Văn hóa của người cảm thụ văn hóa

Khen chê một bộ phim, một cuốn sách, một hoạt động văn hóa… là tùy thuộc vào sở thích, gu thẩm mỹ của từng người. Nhưng nhất thiết, người cảm thụ văn hóa phải có hành vi ứng xử có văn hóa…

Tôi may mắn được xem phim “Chơi vơi” trong buổi trình chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Kết thúc buổi chiếu phim, khán giả lại được giao lưu với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Nội dung của phim Chơi vơi được coi là khá gây tranh cãi trong công chúng, người khen, kẻ chê. Điều đó tuỳ thuộc vào “gu” của từng người, xin không bàn đến ở đây. Điều mà người viết bài này muốn nói tới là thái độ ứng xử của một bộ phận nhỏ những người xem phim.

Trong thời gian giao lưu với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, một số khán giả đã phát biểu, bày tỏ ý kiến của mình về bộ phim, khen có, chê có, âu đó cũng là lẽ thường tình. Có một người đàn ông đứng dậy nói với giọng rất gay gắt: “… sao lại đưa cảnh Hà Nội ngập lụt lên phim? Đưa cảnh này làm xấu về hình ảnh của Hà Nội! Tại sao phim nói về những con người Hà Nội, con nhà nề nếp gia phong mà lại có lối sống như vậy? Tôi đề nghị là những người không hiểu biết gì về Hà Nội thì đừng làm phim về Hà Nội!” Điều đáng nói là, người đàn ông phát biểu rất gay gắt sau đó bỏ ra về.

Tôi có ấn tượng rất tốt với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, khi anh rất bình tĩnh và vui vẻ với mọi sắc thái phản ứng của khán giả. Với người đàn ông vừa kể trên, đạo diễn đã cười rất tươi, mà rằng: “Tôi rất thích nghe những phản ứng của khán giả, nhất là phản ứng của những khán giả nhiệt tình như vậy. Chứ làm phim xong mà chẳng có phản ứng nào của khán giả thì thật là buồn. Chỉ tiếc rằng, anh khán giả này lại về mất rồi, nên tôi không có cơ hội phản hồi lại ý kiến của anh…”

Khán giả xem phim ai nấy đều bất ngờ vì hành vi thiếu lịch sự của người đàn ông nọ. Một người thưởng thức một tác phẩm văn hóa ở một trung tâm văn hóa tại giữa lòng Thủ đô mà lại có một cách cư xử như vậy!

Nói về cách ứng xử kém văn hóa khi tham gia những hoạt động văn hóa vẫn có thể nêu nhiều ví dụ khác nữa. Cách đây chưa lâu, những hình ảnh du khách đi xem Lễ hội hoa Hà Nội hái hoa trộm, vượt rào bảo vệ để chụp ảnh, xả rác ra đường phố… gây bức xúc cho dư luận. Rồi hình ảnh Lễ hội Hoa Anh Đào với những cảnh kém mỹ quan, kém văn hóa do một số người gây ra, tạo nên một hình ảnh không đẹp về Hà Nội và người Hà Nội.

Thế mới thấy, người xưa có câu rằng: Nghề chơi cũng lắm công phu. Chơi ở đây không phải là chơi bời, chơi trò chơi thuần túy. Chơi ở đây có nghĩa là tham gia, là một phần cấu thành của Nghề, của hoạt động. Ví như, người đi nghe hát cô đầu cũng phải là người am hiểu âm luật, biết thưởng thức, biết cầm chầu… Người tham gia các hoạt động văn hóa thời nào cũng vậy, tự thân cũng phải có những ứng xử và hành vi có văn hóa tương xứng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên