Vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

3 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 37 chuyến hàng Việt về nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa, hỗ trợ hơn 45 tỷ đồng thực hiện công tác bình ổn giá.

Trong các ngày 7-8/8, tại tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có chương trình làm việc với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Quảng Ngãi về kết quả ba năm tổ chức triển khai Cuộc vận động. Đồng chí Vũ Trọng Kim, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động làm Trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Minh Toản, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động Nguyễn Minh Tuấn, đại diện các sở, ban ngành liên quan, các hội đoàn thể và thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ngãi.

Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" làm việc tại Quảng Ngãi.

Báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau gần 3 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đảng; sự chỉ đạo điều hành và phối hợp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận, các hội đoàn thể, các ngành, các cấp trong tỉnh; sự quyết tâm và cộng đồng trách nhiệm của Ban Chỉ đạo tỉnh; đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân; Cuộc vận động được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Các cấp, các ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc về Cuộc vận động và đây là một chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.

Các doanh nghiệp cũng nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm trước yêu cầu phát triển của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, do đó chủ động hơn trong phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với thị trường. Đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng đã xúc tiến quảng bá thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, đổi mới dịch vụ phân phối…giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và mua sắm hàng hóa Việt Nam. Nhiều sản phẩm đã chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu như đường RS, sữa, bia, bánh kẹo của Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi, tinh bột sắn  của Công ty cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, phân bón Humic… Gần 3 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 37 chuyến hàng Việt về nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa, hỗ trợ hơn 45 tỷ đồng thực hiện công tác bình ổn giá, các cơ quan chức năng đã  kiểm tra  phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm, xử lý thu nộp ngân sách, tiêu hủy hàng giả trị giá hàng tỷ đồng. Những hạn chế trong việc thực hiện Cuộc vận động là việc tổ chức chưa đồng bộ, chất lượng, hiệu quả chưa cao, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ vẫn bày bán trên thị trường làm ảnh hưởng đến lòng tin và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Hệ thống phân phối chưa đồng đều, hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các KCN, KKT chưa thường xuyên...

Gần ba năm triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có sự phối hợp khá đồng bộ giữa các ngành, các cơ quan tuyên truyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị -xã hội, các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế... với các hình thức hoạt động bước đầu khá phong phú, sáng tạo, thiết thực và có sức sống. Do đó, Cuộc vận động đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và khơi dậy được ý  thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thể hiện lòng yêu nước của mỗi người dân. Đặc biệt người tiêu dùng quan tâm mua sắm các mặt hàng trong nước sản xuất với sự tin tưởng hơn về mặt chất lượng và giá cả sản phẩm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên