặt hàng này là do mình sản xuất ra, còn hàng này là hàng Trung Quốc… từ đó mới xử lý được hành vi giả mạo. Chứ nếu không có biện pháp thì hàng của Đà Lạt rất là khó kiểm soát, lẫn lộn không chỉ ở Đà Lạt mà còn cả thị trường trong cả nước nữa”.

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, không chỉ có khoai tây mà còn nhiều sản phẩm khác có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về Đà Lạt, sau đó giả danh sản phẩm, đặc sản của địa phương, lấy địa chỉ dẫn lý của Đà Lạt. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp khả thi để xử lý, chấn chỉnh triệt để vấn nạn này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát hiện nho và khoai tây Trung Quốc có chất difenoconazole
Phát hiện nho và khoai tây Trung Quốc có chất difenoconazole

Các cơ quan chức năng yêu cầu tăng cường kiểm soát nho, khoai tây Trung Quốc sau khi phát hiện có chứa hợp chất trên

Phát hiện nho và khoai tây Trung Quốc có chất difenoconazole

Phát hiện nho và khoai tây Trung Quốc có chất difenoconazole

Các cơ quan chức năng yêu cầu tăng cường kiểm soát nho, khoai tây Trung Quốc sau khi phát hiện có chứa hợp chất trên