Tủi lòng những người đón Tết trong bệnh viện

(VOV) - Một năm nữa sắp trôi qua, bên trong cánh cổng bệnh viện các bác sĩ vẫn đang cùng bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật.

Những ngày cuối tháng Chạp năm 2012, ngoài đường, dòng người vẫn đang tấp nập ngược xuôi người bán – kẻ mua, chuẩn bị cho cái Tết được no đủ hơn, thế nhưng bên trong những cánh cổng bệnh viện, các bác sĩ vẫn đang cùng bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật.

Khác hẳn với cảnh đông đúc, chật chội của những ngày khám bệnh bình thường, đến Bệnh viện K những ngày giáp Tết Âm lịch, dọc hai bên hành lang heo hút, tĩnh lặng đến khác thường. Theo các bác sĩ, dịp cuối năm này, những bệnh nhân bệnh nhẹ đều được bệnh viện giải quyết cho về hết, chỉ còn một số ít ở lại do bệnh nặng, hoặc đang trong đợt truyền hóa chất. Để tiện chăm sóc, bệnh nhân dồn về vài phòng sát nhau ở giữa hành lang.  

Cống hiến thầm lặng của những người khoác áo blouse trắng

Gặp bác sĩ phẫu thuật Nguyễn Diệu Linh – Khoa Ngoại vú, Bệnh viện K khi chị vừa vào ca trực. Ca trực của chị bắt đầu từ 17h chiều đến 8h sáng hôm sau. Nói về Tết, chị cười nói: Nghề y là một nghề đặc thù, nên công việc của ngày Tết cũng như những ngày thường. Việc đón giao thừa tại bệnh viện với bác sĩ dường như đã trở nên quen thuộc.

Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân tại bệnh viện K

Gần 17 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, chị đã quen với cảnh tất bật chạy đua cùng thời gian, với các ca mổ, cấp cứu để mang lại sự sống cho bệnh nhân. Do công việc đặc thù, hay phải trực đêm, nên chị không có nhiều thời gian để chuẩn bị đón Tết. Chỉ còn hai ngày nữa là đến Tết, song chị vẫn bận rộn với chồng hồ sơ cao ngất của các bệnh nhân. Việc mua sắm chuẩn bị Tết chị đã nhờ mẹ của mình giúp hộ, hai đứa con cũng đã đem gửi ông bà, sau đó chị lại tất tưởi vào viện với bệnh nhân.

Chị tâm sự, mặc dù cuộc sống riêng có những thiệt thòi, không ít lần nhìn cảnh các ông bố, bà mẹ chở con cái đi sắm đồ dịp cuối năm mà cảm thấy chạnh lòng. Nhưng cảm giác đó lại qua nhanh bởi sự tất bật của công việc. Bởi công việc không chỉ là trách nhiệm mà còn là cái tâm của một người thầy thuốc luôn phải đặt hoàn cảnh của bệnh nhân như với người thân của mình. Với chị, dù công việc có nhiều vất vả nhưng sau mỗi ngày làm việc là một niềm vui bởi chị như thấy mình đã làm được một việc gì đó rất ý nghĩa.

Do vậy, món quà ý nghĩa nhất cho một năm mới đối với các bác sĩ đó là được cứu chữa cho nhiều bệnh nhân, nhiều người bệnh được xuất viện về đoàn tụ với gia đình.

Tâm sự của chị Diệu Linh cũng là tâm sự của bác sĩ trẻ Trần Văn Thắng – Kỹ thuật viên gây mê, Bệnh viện K. 8 năm trong nghề, bác sĩ Thắng cũng đã có hai năm ăn Tết cùng với bệnh nhân trong viện. Anh cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh là trong đêm giao thừa anh được đón Tết tại bệnh viện, khi người dân Thủ đô đổ về bờ hồ Hoàn Kiếm để xem bắn pháo hoa thì cũng là lúc anh đang cùng với kíp trực đang theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

Bác sĩ Thắng tâm sự: “Lúc đầu cũng nao lòng vì không được cùng người yêu đi du xuân, xem bắn pháo hoa nhưng biết làm sao được, công việc đã chọn mình thì mình chỉ biết cố gắng làm hết trách nhiệm của một người thầy thuốc”.

Theo bác sĩ Thắng, đặc thù của Bệnh viện K đều là những người bệnh nặng, phải điều trị lâu dài, lại có hoàn cảnh khó khăn. Nên công việc trực ngày Tết, đặc biệt trực cấp cứu là vất vả hơn cả. Theo đó, kíp trực cũng sẽ làm việc vất vả hơn ngày thường vì họ phải làm việc thay cho nhiều người khác. Những bác sĩ trực luôn phải chịu những áp lực rất lớn, trước hết là áp lực về chuyên môn, bên cạnh đó là áp lực từ phía gia đình, người thân của bệnh nhân.

Đón Tết trên giường bệnh

21h đêm, hành lang bệnh viện K chìm trong yên ắng. Tại khoa nội 1, những bệnh nhân đang trong đợt truyền hóa chất không được về quê ăn Tết được dồn về vài phòng sát nhau. Họ lặng lẽ nhìn nhau, rồi nhìn xuống chai thuốc đang truyền dở như đếm thời gian.

Đối với các bệnh nhân, năm nay họ không có cái Tết trọn vẹn cùng gia đình 


Ngồi dựa vào tường, chị Trần Thị Băng (ở xã Hà Thanh – huyện Tứ Kỳ- tỉnh Hải Dương) ủ rũ, mệt mỏi. Chị nhập Viện K đã hơn nửa năm để chữa bệnh ung thư trực tràng. Hiện chị đang trong đợt truyền hóa chất thứ 8, nên Tết năm nay chị phải đón Tết trong bệnh viện.

“Đây là cái Tết đầu tiên tôi xa gia đình. Ở nhà, chồng, con cũng đã chuẩn bị được vài cặp bánh chưng đặt lên bàn thờ tổ tiên. Ngoài ra cũng chẳng sắm sanh được nhiều như mọi năm vì tôi ốm yếu thế này không có ai lo chu đáo cho cả”, chị Băng nói.

Chị kể, Tết năm ngoái bằng giờ này cả gia đình đang quây quần gói bánh chưng, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, vậy mà năm nay chị đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, tủi thân đón giao thừa trong bệnh viện. Nói đến đây, chị trực khóc.

Ở góc phòng, tiếng bíp bíp từ chiếc máy monitor theo dõi bệnh nhân vẫn đều đều chạy. Tại phòng hậu phẫu, hiện chỉ còn lại 5 bệnh nhân đều là những người mới mổ hoặc những bệnh nhân nặng đang trong thời gian điều trị. Tiếng thở khó nhọc, chị Nguyễn Thị Tuyết  (ở huyện Tân, tỉnh Lai Châu) thều thào nói, 3 tháng nay chị ho nhiều, dù đã mua thuốc uống nhưng không khỏi. Đi khám ở bệnh viện tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán chị bị u phổi, nên chuyển xuống Viện phổi Trung ương. Song, bệnh tình của chị ngày một tiến triển phức tạp. Sau khi chuyển xuống Bệnh viện K, chị giật mình khi cầm kết quả bị ung thư phổi đã di căn.

Mới nhập viện được 6 ngày, chị đã sút 10kg. Vốn đã ốm yếu, nay trông chị càng thêm tiều tụy. Do tình trạng sức khỏe vẫn đang được theo dõi đặc biệt, nên Tết năm nay, chồng chị xuống viện chăm nom, hai con nhỏ, một đứa lên năm, một đứa mới tròn một tuổi đành gửi mẹ già đã gần 70 tuổi ở nhà. Nói đến Tết, chị khóc: “Hôm qua, tôi vừa gọi điện dặn bà gói bánh chưng để thắp hương cho ông bà Tổ tiên, nhưng bà bảo, Tết nay bà buồn vì con cái nằm viện, bà cũng già yếu chẳng làm được. Đêm giao thừa chỉ có đĩa chầu cau, thắp hương chay để báo cáo với Tổ tiên”.

Đã nhiều đêm nay chị không ngủ được, nằm nghĩ đến các con mà nước mắt trực trào ra. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, nên Tết đối với gia đình anh chị cũng không đủ đầy so với nhiều gia đình khác. Nay chị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, vẫn đang đấu tranh hàng giờ với tử thần, đồ dùng trong nhà cũng đã bán dần để lấy tiền chạy chữa. Tết đến cũng là lúc tiền cạn kiệt, chị Tuyết nghẹn ngào: “Các con gọi điện mong mẹ về để đi mua quần áo mới, mà chị đành bất lực “Nhà mình nghèo, mẹ không có tiền”. Nghe đến đây, lũ trẻ khóc hờn dỗi, nghe tiếng con mà lòng chị đau như cắt.

Trong suy nghĩ của chị, năm nay cả nhà không có ngày đoàn viên, chỉ mong nhanh khỏi bệnh để được về với các con, không phải trải qua nhiều cái Tết trong bệnh viện nữa.

Tại Khoa ngoại vú, những người lên chăm nuôi bệnh nhân đang co cụm tại manh chiếu cuối hành lang. Với họ, một người nằm viện, cả nhà mất Tết. Nhiều bệnh nhân dù rất buồn và lo lắng nhưng vẫn cố tỏ ra lạc quan. Bác Nguyễn Hữu Nhân (ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) lên chăm nuôi người vợ bị ung thư tuyến vú, nói vui vẻ: “Năm nay hai vợ chồng thử vào viện ăn Tết. Mọi năm được ăn bánh chưng ở nhà rồi, nhưng năm nay vào đây để thử bánh chưng của bệnh viện có ngon bằng nhà mình không. Tôi thấy y tá bảo lát nữa có nhà hảo tâm đến phát quà, chia sẻ với bệnh nhân ngày Tết. Nhận được sự quan tâm đó, chúng tôi cũng thấy được an ủi phần nào”.

Nghe câu nói của bác Nhân, ai cũng tự mỉm cười, bảo rằng thôi đành tự động viên mình để có thêm tinh thần động viên người nhà, cố gắng chiến đấu với bệnh tật, đón năm mới trong vui vẻ.

Một năm nữa sắp trôi qua, sau những ồn ào, náo nhiệt của dòng người đi đón giao thừa, đối với người bệnh họ lại có một cái Tết không trọn vẹn. Trong phút giây giao thừa – thời điểm mong chờ nhất trong năm, họ lại ngồi bên nhau, cùng chúc nhau sớm khỏi bệnh để được đoàn tụ cùng gia đình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tết nay và xưa trong tâm thức người Hà Nội
Tết nay và xưa trong tâm thức người Hà Nội

(VOV) -Quan niệm ăn Tết ngày nay cũng đã khác xưa không bó gọn trong 3 ngày Tết đi thăm, chúc Tết ông bà

Tết nay và xưa trong tâm thức người Hà Nội

Tết nay và xưa trong tâm thức người Hà Nội

(VOV) -Quan niệm ăn Tết ngày nay cũng đã khác xưa không bó gọn trong 3 ngày Tết đi thăm, chúc Tết ông bà

Đầm ấm bên bánh chưng xanh ngày Tết
Đầm ấm bên bánh chưng xanh ngày Tết

(VOV) - Gói bánh chưng ai cũng vui nhưng phấn khởi nhất là lũ trẻ nhỏ. Chúng xúm quanh háo hức chờ đợi bên bếp lửa ấm nồng.

Đầm ấm bên bánh chưng xanh ngày Tết

Đầm ấm bên bánh chưng xanh ngày Tết

(VOV) - Gói bánh chưng ai cũng vui nhưng phấn khởi nhất là lũ trẻ nhỏ. Chúng xúm quanh háo hức chờ đợi bên bếp lửa ấm nồng.