Để trẻ lắng nghe và tôn trọng bạn
VOV.VN - Khi bạn yêu cầu con làm một điều gì đó, liệu có bao giờ chúng thực sự chủ động lắng nghe và làm theo lời của bạn? Thực chất, trẻ chỉ lắng nghe khi bạn và chúng có sự tôn trọng lẫn nhau.
Khi bạn yêu cầu con làm một điều gì đó, liệu có bao giờ chúng thực sự chủ động lắng nghe và làm theo lời của bạn? Thực chất, trẻ chỉ lắng nghe khi bạn và chúng có sự tôn trọng lẫn nhau. Bên cạnh đó là nhiều yếu tố khác. Dưới đây là một số lời khuyên về cách khiến con bạn lắng nghe và tôn trọng bạn.
Thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau
Bạn có thể khiến trẻ nghe lời bằng cách sử dụng quyền lực “bề trên” của mình và bắt ép con cái làm theo những gì bạn muốn, nhưng mối quan hệ của bạn và con sẽ chẳng thể duy trì tốt đẹp theo cách đó. Cái giá phải trả cho cách đối xử như vậy sẽ sự oán giận thậm chí là thù hận của con cái dành cho cha mẹ.
Nếu bạn không thể hiện sự tôn trọng đối với con mình, sẽ rất khó để khiến chúng làm điều tương tự với bạn. Chúng có thể tuân theo những lời ép buộc tại thời điểm đó, nhưng nếu bạn hành động như vậy trong một khoảng thời gian dài và liên tục, thì một ngày không xa bạn sẽ cảm thấy hối hận. Nền tảng của bất kì mối quan hệ nào đều phải bắt đầu bằng sự tôn trọng lẫn nhau, kể cả mối quan hệ cha mẹ - con cái.
Tránh la hét
Khi la mắng và oán trách là cách nói chuyện phần lớn của mối quan hệ, những đứa trẻ sẽ chưa thể hiểu được những hành động đó là xuất phát từ lo lắng hay quan tâm, mà chỉ cảm thấy ấm ức và khó chịu với phụ huynh của mình. Không ai muốn cảm thấy bị chi phối, cũng như không muốn cảm thấy mình kém cỏi hơn một người khác.
Hãy cho con bạn biết rằng bạn coi trọng chúng thông qua những cử chỉ tôn trọng. Bạn vẫn là cha mẹ, nhưng bạn có thể là một bậc cha mẹ vừa dễ gần vừa nghiêm khắc. Hãy bắt đầu từ mức độ nhắc nhở khi con phạm phải sai lầm, sau đó có thể đưa ra những hình phạt thích ứng để con hiểu được điều mình làm là chưa đúng đắn. Tuy nhiên, bạn không nên đổ dồn cảm xúc của mình lên con cái, dù tức giận nhưng hãy cố gắng bình tĩnh và nói chuyện với con thẳng thắn.
Cho chúng sự chú ý đầy đủ của bạn
Khi bạn đang nói với trẻ, hãy nhìn vào mắt trẻ và dành toàn bộ sự chú ý cho chúng. Cách tiếp cận này sẽ cho trẻ thấy vị trí của chúng trong mắt bạn là quan trọng như thế nào, cũng như cảm thấy an toàn và hứng thú hơn trong việc chia sẻ và lắng nghe.
Trong một ví dụ điển hình, khi bạn muốn nhắc nhở con phải tập trung làm bài tập về nhà, nhưng vừa nói bạn vừa nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại của mình, thì sự tương tác khi đó sẽ chẳng còn hiệu quả và ý nghĩa của nó nữa. Nếu phụ huynh hành xử khác đi một chút: “Đã đến lúc ngừng xem TV và làm bài tập về nhà, con có thể xem sau khi làm xong nhiệm vụ học tập của hôm nay”, điều đó thường sẽ có kết quả tốt hơn vì trẻ được chú ý đầy đủ.
Dành sự quan tâm trọn vẹn cho con mỗi khi bạn muốn con lắng nghe và ngược lại, khi con cần người để chia sẻ, bằng giao tiếp mặt đối mặt với chúng. Hãy cho con hiểu rằng bạn quan tâm và nghiêm túc với những gì mình đang nói. Điều này sẽ giúp con bạn chủ động lắng nghe và phản hồi những gì bạn nói một cách lâu dài.
Trở thành một hình mẫu tốt
Để con bạn lắng nghe và tôn trọng bạn, bạn cũng phải là một tấm gương tốt đáng được tôn trọng. Trẻ em quan sát và thậm chí là bắt chước cha mẹ cũng như người thường xuyên ở cạnh và chăm sóc chúng. Chính vì vậy, phụ huynh là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới trẻ.
Nếu bạn luôn phản đối việc không tuân theo các quy tắc hoặc luật lệ, thì bạn phải là người làm mẫu, thực hiện rõ ràng điều này trong cuộc sống thường ngày để con hiểu và học theo. Trẻ sẽ học được rằng chúng phải sống có kỉ luật và nghe lời cha mẹ trong nhiều tình huống. Hãy là một tấm gương dạy con bạn biết lắng nghe và tôn trọng người khác bằng những hành vi và tư tưởng của chính bạn./.