Con bất hiếu, mẹ đau lòng
VOV.VN - Sinh con ra ai cũng mong con khôn lớn trưởng thành để có chỗ nương tựa khi về già. Mấy chục năm tần tảo nuôi con một mình để giờ đây, người phụ nữ ấy lại bị con gái và con rể đối xử tệ bạc.
Gửi thư về chương trình, người phụ nữ ấy giãi bày nỗi lòng của mình:
Tôi có 3 người con, 2 trai 1 gái. Chồng tôi mất lúc con gái út được 2 tháng tuổi, một mình tôi tần tảo nuôi con. Đến nay, con gái út của tôi đã 30 tuổi, cũng đã lập gia đình, nhà chồng của con cách nhà chúng tôi 70km. Chồng con tôi từ ngay khi mới quen tôi đã phản đối kịch liệt vì đó không phải là người con tôi nương nhờ được. Thanh niên trai tráng không lo làm ăn, mà chỉ chơi bời lêu lổng, đặt 3 cái nhà của bố mẹ, anh chị. Tôi khuyên can đủ điều không được nên đành phải cho cưới, nhưng không có con đăng ký kết hôn và chuyển hộ khẩu sang bên đó. Đến nay, hai con đã có 1 cháu gái 8 tuổi nhưng vợ chồng suốt ngày đánh chửi nhau, không có nhà cửa. Tôi bàn với con gái về đây ở với tôi, rồi mẹ con vay mượn làm cái nhà cấp 4 trên mảnh đấy 120m2 tôi cho con nhưng chưa sang tên. Lúc làm nhà hơn 3 tháng, tôi một thân một mình lo lắng, còn con gái không phải mó tay vào việc gì, vẫn ở bên nhà chồng. Nhà cửa xong con chỉ việc xách vali về ở. Chồng nó thì không có 1 đồng cũng không dám mò về nhà tôi.
Có hôm, con gái mua con gà về liên hoan nhưng không đứa nào chịu làm mà có ý đẩy cho tôi. Tôi vừa đi làm về mệt, nhìn cảnh các con cư xử như khách đến chơi, tôi cũng bực, liền sai con rể làm. Thế mà, con gái tôi nó tỏ thái độ chê trách tôi là muốn nhờ thì phải khác chứ mẹ nói như ra lệnh. Tôi giận lắm nhưng vẫn cố im lặng cho qua để tránh mâu thuẫn.
Làm nhà đến nay đã hơn 1 năm, tôi có nhắc nhở con về việc tôi phải vay tiền để xây nhà, 20 chục triệu tôi bỏ ra thì tôi cho con luôn nhưng tiền vay người ta thì con phải trả. Thế mà, lúc con nói là trả, lúc thì nói không trả xong còn văng bậy nên hai mẹ con cãi nhau. Lời qua tiếng lại vài câu, con tôi liền cầm hoa quả, cốc chén trên bàn ném xuống trước mặt tôi. Chồng nó ngồi đấy cũng không can thiệp. Tôi bực quá chỉ mặt mắng, con nó tưởng tôi đánh nó liền giơ tay lên định phản kháng đánh lại tôi. Quá bất ngờ về hành động của con, tôi đứng như trời trồng nhìn nó, vậy mà nó còn vênh mặt lên nói với tôi “Sợ chưa?”. Quá đau lòng nhưng tôi cũng không dám nói chuyện này cũng như chuyện tôi vay tiền giúp con gái cho hai anh nó biết.
