Những câu hỏi nên tránh sử dụng để không làm tổn thương người khác
VOV.VN - Đừng làm những buổi hẹn đầu tiên hay cuộc gặp mặt không thuận lợi bởi những câu hỏi tưởng rất bình thường nhưng có tác dụng ngược sau...
Đôi khi, chúng ta không nhận ra những câu hỏi ta hay hỏi người khác một cách vô tình lại có thể làm tổn thương đến họ. Trong giao tiếp, ta muốn kết nối với mọi người nhưng không may mắn thay, những câu hỏi "vô duyên" lại làm mất đi thiện cảm của người đối diện. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên tránh để cải thiện mối quan hệ xã hội của mình...
1. "Vì sao anh/chị vẫn...?"
Chẳng hạn, câu hỏi người khác vì sao họ vẫn độc thân khá bất lịch sự, thường mang lại cảm giác tồi tệ cho người được hỏi, kể cả khi bạn vừa khen họ xinh đẹp hoặc ưa nhìn xong. Trên thực tế, câu hỏi với cụm từ "Vì sao bạn vẫn...?" mang lại cho người đối diện cảm giác họ đang mắc kẹt trong một tình thế khó khăn trong cuộc sống.
2. "Vì sao nhìn anh/chị mệt mỏi thế?"
Bạn có thể rất quan tâm tới tình trạng của bạn bè, tuy nhiên không nên hỏi họ vì sao trông họ tệ hoặc mệt mỏi. Trừ phi bạn rất gần gũi thân thiết với họ, còn thông thường câu hỏi này nên tránh trong giao tiếp thông thường. Họ đơn giản sẽ không muốn chia sẻ nhiều về cuộc sống riêng tư, hoặc thậm chí trông họ luôn luôn như vậy. Thay vì tỏ ra quan tâm, câu hỏi này còn gây áp lực cho họ.
3. "Anh/chị làm nghề gì?"
Câu hỏi này có thể khiến người khác cảm thấy khó chịu khi bạn bắt đầu trò chuyện với họ. Đặc biệt, nếu đối phương đang trong hoàn cảnh khó khăn hoặc mất phương hướng trong công việc, nghề nghiệp không phải là chủ đề họ muốn chia sẻ với bạn. Vì vậy, khi bắt đầu trò chuyện với ai đó, bạn đừng vội hỏi nghề nghiệp và công việc của họ.
4. "Anh/chị bao nhiêu tuổi"?
Trừ khi bạn cần tìm hiểu tuổi tác người đối diện cho công việc riêng, còn lại bạn nên hạn chế trong việc hỏi tuổi tác, đặc biệt là phụ nữ. Với nhiều người, tuổi tác không chỉ là con số, nó còn thể hiện vẻ ngoài, vị trí, chỗ đứng của bạn trong xã hội... Vì vậy, câu hỏi này đôi khi mang lại cho người khác cảm giác bạn đang đánh giá họ.
5. "Anh/chị học trường gì"?
Nếu bạn sử dụng câu hỏi: "Chuyên ngành đại học của anh/chị là gì?", nếu người đối diện không tốt nghiệp đại học hoặc học một ngành nghề không liên quan đến đại học, họ có thể cảm thấy lúng túng và khó xử.
6. "Anh/chị có tập thể dục không?"
Nghe câu hỏi này sẽ khiến người đối diện ngầm cảm thấy bạn đang đánh giá cơ thể của họ. Hoặc kể cả khi họ có một cơ thể cân đối, dường như tất cả những gì bạn quan tâm chỉ là vẻ ngoài của họ mà thôi...
7. "Tại sao anh/chị không ra ngoài/đi du lịch nhiều hơn?"
Có thể bạn có thành ý tốt khi quan tâm đến người khác hoặc động viên họ thử một điều gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, đôi khi câu hỏi này có thể gây khó chịu, khiến người đối diện cảm thấy họ nhàm chán, tẻ nhạt.../.