Triển vọng Anh sớm hoàn tất lộ trình trở thành thành viên CPTPP

VOV.VN - Có thể nói, việc Anh trở thành quốc gia đầu tiên không phải là thành viên sáng lập gia nhập Hiệp định đã cho thấy sức hấp dẫn của một khuôn khổ hợp tác thương mại đa phương quy mô khu vực và toàn cầu.

Hơn 2 năm sau khi chính thức đệ đơn, Anh đang ở gần hơn bao giờ hết với mục tiêu trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo một số nguồn tin, sau khi nhận được sự ủng hộ của tất cả 11 thành viên, dự kiến, Anh sẽ được “bật đèn xanh” ngay trong tuần này để chính thức kích hoạt tiến trình gia nhập CPTPP.

Có thể nói, việc Anh trở thành quốc gia đầu tiên không phải là thành viên sáng lập gia nhập Hiệp định đã cho thấy sức hấp dẫn của một khuôn khổ hợp tác thương mại đa phương quy mô khu vực và toàn cầu. Vậy thực tế triển vọng Anh gia nhập Hiệp định này ra sao?

Hầu hết thành viên CPTPP đều ủng hộ Anh

Các báo lớn tại Anh và châu Âu trong 2 ngày qua đăng tải rất nhiều thông tin và bình luận về việc nước Anh sẽ sớm hoàn tất quá trình đàm phán để gia nhập CPTPP ngay trong tuần này, thậm chí ngay trong sớm ngày 31/3, khi các Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên CPTPP có cuộc họp trực tuyến để thảo luận vấn đề này. Hầu hết đều nhận định, thoả thuận coi như đã đạt được.

Cả người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak lẫn người phát ngôn của Bộ Thương mại và kinh doanh của Anh đều đưa ra các tuyên bố lạc quan theo hướng này. Trên thực tế, kể từ khi bắt đầu các đàm phán để gia nhập CPTPP vào tháng 6/2021, nước Anh không gặp quá nhiều trở ngại.

Hầu hết 11 nước thành viên CPTPP đều có ý ủng hộ Anh, bất chấp thực tế rằng Anh là một quốc gia châu Âu, không nằm trong vành đai địa lý châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những nước ủng hộ Anh nhiệt tình nhất là Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP sau khi Mỹ rút lui và phần nào đó được coi như có vai trò “lãnh đạo” trong CPTPP.

Về mặt chính trị, không có quá nhiều cản trở đối với việc Anh trở thành thành viên CPTPP, trong khi đó về các khía cạnh kỹ thuật của quá trình đàm phán thì bế tắc lớn nhất trong việc đưa Anh gia nhập CPTPP đã được khai thông cách đây hơn 2 tuần sau khi Anh và Canada đạt được thoả thuận giải quyết các bất đồng liên quan đến việc tiếp cận thị trường nông nghiệp của nhau. Cụ thể, Canada yêu cầu Anh phải mở cửa thị trường thịt bò của nước này cho Canada, đồng thời cho phép các nước trong CPTPP được tiếp cận thị trường nông nghiệp với các điều kiện tương tự như Anh đã cam kết với Australia và New Zealand trong các thoả thuận hậu Brexit.

Mặc dù hiện nay các chi tiết của thoả thuận giữa Anh và Canada vẫn đang được giữ kín nhưng sau khi các bất đồng này được gỡ bỏ, gần như không có bất cứ cản trở nào cho việc Anh sớm gia nhập CPTPP.

Anh sẽ cần phải điều chỉnh những gì?

Sau khi quá trình đàm phán gia nhập CPTPP, nước Anh sẽ chính thức trở thành thành viên của khối sau một lễ ký được tổ chức vào một thời điểm chưa được ấn định.

Về cơ bản, các vấn đề còn lại chỉ mang tính kỹ thuật, trong đó quan trọng nhất là việc rà soát các tiêu chuẩn của Anh về hàng hoá, dịch vụ, lao động, an toàn thực phẩm… cho phù hợp với các tiêu chuẩn của CPTPP. Tuy nhiên, bản thân Anh là một nền kinh tế lớn, có trình độ phát triển cao nên hiện tại đã đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn này của CPTPP.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, trong số 11 quốc gia thành viên của CPTPP đã có tới 9 nước đã ký các Hiệp định tự do thương mại song phương với Vương quốc Anh, trong đó có cả Việt Nam. Do đó, không có quá nhiều vấn đề quá phức tạp liên quan đến độ mở của và tiếp cận của thị trường, về tính tương thích trong các quy định, tiêu chuẩn giữa Anh và các nước thành viên CPTPP.

Hiện tại, chỉ còn một số tranh cãi có thể sẽ dẫn đến các khó khăn hay chậm trễ từ phía Anh, một trong những số đó là tranh chấp về mở cửa thị trường nông nghiệp với Canada coi như đã được giải quyết, nhưng vẫn còn một tranh cãi khác liên quan đến việc đánh thuế dầu cọ nhập từ Malaysia.

Một trong những điều kiện mà chính phủ Malaysia đặt ra cho việc Anh gia nhập CPTPP là chính phủ Anh phải gỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với dầu cọ được sản xuất tại nước này, hiện đang ở mức thuế khoảng 12%.

Chính phủ Anh ban đầu đưa ra đề xuất là sẽ loại bỏ mức thuế này theo nhiều lộ trình nhưng bị phía Malaysia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới, bác bỏ. Vì thế, để trở thành thành viên chính thức của CPTPP, chính phủ Anh phải nhượng bộ trong vấn đề này. Tuy nhiên, đây là chủ đề đang gây tranh cãi lớn trong nội bộ Anh bởi ngành công nghiệp dầu cọ vốn bị xem là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nạn phá rừng tại Đông Nam Á, khi các công ty phá huỷ một diện tích lớn các cánh rừng nguyên sinh để trồng cọ.

Từ vài năm qua, các nước châu Âu đang siết chặt các quy định cũng như các hàng rào thuế quan liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm gây hại cho môi trường vào châu Âu nên việc chính phủ Anh xoá bỏ thuế nhập khẩu với dầu cọ Malaysia chịu sự chỉ trích lớn từ các đảng sinh thái, các tổ chức bảo vệ môi trường, và bị xem là đi ngược lại với các cam kết về môi trường trước đây của chính phủ Anh, quốc gia vừa tổ chức Thượng đỉnh khí hậu Liên Hiệp quốc cuối năm 2021. Đây sẽ là chi tiết mà chính phủ Anh không thể xem nhẹ.

Giá trị về mặt chính trị nhiều hơn kinh tế?

Việc trở thành thành viên một không gian kinh tế có giá trị 10.000 tỷ USD như CPTPP là một tin tốt đối với Vương quốc Anh nhưng giá trị kinh tế không thực sự lớn. Trước hết, hiện tại Vương quốc Anh đã có Hiệp định thương mại tự do với 9/11 quốc gia thành viên CPTPP, dù với các mức độ mở của thị trường khác nhau, nên việc trở thành thành viên CPTPP không tạo ra thay đổi quá lớn về chất. Chính phủ Anh ước tính, sau khi gia nhập CPTPP, về dài hạn GDP của nền kinh tế Anh có thể tăng thêm 0,08% GDP. Con số này có thể cao hơn nếu Hàn Quốc hay Thái Lan sắp tới cũng gia nhập CPTPP.

Tuy nhiên, mức tăng này là rất thấp, không thể bù đắp cho các thiệt hại về thương mại sau khi Anh thực thi Brexit rời khỏi EU bởi Ngân hàng Anh quốc từng tính toán rằng trong trung hạn, tức 5-10 năm tới, Vương quốc Anh thiệt hại khoảng 4% GDP do việc rời khỏi Liên minh châu Âu. Nói một cách ngắn gọn thì việc gia nhập một khối kinh tế 10.000 tỷ USD ở cách xa hàng chục ngàn km không thể bù đắp cho việc rời khỏi một khối kinh tế có sức mạnh trên 15.000 tỷ USD ở cách nước Anh chỉ hơn 100km.

Tất nhiên, đối với nước Anh, gia nhập CPTPP vẫn có thể coi là một thắng lợi. Đầu tiên, đây sẽ là ví dụ tốt nhất để chính phủ của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh sử dụng để ca ngợi tính ưu việt của Brexit bởi một trong những luận điểm quan trọng nhất cho phe ủng hộ Brexit tại Anh là khi ra khỏi EU, nước Anh sẽ được tự do ký kết các Hiệp định thương mại với các đối tác trên khắp thế giới, mặc dù các kết quả thăm dò dư luận tại Anh trong 1 năm qua cho thấy hiện nay đa số người dân Anh bắt đầu tiếc nuối vì đã rời EU.

