TP Hồ Chí Minh: Đỉnh triều ở mức cao nhất trong 49 năm qua

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt mức báo động cấp 3. Mực nước thực đo vào 16 giờ ngày 12/11 và 3 giờ 30 ngày 13/11 tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) là 1,50m.

Đây là đỉnh triều ở mức cao nhất trong 49 năm qua (kể từ năm 1960), cao hơn mức lịch sử trước đó là 1,49m (tháng 11/2007). Nguyên nhân gây đỉnh triều cao lịch sử này là do không khí lạnh mạnh gây ra gió mùa Đông Bắc mạnh làm dâng thêm mực nước triều trên sông.

Dự báo tình hình mực nước từ ngày 13/11 đến 17/11/2008 như sau:

Ngày 13/11: tại trạm Phú An, mực nước 1,50m (3g30) và 1,52m (17g); trạm Nhà Bè mực nước 1,48m (2g30) và 1,48 (16g30).

Ngày 14/11: trạm Phú An 1,50m (4g30) và 1,51m (18g); trạm Nhà Bè 1,48m (3g30) và 1,47m (17g30).

Ngày 15/11: trạm Phú An 1,47m (5g30) và 1,46m (19g); trạm Nhà Bè 1,46m (4g30) và 1,42m (18g30).

Ngày 16/11: trạm Phú An 1,44m (6h30) và 1,40m (20g); trạm Nhà Bè: 1,42m (5g30) và 1,36m (19g30).

Ngày 17/11: trạm Phú An 1,38m (7g30) và 1,32m (21); trạm Nhà Bè 1,36m (6g30) và 1,28m (20g30).

Như vậy mực nước thực đo và dự báo trong 3 ngày 12,13 và 14/11/2008 có 5 đỉnh triều cao bằng và vượt mức báo động cấp 3 (1,50m) tại trạm Phú An.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão thành phố, do ảnh hưởng triều cường, nhiều sự cố bể và tràn bờ bao đã phát sinh mới tại 5 quận, huyện (quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi).

Tính đến ngày 13/11, tại 5 quận, huyện của thành phố đã có 13 đoạn bờ bao bị bể (dài 39m) và 32 đoạn bờ bao bị tràn (3.186m). Các địa phương đã tập trung gia cố và cơi đắp, khắc phục sự cố các đoạn bờ bao bị bể và bị tràn.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường lịch sử, có thể kết hợp với mưa to và kéo dài, UBND và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bảo thành phố chỉ đạo các sở ngành chức năng và UBND các quận, huyện, đặc biệt là tại 5 quận, huyện đang bị ảnh hưởng trực tiếp, tập trung triển khai thực hiện các phương án, biện pháp phòng, chống, ứng phó với triều cường, thường xuyên theo dõi, tổ chức rà soát tại các vị trí xung yếu trên địa bàn. Chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị kinh phí, lực lượng, vật tư, sẵn sàng tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn bờ, bể bờ bao, để xử lý ngay khi mới phát hiện sự cố hoặc có nguy cơ xẩy ra sự cố. Thường xuyên thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến đợt triều cường và tăng cường gia cố ngay những đoạn bờ bao xung yếu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên