Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Nhà phải là nơi an toàn cho con
VOV.VN - Với mỗi người, gia đình luôn là chỗ dựa bình yên nhất và nhà là nơi để ta trở về. Tuy nhiên ngày nay, nhiều đứa trẻ lại không có được cảm giác ấy.
Theo thống kê của UNICEF, khoảng 75% trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình. Trong đó, phần lớn bị bạo hành dưới dạng tinh thần như mắng, chửi, đe dọa. Hầu hết mọi người sẽ chú tâm vào bạo lực thể xác mà thờ ơ với bạo lực tinh thần - nỗi đau có thể khiến cho nạn nhân phải mất nhiều thời gian để chữa lành, hoặc thậm chí nặng hơn là mang theo nó cả cuộc đời.
Tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực tinh thần đang ngày càng gia tăng, nhất là trong xã hội đang phát triển với nhiều áp lực đè nặng lên con người. Trong xã hội hiện đại, căn bệnh trầm cảm đang ngày càng trẻ hóa. Đối với người lớn, họ phải chịu mọi áp lực từ cuộc sống, bị chịu sự chi phối của đồng tiền, để rồi có những cảm xúc tiêu cực và đôi khi lấy con cái làm “công cụ” để trút giận. Tâm lý “con nhà người ta”, nhiều gia đình đã đem chính con cái của mình để so sánh với những đứa trẻ khác. Vô hình chung, điều này đã gây ra tổn thương tinh thần cho chúng, sinh ra cảm giác “bản thân vô dụng”, “cha mẹ không hiểu mình”,... để bộc phát có những hành động dại dột.
Cũng theo đánh giá của UNICEF, thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ bị tổn thương sức khỏe tinh thần đang có chiều hướng tăng lên 5-7 lần so với trước đó. Nhóm tuổi từ 15-17 có nguy cơ bị lo âu, trầm cảm cao nhất. Tổn thương sức khỏe tinh thần có thể tăng nặng theo thời gian, từ bị stress lo âu nhưng không được quan tâm kịp thời và đúng cách, đã trở thành trầm cảm.
Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều vụ việc trẻ dưới 18 tuổi chọn cách tự tử vì áp lực gia đình. Điển hình gần đây nhất là vụ việc một nam sinh 16 tuổi tại Hà Nội đã nhảy lầu từ tầng 28. Trong thư tuyệt mệnh, nam sinh có nói rằng bản thân “chẳng còn cảm thấy cái lợi ích của việc chia sẻ khi mà ý kiến của mình chẳng thực sự quan trọng”.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tổn thương tinh thần cho trẻ, nhưng phổ biến nhất vẫn là do sự kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình. Nhiều bậc cha mẹ đã đặt mục tiêu cho con phải đỗ được trường chuyên, lớp chọn, phải đạt được giải thưởng lớn nhỏ,... Hiểu rằng, cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con, nhưng thay vì cổ vũ, động viên để con có thêm tinh thần, thì họ lại tạo ra áp lực vô hình. Để rồi con cái không có thời gian nghỉ ngơi, dễ sinh ra chán nản, cảm thấy cuộc sống luôn chứa đầy sự áp lực, căng thẳng.
Các vết thương hiện hữu trên cơ thể do bị bạo hành thể xác theo năm tháng có thể sẽ được chữa lành, nhưng những thương tổn về tinh thần thì khó phai. Với thực trạng đáng báo động như hiện nay, các bậc cha mẹ nên dành thời gian quan tâm tới con cái của mình, tránh đặt quá nặng kỳ vọng mà hãy để con tự do phát triển. Cha mẹ phải là người dìu dắt, định hướng chứ không nên tạo thêm áp lực cho trẻ.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, tế bào ấy phát triển tốt và khỏe mạnh sẽ góp phần tạo nên một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn./.