Năm ngoái, dịch bùng phát mạnh, vì con rể nhà tôi bị lây thành F0 những hai lần. Đến một hôm, trong bữa cơm tối, tôi thấy con nó sụt sịt, hỏi ra mới biết con vừa đi cùng hai người bạn cũng bị F0. Vợ nó hốt hoảng và bảo chồng về nhà nội ở tạm mấy hôm. Thấy vậy, tôi cũng nói theo: “Chị dâu vừa xạ trị ung thư cũng yếu, nhà chị giờ sát nhà mình, lỡ chị lây thì rất nguy hiểm, con về bên ấy cũng tránh ông bà nội, không ông bà già yếu rồi”. Tôi nghĩ những gì mình nói không hề sai và không có ác ý. Vậy mà cả con gái lẫn con rể đều quay ra nói tôi xa xả, chúng bảo tôi ác, tối rồi mà còn đuổi đi, ý tôi muốn đuổi ai. Nói rồi con gái tôi lại hất tung đồ đạc ra sân vỡ tan tành. Tôi tức quá giơ tay lên định đánh con, thì nó cũng giơ tay lên dọa đánh lại rồi bảo chồng nó không phải đi đâu hết.
Hai lần con gái định đánh lại tôi khiến tôi không sao hiểu nổi con thế nào. Công mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng, sinh thành, mang bao hi vọng có 1 cô gái để bầu bạn sớm tối, đỡ đẫn tôi lúc ốm đau khi về già, chẳng ngờ đâu con nó lại hành xử như vậy. Sau lần ấy, nó còn nhắn tin cho tôi bảo từ giờ không có mẹ con gì hết. Nhiều lần mẹ con va chạm, tôi đều bỏ qua vì thương nó không còn bố. Đến bây giờ hi vọng của tôi cũng tan thành mây khói. Con rể và con gái tôi huênh hoang đắc thắng. Nếu cứ như thế này thì đúng là hết tình. Tôi phải làm thế nào đây? Mong các thính giả gần xa cho tôi một lời khuyên.
Sau khi câu chuyện phát sóng đã nhận được chia sẻ của các thính giả gần xa và biên tập viên chương trình có đôi điều chia sẻ với nhân vật thế này:
Người xưa có câu “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, cùng cha cùng mẹ, cùng một môi trường giáo dục nhưng tính cách của mỗi người con lại hoàn toàn khác nhau. Có người hiểu chuyện, thương cha mẹ thì cũng có người lại ngỗ nghịch khiến cha mẹ buồn lòng. Điều quan trọng nhất là cha mẹ nên hiểu suy nghĩ và tính cách của con ra sao để từ đó có cách răn dạy cho phù hợp.
Sinh con ra ai cũng mong con khôn lớn trưởng thành để có chỗ nương tựa khi về già. Nhưng đúng là ở đời, đôi khi có những việc chúng ta không thể lường trước được. Đâu ai có thể ngờ, đứa con bé bỏng, mình chăm bẵm từ khi lọt lòng, dành hết tình yêu thương cho nó mà nó lại có thể nhẫn tâm đối xử với mình tệ bạc đến thế.
Tôi hiểu rằng, bác là một người mẹ rất thương yêu các con của mình. Chính vì vậy, bác đã lựa chọn một mình tần tảo nuôi con, mà không hề nghĩ tới hạnh phúc riêng. Con gái bác mất bố từ khi còn quá nhỏ, có lẽ, vì thế mà bác càng yêu thương và càng bù đắp cho cô ấy nhiều hơn. Nhưng có khi nào, chính tình yêu thương ấy lại trở thành sự nuông chiều quá mức khiến con gái bác mới trở nên như vậy.
Có một câu nói, tôi cảm thấy rất tâm đắc: “Tình yêu kiểu bao bọc sẽ luôn tạo ra những con người vô ơn”. Sự hy sinh vô điều kiện của một số cha mẹ khiến đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ "đáp ứng con cái là nghĩa vụ của cha mẹ", cho nên không biết cảm thông nỗi vất vả của cha mẹ, thậm chí còn chê bai cha mẹ không tiền, không quyền và địa vị thấp. Và khi cha mẹ không đáp ửng được những gì mà các con mong muốn thì chúng sẵn sàng trở mặt, đối xử tệ bạc với chính người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Bác đã bao giờ thử suy xét lại và nhận ra điều đó không?
