Tự sát tập thể ở loài vật - Bí ẩn chưa có lời giải
Đấu tranh sinh tồn là bản năng tự nhiên của vạn vật trên trái đất. Bởi vậy, hiện tượng một số loài “rủ nhau” tìm đến cái chết là điều kỳ lạ mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được cặn kẽ
Rủ nhau cùng tự tử
Có rất nhiều vụ loài vật “rủ nhau” cùng chết với số lượng lớn đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Ngày 26/8/2007, tại tỉnh Van phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ ở gần Iran, hàng ngàn con cừu đã theo con đầu đàn nhảy xuống một khe núi sâu 15 mét để... chết. Tổng cộng 450 con đã “tự sát” trước sự bất lực của những người chăn cừu. Những chú cừu xấu số này sau đó lại trở thành tấm đệm cứu thoát được khoảng 1.100 con khác cũng lao xuống theo.
Trong những thập kỷ qua, tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, người ta thường chứng kiến những cuộc “tự sát tập thể” của các loài cá heo, cá mập và đặc biệt là những con cá voi khổng lồ trên các bãi biển, thường vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 hằng năm. Vụ tự tử lớn nhất của loài động vật biển này xảy ra vào ngày 18/11/1998, tại vùng biển New Zealand, hơn 300 con cá heo từ đại dương đã lao mình lên bãi cát, nằm phơi mình trước những ánh mắt hiếu kỳ của du khách. Điều kỳ lạ là khi người ta cố gắng đẩy chúng xuống nước thì chúng lại cứ ngoi lên, tựa hồ như chúng cố tình muốn chết.
Hành vi tự sát tập thể không chỉ là hiện tượng lạ đối với cá heo hay cá voi mà còn tìm thấy ở loài chuột Lemming ở Na Uy. Loài chuột này sinh sản rất nhanh đã dẫn đến tình trạng khan hiếm thức ăn, buộc chúng phải di cư sang khu vực khác. Cứ 3-4 năm 1 lần, vào ban đêm, hàng trăm con chuột rời bỏ vùng núi để đi xuống thung lũng. Khi ra đến vùng biển, chúng kết thúc chuyến đi một cách độc đáo bằng cách lao xuống biển để cùng chết.
Ngạc nhiên nhất là loài bò cạp. Khi bị ngọn lửa bao quanh, nó sẽ tự tử bằng chính nọc độc của mình. Có lẽ nó thích chết như vậy hơn là bị thiêu sống. Làm sao một con vật bé nhỏ với bộ não chỉ bằng đầu kim lại có thể ý thức được hành động đó vẫn là những ẩn số chưa có lời giải.
Lạ lùng không kém là cách tự sát tập thể vì đồng loại của loài mối Globitermes sulfureus. Khi một đàn kiến xâm nhập tổ, các chú mối thợ phản ứng như những quân nhân quyết tử trước kẻ thù. Bắt đầu từ vòng bảo vệ ngoài, lần lượt vào đến trong, chúng đồng loạt co cơ bụng cho đến khi cơ thể bị nứt ngang cổ, phóng ra một giọt nhựa dính có thể khiến kẻ thù bị vướng chân và chết tại chỗ. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được rằng mối có ý thức được hành vi tự sát của mình hay không nhưng chúng đã thực sự hy sinh thân mình để bảo vệ mối chúa. Điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ giống nòi bởi những chiến binh mối, như các côn trùng thợ khác, không bao giờ sinh sản.
Chưa tìm ra nguyên nhân
Nhiều giả thuyết được đặt ra trước hiện tượng tự tử tập thể này nhưng không mang tính thuyết phục. Với vụ tự sát tập thể của đàn cừu hàng ngàn con ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra gần đây nhất. Theo tờ nhật báo Radikal của Thổ Nhĩ Kỳ thì nguyên nhân chính của vụ này là do những người chăn cừu ở làng Ikizler trong một thời gian dài đã lơ là việc chăn dắt, để cho chúng phải chịu đói rét và kết quả là cuộc tự sát của cả bầy cừu. Tuy nhiên, lý giải này không được đông đảo giới khoa học đồng thuận, bởi người ta cho rằng dù có thế nào thì bản năng sinh tồn cũng chi phối mạnh mẽ cuộc sống của vạn vật. Đối với một số loài động vật, như loài mối, loài bọ cạp..., một số nhà sinh vật học cho rằng, bản thân chúng sinh ra đã mang trong mình “gene tự sát”.
Phần lớn các loài động vật không ý thức được cái chết. Duy chỉ có loài voi là nhận ra cái chết của đồng loại và con người là động vật duy nhất biết tự tử. Thế nhưng, câu chuyện sau đây là một ngoại lệ về vấn đề sống chết đối với loài vật. Đó là chuyện những công nhân làm trong một lò sát sinh ở Hồng Kông từ chối giết thịt một con trâu to khi thấy con vật với ánh mắt buồn, quỳ sụp xuống chân người như một đứa trẻ van xin, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. Mọi người có mặt ở đó cho biết con trâu đã khóc nức nở như một đứa trẻ khi nó cảm nhận được cái chết đã cận kề. Hàng chục người đàn ông vạm vỡ sống bằng nghề giết gia súc cũng ứa lệ và họ đã quyết định mua lại con trâu bằng tiền quyên góp của chính họ. Sau đó, họ giao con trâu cho một nhà chùa để nó có thể sống phần đời còn lại trong cảnh bình an.
Kinh nghiệm dân gian lại khẳng định hiện tượng loài vật tự sát tập thể là dấu hiệu báo trước một hiểm họa thiên nhiên lớn sắp xảy đến như động đất, sóng thần, bão lốc... Có quan điểm khoa học cho rằng hiện tượng này là biểu hiện của quy luật tự nhiên về cân bằng sinh thái: loại bỏ số dư thừa trong một cộng đồng. Như sự tự sát của những con chuột ở Na Uy chẳng hạn. Chúng ý thức được tình trạng thiếu thốn thức ăn nên đã tự nguyện nhận lấy cái chết để những con còn lại không bị chết đói. Tuy nhiên, cơ chế nào dẫn đến hành động tự sát tập thể của những loài vật này và hành động đó thực sự “có ý thức” hay không thì cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn./.