Làm thế nào để giải quyết xung đột trong một mối quan hệ
VOV.VN - Xung đột có thể làm ảnh hưởng đến cả những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Nhưng làm thế nào để bạn giải quyết những cuộc tranh cãi đó khi bạn dường như không thể thống nhất?
Xung đột có thể làm ảnh hưởng đến cả những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Nhưng làm thế nào để bạn giải quyết những cuộc tranh cãi đó khi bạn dường như không thể thống nhất? Cách bạn xử lý bất đồng nói lên rất nhiều về cảm nhận của bạn đối với đối phương. Dưới đây là một số cách thức bạn có thể tham khảo để giải quyết xung đột trong mối quan hệ của mình mà không vô tình gây ra rạn nứt.
Đừng la mắng hãy giao tiếp
Giao tiếp là nền tảng của các mối quan hệ lành mạnh và thành công. Hai người cùng giao tiếp với nhau sẽ xây dựng cảm giác tin cậy. Họ hiểu được người kia nghĩ gì, cảm thấy như thế nào và cuối cùng sẽ nhận ra mình cần làm gì. Khi mọi thứ căng thẳng, bạn khó có thể giữ được bình tĩnh. Nếu bạn muốn giải quyết xung đột trong mối quan hệ mà không làm tổn thương đối phương, hãy tránh la hét và gọi tên họ.
Học cách lắng nghe
Lắng nghe cũng quan trọng như giao tiếp khi giải quyết xung đột. Bạn thể hiện sự tôn trọng với đối phương khi lắng nghe những gì họ nói. Cũng sẽ là khôn ngoan nếu bạn biết khi nào nên giữ im lặng và kiên nhẫn khi vợ/chồng mình đang bày tỏ cảm xúc, hãy cố gắng không bị phân tâm. Duy trì giao tiếp bằng mắt khi bạn nói chuyện và loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng như tivi, radio hoặc điện thoại.
Chọn đúng thời điểm để tạo ra sự khác biệt
Nếu bạn có một vấn đề muốn giải quyết ngay với vợ/chồng của mình, điều quan trọng là phải chọn đúng thời điểm để giải quyết vấn đề đó. Việc giải quyết vấn đề sẽ diễn ra suôn sẻ nếu vợ/chồng bạn tỉnh táo và có tâm trạng tốt. Nhưng đưa ra một chủ đề có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi sẽ không thực sự sáng suốt nếu họ đang bức bối, mệt mỏi, căng thẳng, đói hoặc mất tập trung.
Chú ý giọng nói của bạn
Bạn có hiểu giọng nói của mình không? Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đang nói điều gì đó một cách nhẹ nhàng với người bạn đời của mình, nhưng thật ra lại vô cùng to tiếng, khiến họ phải khóc và tổn thương. Nếu bạn muốn giải quyết xung đột mà không làm ảnh hưởng xấu tới đối phương, hãy tránh sử dụng giọng điệu mỉa mai hoặc coi thường đối với họ. Ngoài ra, đừng giải quyết bất kì vấn đề gì qua tin nhắn. Nếu bạn cảm thấy rằng bạn đang bị hiểu lầm qua tin nhắn văn bản, hãy gọi cho vợ/chồng của bạn và giải quyết mọi việc ngay lập tức.
Thể hiện sự tôn trọng
Khi mọi thứ trở nên căng thẳng, bạn có thể vô tình buông ra lời nói hoặc hành động thiếu tôn trọng tới đối phương. Không tôn trọng người bạn đời của mình là một trong những điều tồi tệ nhất bạn có thể làm. Bạn có thể giải quyết xung đột mà không làm tổn thương người ấy bằng cách dành một phút để hạ nhiệt cho bản thân. Giải quyết xung đột không phải là xem ai có thể hét to nhất hoặc chiến thắng để người kia phải nghe theo. Đó là về giải quyết một vấn đề để cả hai cùng tốt hơn. Hãy tôn trọng ý kiến của họ, lắng nghe và ăn nói thật bình tĩnh.
Nhớ rằng bạn đang yêu nhau
Chúng ta có xu hướng bỏ đi khi đang buồn, nhưng điều quan trọng cần nhớ là người mà bạn đang tranh cãi cùng chính là tình yêu của cuộc đời bạn. Ngay cả những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất cũng không nhất trí trong mọi vấn đề. Thỉnh thoảng có bất đồng cũng không sao, miễn là hai bạn đối xử với nhau bằng tình yêu thương và sự tôn trọng. Đừng ngủ quên trong một cuộc tranh cãi.
Có sự đồng cảm
Những hiểu lầm biến thành tranh cãi khi các cặp đôi không cố gắng hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người kia. Đó là nơi xuất phát của sự đồng cảm. Đồng cảm là khả năng hiểu được cảm xúc của người khác. Khi bạn có sự đồng cảm với người bạn đời của mình, bạn có thể đặt mình vào vị trí của họ và nhìn mọi thứ từ góc độ của họ. Có sự đồng cảm là điều cần thiết để giải quyết xung đột trong mối quan hệ một cách hòa bình. Khi bạn đồng cảm với người ấy, bạn đang dành cho họ sự quan tâm của mình, thu hẹp khoảng cách trong tranh luận và thúc đẩy lòng trắc ẩn.
Học cách tha thứ
Một cách bạn có thể làm để tránh gây tổn thương đến vợ/chồng của mình khi xung đột diễn ra trong mối quan hệ của hai bạn, chính là học cách tha thứ. Thật dễ dàng để nói rằng bạn tha thứ cho ai đó, nhưng sự tha thứ còn hơn cả lời nói của bạn. Bạn cho thấy bạn đã tha thứ cho ai đó khi bạn để cho vấn đề qua đi - không sử dụng nó làm đòn bẩy tại các cuộc tranh cãi trong tương lai. Tha thứ thực sự có nghĩa là trút bỏ cơn tức giận mà bạn cảm thấy và đối xử với người ấy của bạn bằng tình yêu và sự tôn trọng sau khi cuộc tranh cãi kết thúc./.