Trong thư bác cũng chia sẻ, bác cấm cản con gái đến với người đàn ông chơi bời, lêu lổng, không công ăn việc làm. Cũng là một người mẹ, tôi hoàn toàn hiểu cho những lo lắng của bác. Bởi là cha mẹ, ai cũng mong điều tốt đẹp nhất đến với con mình. Và với con gái thì đó là một tấm chồng đoàng hoàng, tử tế để có thể gửi gắm cả cuộc đời. Tuy nhiên, đây cũng có thể là nguồn cơn của rất nhiều sự việc sau này.
Con cái thường đến một độ tuổi nhất định nào đó, sẽ muốn khẳng định bản thân mình là người trưởng thành, sẽ tự quyết định được cuộc đời mình, chính vì vậy, khi có sự can thiệp quá mạnh mẽ của cha mẹ, thì các con thường có có xu hướng làm trái ý. Như các cụ ta vẫn có câu “Càng cấm càng cứ” đó sao. Con gái bác có lẽ lúc ấy cũng mang tâm lý như vậy. Còn về phía con rể, anh ta nhận thấy bị nhà vợ coi thường, nhà vợ không thừa nhận mình, bởi thực tế, việc làm nào của bác cũng là chỉ dành cho con gái mà không hề có sự xuất hiện của anh con rể.
Bác ạ, con gái đã đi lấy chồng thì phần nào đó, cô ấy sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ nếp sống, cách hành xử của người chồng, của gia đình chồng. Cho nên, những gì con gái bác đang thể hiện nó cũng phản ánh khá nhiều về cuộc sống của cô ấy hiện tại.
Hiện nay, vợ chồng cô ấy đang sống ở nhà bác, đôi khi trong suy nghĩ bác không hề có suy nghĩ gì nặng nề, chỉ là nhắc nhở con rể, nhưng việc nói qua nói lại có lẽ khiến các con có suy nghĩ bác đang muốn đuổi họ ra khỏi nhà. Vì vậy, mâu thuẫn mới lên đến đỉnh điểm.
Bác hãy thật bình tĩnh, suy xét lại chính mình, xem liệu rằng trong lúc nóng giận, có phải mình cũng đã xúc phạm tới con gái và con rể hay không? Bởi dù là con, nhưng nay chúng chính là một gia đình nhỏ riêng biệt, mình cũng cần có đối xử một cách tôn trọng. Bất cứ việc gì, cũng nên ngồi nói chuyện thẳng thắn với nhau. Việc bác im lặng chịu đựng, chỉ càng đẩy câu chuyện đi xa hơn nữa. Và tôi sợ rằng, những hành xử lỗ mãng của con bác sẽ không chỉ dừng ở chữ “định” nữa.
Trước hết, bác hãy nghiêm túc trò chuyện, trao đổi với con gái, về cảm xúc của bác khi con hành động như vậy rồi bác hãy từ từ khuyên bảo, nhẹ nhàng phân tích để cô ấy hiểu ra những sai lầm của mình. Có thể không chỉ một cuộc trò chuyện là cô ấy đã hiểu ra. Nhưng tôi tin rằng, mưa dầm thấm lâu, cô ấy sẽ hiểu được tâm ý của mẹ mình mà thay đổi. Nếu trong trường hợp, cô ấy vẫn đối xử tệ bạc với bác thì lúc này, một cuộc họp gia đình cũng là điều nên làm.
Yêu thương con cái không có nghĩa là làm hết, lo hết, nuông chiều con thái quá. Các cụ nhà ta đã nói "thương con như thế bằng mười hại con". Mong rằng với những chia sẻ, phân tích của chúng tôi và thính giả sẽ phần nào giúp bác nhìn nhận lại mọi việc và từ đó có quyết định đúng đắn nhất. Chúc bác thành công./.