Trước 25/2, sẽ quyết định phương án bảo vệ rùa Hồ Gươm
Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ hoàn thành chuyển đường cấp thoát nước, đường điện của đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa trước ngày 25/2.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi vừa yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm có nhiệm vụ triển khai ngay các biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ quanh khu vực hồ. Việc câu cá, phóng sinh rùa tai đỏ, các chất phế thải xuống hồ phải bị nghiêm cấm; các hành vi vi phạm ảnh hưởng môi trường, cảnh quan khu vực hồ sẽ bị xử lý. Các ngành chức năng cũng sớm tìm giải pháp cải tạo đường lên chân Tháp Rùa để rùa có thể bò lên như trước đây song song với các giải pháp bắt giữ để chữa trị khi cần.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cũng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục cộng tác với Hà Nội nhằm sớm thống nhất phương án chữa trị, để trước ngày 25/2 có thể đưa ra phương án tối ưu và đồng thuận nhất.
Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cho biết, hiện ba nhóm công tác chuyên trách về môi trường, phương pháp bắt rùa và chữa trị cho rùa đã hình thành, gồm những chuyên gia nhiều kinh nghiệm của Việt Nam và sắp tới có thể mời thêm các chuyên gia thú y nước ngoài cùng tham gia.
Hiện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện kế hoạch bổ sung nước cho Hồ Gươm, chuẩn bị phương tiện nạo vét các vật cản có thể ảnh hưởng đến đường di chuyển của rùa...
Các chuyên gia môi trường, thủy văn học sẽ tham gia tư vấn nhằm không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và hoạt động sinh học ở hồ. Về lâu dài, các công nghệ tiên tiến sẽ được triển khai để nạo vét bùn ở khu vực trung tâm của hồ nhằm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường sống của các loài động vật. Ngoài ra, việc bổ sung bè thực vật thủy sinh theo tư vấn của nhiều chuyên gia đến từ Viện Công nghệ Môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cũng được tính đến.
Riêng về cách chữa trị cho rùa Hồ Gươm, ý kiến của các nhà khoa học cơ bản đồng thuận phương án đưa rùa lên khỏi mặt nước sau đó can thiệp bằng các liệu pháp khoa học. TS Phan Thị Vân (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) và các đồng nghiệp hiện đã hoàn thành việc xây dựng các giải pháp xử lý vết thương cho rùa theo hai hướng: đưa rùa lên cạn và để nguyên rùa trong lòng hồ.
Trong một vài ngày tới, các phương án về loại thuốc, liều lượng thuốc... sẽ được tính toán kỹ lưỡng và trước khi áp dụng sẽ thử nghiệm thuốc trên loài tương đối gần với rùa là ba ba. Giải pháp bắt rùa vẫn nghiêng về ba phương án: bẫy, đánh lưới và cải tạo lối lên Tháp Rùa để bắt./.