Đối với chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak, việc hoàn tất được các đàm phán gia nhập CPTPP chỉ vài tuần sau khi ký được với EU Khung thoả thuận Windsor để giải quyết dứt điểm các vướng mắc Brexit sẽ tiếp tục là một màn ghi điểm mới. Tuy nhiên, đối với nước Anh, giá trị lớn nhất của việc gia nhập CPTPP là về mặt địa chính trị.

Việc tham gia vào CPTPP giúp nước Anh gia tăng sự hiện diện đầy đủ về kinh tế tại vành đai châu Á-Thái Bình Dương, tiếp sau sự hiện diện về mặt an ninh thông qua Thoả thuận tàu ngầm Aukus ký với Mỹ và Australia. Sự hiện diện này mang lại cho nước Anh năng lực hành động và can dự nhất định tại khu vực năng động nhất thế giới, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lớn có thể mang tính định hình đối với trật tự thế giới trong thế kỷ 21.

Là quốc gia mới đầu tiên gia nhập CPTPP sau khi khối được thành lập với 11 thành viên ban đầu, nước Anh sẽ có lá phiếu phủ quyết đối với lá đơn xin gia nhập CPTPP của nhiều nước và vùng lãnh thổ khác trong tương lai, mà trước mắt phức tạp nhất là đơn từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là quyền lực địa chính trị không thể xem nhẹ.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là xem nhẹ các đóng góp mà nước Anh có thể mang lại cho CPTPP cũng như vai trò quan trọng của CPTPP đối với cấu trúc kinh tế-chính trị thế giới trong thời gian tới. Hiện nay, khi mâu thuẫn mang tính đối đầu giữa Mỹ-Trung Quốc ngày càng quyết liệt, các căng thẳng về chuỗi cung ứng toàn cầu, các đe doạ về việc chia cắt của các nền kinh tế lớn gia tăng thì CPTPP có thể đóng vai trò cầu nối giữa các không gian kinh tế châu Á-Thái Bình Dương với châu Âu, và khi đó đóng góp của một nền kinh tế lớn như Anh sẽ nổi bật hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Anh có thể đạt thỏa thuận gia nhập CPTPP vào cuối tuần này
Anh có thể đạt thỏa thuận gia nhập CPTPP vào cuối tuần này

VOV.VN - Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, Anh có cơ hội trở thành quốc gia đầu tiên không phải thành viên sáng lập được kết nạp vào CPTPP.

Anh có thể đạt thỏa thuận gia nhập CPTPP vào cuối tuần này

Anh có thể đạt thỏa thuận gia nhập CPTPP vào cuối tuần này

VOV.VN - Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, Anh có cơ hội trở thành quốc gia đầu tiên không phải thành viên sáng lập được kết nạp vào CPTPP.

Thị trường CPTPP cần gia tăng sự hiện diện của hàng Việt
Thị trường CPTPP cần gia tăng sự hiện diện của hàng Việt

VOV.VN - Nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa có thương hiệu, hàm lượng giá trị giá tăng ít được nên nhiều đối tác từ thị trường CPTPP vẫn nhập khẩu sản phẩm từ các quốc gia khác trong khu vực.

Thị trường CPTPP cần gia tăng sự hiện diện của hàng Việt

Thị trường CPTPP cần gia tăng sự hiện diện của hàng Việt

VOV.VN - Nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa có thương hiệu, hàm lượng giá trị giá tăng ít được nên nhiều đối tác từ thị trường CPTPP vẫn nhập khẩu sản phẩm từ các quốc gia khác trong khu vực.

Doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế “1 mình 1 chợ” khi tham gia CPTPP
Doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế “1 mình 1 chợ” khi tham gia CPTPP

VOV.VN - Sau gần 4 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ thực hiện trong CPTPP còn chưa cao, đặc biệt ở một số nhóm ngành hàng trọng điểm.

Doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế “1 mình 1 chợ” khi tham gia CPTPP

Doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế “1 mình 1 chợ” khi tham gia CPTPP

VOV.VN - Sau gần 4 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ thực hiện trong CPTPP còn chưa cao, đặc biệt ở một số nhóm ngành hàng trọng điểm.