Trai mà chi, gái mà chi...?

Con cái bao giờ cũng là tài sản vô giá và đáng trân trọng nhất với mỗi bậc làm cha, làm mẹ. Sinh con có nếp, có tẻ và nuôi dạy con khôn lớn nên người là ước mơ của mọi gia đình...  

Thế nhưng, không nên vì tâm lý “trọng nam khinh nữ” mà cố cho được “cái mậm giềng” bằng mọi giá. Các bạn trẻ hãy biết vượt qua những nếp nghĩ lạc hậu, nhận thức được giá trị hạnh phúc đích thực của mình để nuôi dạy con cái nên người.

Dân số nước ta đang tăng ở mức báo động và tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh cũng đang trở thành mối lo ngại không của riêng ai. Năm 2007, cứ 100 bé gái được sinh ra thì có tới 112 bé trai - tương đương với Trung Quốc 20 năm trước, khi nước này bước vào giai đoạn mất cân bằng giới tính.

Sự chênh lệch giới tính xuất phát từ tâm lý “trọng nam khinh nữ”. Điều đáng nói là tâm lý này không chỉ tồn tại ở những người lớn tuổi, mong có cháu trai để nối dõi tông đường mà nhiều cặp vợ chồng trẻ có hiểu biết, có trình độ cũng bị vướng vào suy nghĩ này. Trong khi đó, kỹ thuật siêu âm ngày càng cho phép nhận biết giới tính thai nhi sớm hơn, tạo điều kiện cho một số người phá thai khi đứa bé không mang giới tính như mong muốn. Điều này làm cho Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, với nửa triệu ca mỗi năm, bằng một nửa số em bé được sinh ra.

Bên cạnh đó, các tài liệu hướng dẫn sinh con theo ý muốn cũng rất phổ biến. Tuy các nghiên cứu đáng tin cậy cho rằng, hiệu quả của chúng không rõ rệt, nhưng chúng cũng làm tăng ít nhiều khả năng lựa chọn giới tính thai nhi.

"Khi chúng ta có hai người con gái ngoan thì sẽ có hai chàng rể hiền. Và như vậy, xã hội sẽ cân bằng".

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Các chuyên gia dân số - kế hoạch hóa gia đình nhận định, để đạt được mục tiêu giảm sinh thì không thể bỏ qua việc truyền thông vận động nhằm giảm tâm lý “khát” con trai, cháu trai đối với mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là các đôi vợ chồng trẻ, đối tượng đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Thực tế hiện nay, tại không ít địa phương, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, nhiều nơi đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả những câu lạc bộ, làng xã “không có người sinh con thứ ba”. Thuyết phục các gia đình trẻ không chỉ dựa vào Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ mà còn dựa vào tinh thần họ tộc. Nhiều vị trưởng tộc trong các buổi lễ tế, giỗ chạp của dòng họ đã vận động các chi, phái trong dòng tộc giao ước thi đua với nhau không sinh con thứ ba. Bản thân bạn bè cùng trang lứa thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, chăm lo con cái học hành đàng hoàng, kinh tế gia đình ổn định cũng là sự thuyết phục lớn hơn cả. 

Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “đông con hơn đông của” đã không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Các bạn trẻ nên nhận thức được rằng, con nào cũng là con, sinh được những đứa con thông minh, khỏe mạnh, có ích cho xã hội mới là điều đáng trân trọng và tự hào.

T.S Nguyễn Thiện Trưởng, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam: “Các bạn trẻ phải nghĩ rộng hơn”

Văn hóa Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Nho giáo, trong gia đình, người con trai có toàn quyền quyết định mọi vấn đề. Tư tưởng này hiện vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Qua các cuộc điều tra cho thấy hiện nay vẫn còn 30-35% các cặp vợ chồng trẻ muốn có con trai. Tư tưởng này sẽ ảnh hưởng tới chênh lệch giới tính khi sinh. Vì vậy, chúng ta cần xem xét kỹ về mặt khoa học, tâm lý, nhân khẩu học để giải quyết tốt vấn đề này.

Chênh lệch giới tính khi sinh còn bị tác động một phần do việc siêu âm xác định giới tính dễ dàng. Việc siêu âm để biết sức khỏe, dị tật của thai nhi là rất cần thiết. Tuy nhiên nếu chúng ta không có chế tài để các bác sĩ thực hiện đúng Pháp lệnh Dân số thì nhiều phụ nữ sẽ lạm dụng điều này để loại bỏ thai nhi khi giới tính không như mong muốn. Ngoài việc không cho phép các bác sĩ khi siêu âm nói giới tính thai nhi còn phải đi kèm với các giải pháp khác như tuyên truyền, vận động người dân không phân biệt con trai, con gái, và việc quan trọng nhất là phải nâng cao vị thế người phụ nữ trong xã hội.

Nhiều người lo ngại tình trạng mất cân bằng giới tính nếu cứ tiếp diễn thì sẽ đến lúc nước ta phải nhập khẩu cô dâu. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của việc mất cân bằng giới tính.

Các gia đình trẻ không nên chỉ nghĩ đến gia đình mình. Các bạn phải nghĩ rộng hơn, toàn diện hơn, biết vì xã hội. Gia đình mình toàn con gái thì gia đình khác lại toàn con trai. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người rất tâm huyết với vấn đề dân số, đã nói: “Khi chúng ta có hai người con gái ngoan thì sẽ có hai chàng rể hiền và như vậy, xã hội sẽ cân bằng”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên