Tình xưa nghĩa cũ
VOV.VN - Đã từng đau khổ vì chia tay, nay cuộc sống mới đã đi vào ổn định, thì người chồng cũ lại muốn nối lại tình xưa. Có nên bao dung, mở cửa trái tim để chồng cũ quay về hay không?
Năm nay em 33 tuổi. Em lấy chồng khi mới hơn 20 tuổi còn chồng em thì hơn em tới 9 tuổi. Gia đình em mọi người đều vun vào, tác thành em với anh ấy vì so với em, anh ấy là người thành đạt, làm việc trong 1 doanh nghiệp, nhà cửa ổn định, còn em mới học nghề ra chỉ có hai bàn tay trắng. 5 năm đầu, em sinh liền 2 con. Biết mình không thể kiếm tiền nhiều như chồng nên em an phận ở nhà nội trợ, chăm sóc 2 con nhỏ. Hết lòng lo cho chồng con. Chồng em đi làm về là đã sẵn có cơm ngon - canh ngọt, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Thời gian ấy, chồng em rất hài lòng, anh ấy chẳng chê trách em điều gì.
Thế nhưng, thói đời, nhiều khi chu toàn quá người ta lại không thấy quí. Dần dần, chồng em thấy như vậy là nhàm chán nên bắt đầu bỏ bê vợ con, gia đình, đi tìm những niềm vui mới. Anh ấy thường xuyên không về nhà ăn cơm, đi chơi nhậu nhẹt cùng bạn bè, và còn làm những gì nữa mà em không thể kiểm soát được. Em có nói thì anh bảo: đi như vậy mới thuận lợi cho công việc làm ăn. Anh nói thì em biết vậy chứ đúng hay không thì cũng chịu. Sau đó, em nghe mọi người xì xào, chồng em có người mới bên ngoài. Biết chuyện, em nhỏ to khuyên bảo, sẵn lòng bỏ qua nhưng chồng em vẫn tiếp tục lao vào những cuộc vui, chinh phục người con gái mà anh ấy mong muốn. Rồi em tìm hiểu và được biết: gần đây, chồng em đang say một cô gái trẻ ăn diện và điệu đà hơn em rất nhiều, cô ấy có 1 tiệm cắt tóc gội đầu gần nơi anh làm việc. Về nhà, anh đòi ly hôn em để cưới cô ta. Sau một thời gian thuyết phục không được, em quyết định ký đơn ly hôn với điều kiện 2 đứa con phải để em nuôi. Số tiền được chia khi ly hôn đủ để em sắm một căn nhà nhỏ cho 3 mẹ con tá túc.
Do ở thị trấn, gần xí nghiệp có đông công nhân, và cũng tự tin khả năng nấu ăn của mình, nên em mở một quán cơm bình dân, thuê thêm 2 người chạy bàn. Em đã tự lo được một cuộc sống tương đối đủ đầy cho 3 mẹ con, hai cháu được ăn học đàng hoàng. Nỗi khổ tâm lớn nhất là ban đầu, khi chưa quen, các cháu luôn hỏi về bố, em toàn phải tìm cách nói tránh. Biết các cháu buồn nên dù bận bịu chuyện làm ăn, kiếm sống, em vẫn luôn dành thời gian gần gũi, lo cho con. Chồng cũ của em thì say tình mới, nghe nói khi đang làm thủ tục ly hôn thì cô ấy đã có bầu, rồi sau đó họ có thêm một con gái nhỏ. Chắc bận lo cho con thơ, nên anh ấy ít khi ghé thăm các con em. Ba năm trôi qua, bọn trẻ cũng quen dần với chuyện này, bớt đợi chờ, thắc mắc. Tuy nhiên, gần đây, anh ấy lại hay xuất hiện thăm con, lo cho con nhiều hơn, khiến em băn khoăn, nghi ngờ: họ có gì đó trục trặc với nhau chăng? Rồi em biết anh ấy đã chia tay cuộc hôn nhân lần 2 và đang sống một mình. Thực lòng em cũng chẳng vui hay hả dạ vì đã quen sự trống vắng, quen với nỗi đau, vết sẹo của trái tim. Giờ mục đích duy nhất của em là kiếm tiền lo cho con ăn học đầy đủ mà thôi. Cũng có không ít người đàn ông ngỏ lời muốn kết hôn nhưng em từ chối, khép chặt cánh cửa trái tim.
Rồi gần đây, cha mẹ anh ấy ghé thăm cháu nội thường xuyên hơn và đánh tiếng muốn em nối lại tình xưa vì con trai ông bà đang độc thân, rất hối lỗi vì sai lầm cũ. Và cũng để cho con cái của em có đủ cả bố lẫn mẹ. Thực ra em rất quý cha mẹ chồng vì họ sống rất đàng hoàng, tử tế. Mặc dù chúng em đã chia tay nhau, nhưng ông bà vẫn coi em là con cái trong nhà, có công to việc lớn thường đánh tiếng bảo ba mẹ con em về. Ông bà thường xuyên quà cáp thăm nom các cháu và cũng đỡ đần em khi chẳng may các cháu bị ốm. Tuy nhiên, em chỉ cười và trả lời rằng "con hài lòng với cuộc sống hiện tại, lòng con đã nguội lạnh, không muốn xới lại duyên tình cũ". Về phần anh ấy thì dạo này cũng ghé thăm con nhiều hơn. Có lúc cũng nói bóng gió, nhưng chắc biết tính em cẩn trọng, nên không dám thổ lộ điều gì. Hai đứa con em thấy bố về thăm nhiều hơn, biết bố muốn quay về làm lành với mẹ nên có vẻ vui sướng, muốn vun vào. Cách đây mấy hôm, anh ấy nhắn cho em một cái tin với nội dung: “Anh mệt mỏi quá rồi, chỉ muốn gia đình mình lại được như ngày xưa. Muốn ăn bữa cơm em nấu”. Dòng chữ ấy khiến em suy nghĩ rất nhiều. Em phải làm gì đây?./.