TP HCM chủ động đối phó với ngập nước và triều cường
VOV.VN - Hầu hết các quận, huyện của TP HCM đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, duy tu hệ thống thoát nước, nạo vét các kênh, mương.
Là một đô thị lớn của cả nước, nhưng TP HCM luôn đối mặt với tình trạng triều cường và ngập úng trong mùa mưa. Để chủ động đối phó với ngập nước và triều cường, nhất là khi mùa mưa đang đến gần, thành phố đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Hiện nay, hệ thống thoát nước của TP HCM chỉ đáp ứng được 60% theo quy hoạch tổng thể thoát nước trên địa bàn. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, công tác xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn, thoát nước còn phải kéo dài thêm nhiều năm nữa, vì vậy, việc chủ động ứng phó với những trận mưa lớn và những đợt triều cường là rất quan trọng.
Người dân đắp bờ bao chống nước tràn. (Ảnh: Internet)
Điều đáng nói là nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ở những nơi thường xuyên bị ngập úng, người dân đã ý thức cao về vai trò của mình trong việc ứng phó với tình trạng ngập nước vào mùa mưa.Ông Nguyễn Văn Hạnh, người dân ở khu phố 2, phường 28, quận Bình Thạnh, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường và ngập nước cho biết, mỗi khi có nước lớn, ông phải đi xem chỗ nào có bờ bao yếu là lập tức báo cho chính quyền hoặc tự ông tìm cách rào chắn, không thể để bờ bao bị vỡ.
Để đối phó với tình trạng ngập lụt, thành phố đã tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp chính gồm: Quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác vận hành. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện các giải pháp, tình trạng ngập nước tại TP HCM chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí ở những vùng trũng như quận Bình Thạnh, quận 12, quận Thủ Đức hay huyện Nhà Bè, tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ông Trần Nhân Nghĩa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP HCM cho biết, thành phố đang có kế hoạch để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, trong đó dự kiến đầu tư 8 trạm khí tượng thủy văn để nâng cao dự báo triều cường, ngập nước khi có mưa lớn.
“Hiện nay, một số công trình chống ngập triển khai chậm, chưa đạt yêu cầu tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có rất nhiều sông, kênh, rạch, có nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư nên vẫn còn nhiều vị trí xung yếu có thể bị ảnh hưởng khi triều cường xảy ra”, ông Nghĩa nói.
Trước những khó khăn này, rút kinh nghiệm từ những năm trước, trong 6 tháng đầu năm nay, ngoài việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình chống ngập, TP HCM đã và đang triển khai lồng ghép 2 biện pháp công trình và phi công trình trong công tác phòng, chống, ứng phó với triều cường và ngập úng.
Tính đến nay, hầu hết các quận, huyện của TP HCM đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, duy tu hệ thống thoát nước, nạo vét các kênh, mương để nước có thể thoát ra sông sau khi mưa lớn hay triều cường.
Ông Hồ Kỳ Lân, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, cho biết: Các tuyến đường chính trên địa bàn quận hiện nay trên địa bàn quận Bình Thạnh cơ bản không còn ngập. Các trường hợp ngập cục bộ là khi có mưa lớn, triều cường kết hợp với xả lũ, tuy nhiên sẽ rút nhanh sau đó. Hiện nay Bình Thạnh chỉ có phường 28 còn nhiều điểm vì cao độ của phường thấp hơn mực nước khi lên cao.
Hiện nay, tại tất cả những điểm xung yếu, các địa phương đã bố trí lực lượng trực ban để sẵn sàng ứng phó với mưa bão và triều cường. Sự chủ động của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân sẽ góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân thành phố trong mùa mưa bão sắp tới./.