VN chưa được tin máy bay Malaysia rơi xuống eo biển Malacca

VOV.VN- "Nếu tìm được máy bay mất tích, VN sẽ dừng chiến dịch tìm kiếm cứu nạn"-đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không VN nói

Lúc 22h33: Trong trả lời phóng viên Lam Hiếu, VOV thường trú khu vực ĐBSCL, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Phòng không Không quân Việt Nam cho biết, đợt tìm kiếm này sử dụng lực lượng lớn nhất và quy mô nhất, với nhiều chủng loại máy bay nhất từ trước đến nay ở nước ta. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, những hành động nhân đạo của Chính phủ Việt Nam khi máy bay của các nước láng giềng vào gần khu vực của mình bị lạc. 

Quyết tâm tìm bằng được máy bay Maylaysia mất tích nếu trong vùng phạm vi quản lý của Việt Nam

“Chúng tôi cũng tham gia tìm kiếm cứu nạn nhiều và cũng chứng kiến những cảnh người thân của người bị nạn rất đau thương. Mỗi một lần đi làm nhiệm vụ như thế này, chúng tôi đều quán triệt với anh em phải đặt địa vị mình vào những người thân của những người bị mất. Chính vì vậy, sự mệt mỏi cũng giảm bớt đi và tiếp cho chúng tôi nghị lực hơn, đồng cảm, chia sẻ với họ. Cho nên trong những đợt đi tìm kiếm cứu nạn như thế này, rất mệt mỏi, gian khổ thế nhưng mọi người đều rất hăng hái thực thi nhiệm vụ” – Thiếu tướng nói.

Phó Tư lệnh Phòng không Không quân Việt Nam khẳng định: Quyết tâm của Chính phủ, nhân dân Việt Nam, của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn rất cao. Chính vì thế, mà ngày 10/3, theo quyết định của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng cử thêm 2 chiếc máy bay AN26 cơ động ở miền Bắc vào tăng cường. Điều đó nói lên sự quyết tâm chúng ta tham gia tìm kiếm đến cùng. Còn theo từng giai đoạn khác nhau, sẽ tìm những phương pháp khác nhau để làm sao có thể tìm kiếm lâu dài, nhưng với quyết tâm là tìm bằng được nếu trong vùng phạm vi quản lý của Việt Nam.


“Qua những thông tin nhận được thì chúng tôi nghiêng về kết luận rằng vụ máy bay Malaysia mất tích không phải là một vụ khủng bố”. Đây là thông tin được Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble đưa ra tại cuộc họp báo ngày 11/3 tại Lyon, Pháp (xem thêm)


Lúc 22h00: 

Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không Việt Nam cho biết, kế hoạch dự kiến  ngày mai (12/3) máy bay sẽ tiếp tục bay tìm kiếm ở 2 khu vực.

Cụ thể, máy bay AN26 bay tìm kiếm mở rộng về phía Đông, cách Đông Nam tỉnh Sóc Trăng hơn 60km (rộng khoảng 35.000km2); thủy phi cơ và trực thăng Mi-171 sẽ tìm kiếm ở khu vực biển ngày hôm nay đã tìm, phần giữa đảo Phú Quốc và đảo Thổ Chu, phạm vi tìm kiếm rộng hơn 5.000 km2.

Lúc 21h40: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: Đến cuối ngày 11/3, đã có 23 máy bay, 31 tàu của Việt Nam và nước ngoài tham gia tìm kiếm máy bay số hiệu MH370 của Malaysia bị nghi mất tích trên vùng biển của Việt Nam.

Buổi sáng Việt Nam đã sử dụng 9 máy bay gồm: 3 AN26, 3 Mi-171, 2 CASA-212, 1 DHC6 bay 13 lần chuyến; 9 tàu các loại gồm: SAR 413, SAR 272, CSB 2002, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888. Công tác tìm kiếm tại hiện trường được mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm ngày 10/3, trong đó tập trung tìm kiếm, xác minh các vật thể do máy bay phát hiện.

Còn lực lượng nước ngoài tham gia 14 máy bay, 22 tàu gồm: Malaysia 4 máy bay, 9 tàu; Singapore 2 máy bay, 3 tàu; Trung Quốc 4 máy bay, 6 tàu; Mỹ 4 máy bay, 3 tàu; Thái Lan 1 tàu.

Lúc 21h00:  Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam cho biết, đốm trắng do máy bay CASA 801 chụp được lúc 10h53 phút ngày 11/3 ở tọa độ 7 độ 56'02'' N - 103 độ 45' 11' E, cách đảo Thổ Chu 80 hải lý về phía đông nam, không liên quan gì đến chiếc máy bay bị nạn.

Theo Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, các máy bay tìm kiếm cứu nạn quần thảo vùng biển nghi ngờ có máy bay mất tích, quan sát bằng mắt thường cũng như các thiết bị hiện đại nhưng chưa cho bất kỳ kết quả nào. 

Thiếu tướng Tuấn cho biết thêm, trong trường hợp này máy bay săn ngầm cũng không thể tìm ra, bởi phương tiện này chỉ có thể phát hiện được các vật thể di chuyển dưới mặt nước, còn chiếc máy bay bị rơi thì đã ngừng hoạt động.

BBC hôm nay đưa tin: Dù không hề có công dân Việt Nam nào trên chuyến bay, Việt Nam đã dẫn đầu công tác tìm kiếm chiếc phi cơ MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích.

Nguyễn Giang, Trưởng biên tập vùng Đông Á và BBC Tiếng Việt giải thích với BBC News: “Đó là vì Việt Nam là một thành viên đầy trách nhiệm với ASEAN, nhóm quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Khi nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên ở bên ngoài vùng đảo Thổ Chu và đảo Phú Quốc – mà nay đã có thông tin là không liên quan tới máy bay - các lực lượng hải quân và quân đội đã dẫn dắt cuộc tìm kiếm và nỗ lực cứu nạn. 


Lúc 20h09:
Trước thông tin của hãng thông tấn nước ngoài cho biết, Malaysia đã lần ra dấu vết chiếc máy bay bị mất tích bằng radar ở eo biển Malacca, đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chưa nhận được thông tin này.

Đưa ra giả thiết nếu thông tin trên là đúng, vị đại diện trên cho biết, Việt Nam sẽ ngừng chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Việc có tham gia tìm kiếm ở eo biển Malacca hay không sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của nước bạn và khả năng của Việt Nam vì vị trí này cách xa Việt Nam.

Thông tin cập nhật đến 19h10 hôm nay từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không Việt Nam cho biết, kế hoạch dự kiến  ngày mai (12/3) máy bay sẽ bay tìm kiếm ở 2 khu vực.

Cụ thể, máy bay AN26 bay tìm kiếm mở rộng về phía Đông, cách Đông Nam tỉnh Sóc Trăng hơn 60km (rộng khoảng 35.000km2); thủy phi cơ và trực thăng Mi-171 sẽ tìm kiếm ở khu vực biển ngày hôm nay đã tìm, phần giữa đảo Phú Quốc và Thổ Chu, rộng hơn 5.000 km2.

Lúc 19h40: Xung quanh thông tin quân đội Malaysia tìm được vị trí máy bay mất tích, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nói, ông chỉ biết thông tin ấy qua truyền thông và cơ quan có trách nhiệm ở Malaysia chưa có thông báo gì cho phía Việt Nam.


Thứ trưởng nói thêm, trước đây cũng có thông tin người dân Malaysia “tìm thấy xác máy bay rơi”, nhưng khi xác nhận lại với cơ quan hữu quan của Malaysia thì thông tin đó không có thật. “Cho đến thời điểm này, kế hoạch tìm kiếm máy bay mất tích vẫn không có gì thay đổi”, Thứ trưởng Tiêu nói.

Lúc 19h00: Quân đội Malaysia tin rằng, bằng radar họ đã dò được chiếc máy bay mất tích trên khu vực eo biển Malacca, cách xa nơi nó có liên lạc cuối cùng với kiểm soát không lưu dân sự ngoài khơi bờ biển phía đông của đất nước này, một nguồn tin thông báo cho Reuters.


Hình ảnh hai hành khách đi bằng hộ chiếu giả (ảnh: Reuters/Cảnh sát Malaysia)

Trước một trong những bí hiểm lớn nhất của lịch sử hàng không gần đây, một chiến dịch tìm kiếm rầm rộ cho chiếc Boeing 777-200ER của hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines đã được tiến hành và hiện đã bước sang ngày thứ 4, tuy nhiên vẫn chưa tìm được dấu vết của chiếc máy bay này cũng như 239 hành khách và phi hành đoàn.

Đã dò được vị trí máy bay mất tích?

Quân đội Malaysia đã dò được chiếc máy bay mất tích trên khu vực eo biển Malacca, cách xa nơi nó có liên lạc cuối cùng với kiểm soát không lưu dân sự ngoài khơi bờ biển phía đông của đất nước này, một nguồn tin thông báo cho Reuters. (xem thêm)

 
“Nó đã thay đổi hướng bay và hạ thấp độ cao. Nó đã đi vào khu vực eo biển Malacca,” một quan chức quân sự Malaysia nói với Reuters.

Eo biển Malacca, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, chạy dọc theo bờ biển phía tây của Malaysia. Hôm 8/3 hãng Malaysia Airlines thông báo mất liên lạc vô tuyến và radars với chuyến bay Malaysia Airlines tại khu vực thị trấn Kota Bharu.

Lúc 18h40: Theo Thanhnien đưa tin, quân đội Malaysia được cho là đã lần ra chiếc máy bay mất tích ở eo biển Malacca, cách xa khu vực chiếc máy bay liên lạc lần cuối cùng với trạm kiểm soát không lưu Malaysia, một nguồn tin từ quân đội Malaysia nói với Reuters.

Eo biển Malacca, một trong những kênh hàng hải sầm uất nhất thế giới, nằm dọc theo bờ biển phía tây của Malaysia.

Hãng hàng không Malaysia vào ngày 8/3 thông báo chiếc máy bay chở theo 239 người đã mất liên lạc tại vị trí ngoài khơi thị trấn duyên hải Kota Bharu, phía đông Malaysia.

“Máy bay đã đổi hướng sau khi tới Kota Bharu và đã hạ độ cao. Nó đã rơi xuống Eo biển Malacca”, nguồn tin của Reuters cho hay.

Lúc 18h20: Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Đã 4 ngày qua, Việt Nam cùng tham gia tìm kiếm máy bay MH370 mất tích. Chúng ta đã huy động tối đa các lực lượng quân đội tham gia tìm kiếm, tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa phát hiện địa điểm cụ thể của máy bay mất tích. Cần phải tích cực hơn nữa, nhiều thân nhân của hành khách trên máy bay mất tích đang chờ kết quả.

Thượng tướng cũng khẳng định sáng mai, tiếp tục tổ chức tìm kiếm ở phía Đông đường bay của máy bay MH 370 và khu vực biên giới Lào, Campuchia; huy động người dân tham gia tìm kiếm và đảm bảo công tác an toàn, hậu cần cho bộ đội tham gia tìm kiếm 24/24h.

Lúc 17h50:  Phóng viên Lam Hiếu cho biết, trong buổi chiểu, đông đảo phóng viên trrong và ngoài nước đang tác nghiệp ở  Phú Quốc đều tập trung tại phòng họp để chờ đợi những thông tin mới nhất từ cuộc tìm kiếm trong ngày hôm nay.


Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam cho biết: Việt Nam đã huy động một lực lượng cứu nạn lớn nhất từ trước đến giờ. Tuy trong 4 ngày qua chưa có được kết quả nhưng việc tìm kiếm vẫn được tiếp tục kéo dài và phương pháp cũng sẽ thay đổi trong quá trình thực hiện công tác tìm kiếm. Ngày mai, các lực lượng của Việt Nam vẫn tiếp tục công tác tìm kiếm và mở rộng phạm vi xuống khu vực phía Nam vùng biển Cà Mau và Nam Côn Sơn (Vũng Tàu).

Lúc 17h30: Máy bay MI 117 số hiệu 04 sau khi kết thúc tìm kiếm không có kết quả, đến thời điểm này cũng đã hạ cánh xuống sân bay Cà Mau.

Lúc 17h25: Máy bay MI 117 mang số hiệu 8431 sau hơn 1 giờ tìm kiếm ở nhà giàn DK10 cách Cà Mau 150 km không thấy dấu hiệu máy bay mất tích, hiện nay hạ cánh xuống sân bay Cà Mau.

Cuối giờ chiều nay, đại diện Đảng ủy, UBND, MTTQ phường 6, TP Cà Mau ra tận sân bay thăm hỏi, tặng quà cho các phi công tham gia tìm kiếm, cứu nạn nhằm động viên cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 917.

Lúc 17h10: Theo quan sát, rất đông phóng viên đến từ các hãng truyền thông quốc tế có mặt để đưa tin về cuộc tìm kiếm này ở Phú Quốc trong những ngày qua. Trao đổi với phóng viên Lam Hiếu đang có mặt tại Phú Quốc, anh Yan Hao, biên tập viên của Tân Hoa xã cho biết: Trong những ngày tác nghiệp tại đây, đoàn công tác của Tân Hoa xã cũng được tạo điều kiện tháp tùng cùng với chuyến bay ra vùng tìm kiếm trên biển. Anh rất tin tưởng vào khả năng, cũng như những cố gắng của Việt Nam, trong việc phối hợp tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.  


Anh Yan Hoa, biên tập viên của Tân Hoa xã 

Anh Yan Hoa nói: “Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình. Với tư cách là một công dân Trung Quốc, chúng tôi đánh giá rất cao điều đó. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Việt Nam đã rất sẵn sàng để giúp đỡ những hành khách trên chiếc máy bay này. Tôi biết có khoảng hơn 10 hãng thông tấn và báo chí từ Trung Quốc đang ở đây và một số hãng nữa sẽ tiếp tục đến. Chúng ta đều hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra, nhưng cho tới nay vẫn chưa hề có bằng chứng nào về việc đó”.


Lúc 16h50: Thượng tá Nguyễn Thanh Hải- Phó Tham mưu trưởng lữ đoàn M27- Vùng 5 HQ cho biết: Hiện nay 2 tàu HQ 954 và HQ 637 đang trực tại Thổ Chu.  Trong đó, 1 tàu cách Nam điểm C (điểm cuối đường biên giới biển Thái Lan- Việt Nam)  30 hải lý và 1 tàu cách Nam Thổ Chu 30 hải lý, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa tìm được gì. Cả 2 tàu này vẫn đang tiếp tục “cày” tìm kiếm và hiện chưa có thông tin mới. Trong khi đó, 1 tàu nằm ở Thổ Chu cũng sẵn sàng hỗ trợ cho 2 tàu kia.

Lúc 16h40: Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc công bố 2 số điện thoại: 077.3847508 và 077.3846704 để tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ngư dân phát hiện dấu vết máy bay mất tích có thể gọi trực tiếp để cung cấp cho Sở chỉ huy cử lực lượng đến nơi tìm kiếm. Báo chí, người dân quan tâm đến kết quả tìm kiếm cũng có thể liên thoại với 2 số điện thoại nói trên.

Lúc 16h15: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia  có 29 tàu,  20 máy bay.  Trong số 29 tàu, Việt Nam có 10 tàu, Malaysia 9 tàu, Trung Quốc 4 tàu, Singapore 3 tàu, Hoa Kỳ 2 tàu, Thái Lan 1 tàu.

Với sự nỗ lực tìm kiếm của các lực  lượng, nhưng tới thời điểm này, dấu vết của chiếc máy bay vẫn là ẩn số. 

Sở Chỉ huy Hà Nội cho biết phía Malaysia yêu cầu tìm kiếm trên biển, trên đất liền đến khi nào thấy máy bay mất tích mới thôi.

>> Xác định được một kẻ dùng hộ chiếu giả lên máy bay Malaysia

Lúc 15h40: Tại sân bay Cà Mau, Trung đoàn 267 thuộc Sư đoàn 367, thuộc Quân chủng Phòng không Không quân, đã được lệnh khẩn trương triển khai khí tài thành lập trạm radar tại Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Cà Mau. Trạm radar này sẽ trực tiếp phục vụ công tác chỉ huy, dẫn đường cho các máy bay trực thăng tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích đang đóng tại sân bay Cà Mau.

Được biết, hiện tại sân bay Cà Mau đã có 3 trực thăng thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Ngoài 2 trực thăng là Mi 17102, 17104 đã có mặt từ ngày 8/3, thì chiều 10/3, trực thăng Mi 171 số hiệu 8431 đã được tăng cường.

Lúc 15h30: Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu từ Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, công tác tìm kiếm tiếp tục triển khai với tất cả khả năng của chúng ta. Vì vậy, thời gian có thể còn kéo dài. Tùy theo kết quả tìm kiếm, trong chiều nay sẽ định hướng và quyết định phương án tìm kiếm tiếp theo trong ngày mai.

Sự mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Malaysia có thể sớm được đưa vào sách giáo khoa

Theo ABC, 3 ngày sau khi chiếc máy bay Boeing 777 mất tích khi đang bay ở khu vực biển phía Bắc Malaysia và phía Nam Việt Nam, việc không tim được các mảnh vỡ hoặc dấu hiệu gì cho thấy điều gì thực sự đã xảy ra với chiếc máy bay này chỉ càng làm dấy lên những đồn đoán vô căn cứ.

Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Azaharuddin Abdul Rahman cung cấp thông tin về khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích (Ảnh AP)


Những đồn đoán này càng khoét sâu nỗi đau của gia đình và bạn bè của 239 người trên chiếc máy bay nói trên.

Các quan chức Malaysia đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong việc quản lý khủng hoảng bằng cách liên tục cung cấp thông tin cho báo chí và thân nhân những hành khách trên máy bay bất chấp một thực tế rằng thông tin của họ không có gì mới mẻ cả (xem thêm)



 
Lúc 15h00:
Thông tin từ Sở chỉ huy Trung tâm Cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết, sáng nay, máy bay Trung Quốc IL76 đã được cấp phép vào Việt Nam tìm kiếm. Đến 11 giờ, máy bay này đã bay tới gần khu vực IGARI. Ngoài ra, có một máy bay khác của Trung Quốc là TU 154 cũng đang xin phép vào khu vực tìm kiếm.

Lúc 14h40:  Chiếc MI 117 mang số hiệu 8431 vừa cất cánh để tiếp tục tìm kiếm ở tọa độ 07o59’17’’  - 102o05, cách mũi Cà Mau 180 km. Dự kiến chiếc máy bay này sẽ tìm kiếm ở đây trong khoảng 2 tiếng rưỡi.  Trước đó, chiếc máy bay này đã hạ cánh xuống sân bay Cà Mau lúc 12h15, kết thúc việc tìm kiếm buổi sáng.

Phóng viên Thanh Tùng trao đổi thông tin với thành viên kíp bay

Còn chiếc MI 117 số hiệu 04 sau khi kết thúc việc tìm kiếm sáng nay, đã hạ cánh xuống sân bay Cà Mau. Hiện đang chờ lệnh để chuẩn bị công việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Lúc 14h15: Chiếc máy bay tuần thám hiện đại nhất Việt Nam CASA 212 vừa ghi nhận có vùng đốm trắng khác lạ trên mặt biển ở khu vực tìm kiếm. Hình ảnh này được gửi về Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trưa nay.




Máy bay CASA được trang bị hệ thống tuần thám biển, chuyên tuần tra biên giới, quan sát, phát hiện dầu loang, dầu tràn trên biển, phòng cháy rừng... CASA có thể hạ độ cao xuống 100m so với mặt biển và được trang bị camera “mắt thần” quan sát ở cự ly 3000m.

Lúc 13h10: PV Lam Hiếu có mặt tại Phú Quốc phản ánh: Ngay sau cuộc họp báo với tại Sở chỉ huy tiền phương vào sáng nay (11/3), ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ trì ngay một cuộc họp khẩn với các lực lượng chức năng  của huyện Phú Quốc. Tại đây, tỉnh đã phân công việc cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành tại địa phương. 

Ông Lâm Hoàng Sa cho biết thêm, khoảng 4h chiều nay, Ủy ban tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của tỉnh cũng sẽ tổ chức cuộc họp để thống nhất phương án tác chiến với các cơ quan ban ngành của tỉnh.

Lúc 12h45: Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia cho biết, hôm nay sẽ tập trung vào khu vực giữa đất liền và Côn Đảo, kéo dài về mũi Cà Mau mở rộng về phía nước ta. Như vậy là lực lượng cũng tăng lên. Ngoài ra, tàu Hải quân 888 đang trên đường hành quân thực hiện nhiệm vụ mà thông tin do hàng không của Hồng Kông thông tin là nhìn thấy những mảnh vỡ trên cao từ phía Đông Nam cách Vũng Tàu 50 hải lý. Tàu Hải quân 888 cũng như lực lượng kiểm ngư tổ chức tìm kiếm nhưng không phát hiện gì.

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

"Như vậy thông tin này được kiểm chứng là không có. Tàu hải quan HQ888 với trang bị radar ở dưới nước sẽ thực hiện nhiệm vụ suốt dọc hành trình về phía Đông, tức là về phía tay phải đường bay dự kiến mà chúng tôi nói. Vậy là phạm vi đã mở rộng, lực lượng đã tăng"- Trung tướng Võ Văn Tuấn nói.

Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, chưa có một dấu vết nào ở khu vực chúng ta khoanh vùng, nên phải mở rộng vùng tìm kiếm cả trên đất liền, vì kinh nghiệm cho thấy là tìm kiếm một nơi nhưng vị trí xảy ra tai nạn ở vị trí khác. Đồng thời cũng điện chỉ đạo các đơn vị giáp ranh biên giới tăng cường phối hợp với các bạn phía Lào, Campuchia để tham gia nhiệm vụ này ở phía lãnh thổ bạn.

Lúc 13h35: Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm máy bay bị mất tích của Hãng hàng không Malaisia mang số hiệu MH370, hôm nay, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẽ triển khai thêm 4 máy bay, 7 tàu Hải quân tìm kiếm. Đặc biệt, sẽ sử dụng máy quét đa tia và các thiết bị để quét tìm dưới đáy biển.

>> Quét đáy biển để tìm máy bay mất tích


Lúc 11h40:
 Đại tá Nguyễn Văn Loan – Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, cho biết đã triển khai 2 Sở chỉ huy tiền phương tại tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, đảm bảo quân y phục vụ cho công tác cứu nạn chiếc máy bay của Malaysia.


Phóng viên tác nghiệp tại sân bay Cà Mau


Theo đó, có 4  tổ quân y  thuộc Bộ Chỉ huy quân sự hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau cùng  2 tổ quân y và 2 đội phẩu thuật của Bệnh viện 121 được thành lập, đặt tại sân bay Rạch Sỏi, sân bay Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và sân bay  tỉnh Cà Mau.

Các tổ quân y được đặt dưới sự chỉ huy của hai Sở chỉ huy tiền phương. Ngoài ra, hàng chục phương tiện gồm tàu vận tải, tàu quân y, ca nô, xe cứu thương và nhiều cơ số thuốc và nhiều thiết bị y tế được chuẩn bị, đảm bảo phục vụ cho công tác cứu nạn.

Đến thời điểm này, các phương  án cứu nạn đã được triển khai. Trong đó, các đơn vị đã tiến hành khảo sát nắm tình hình cụ thể từng khu vực, lên phương án phối hợp với các lực lượng để  triển khai, lập các bệnh viện dã chiến, phòng cấp cứu, phòng điều trị… sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và nạn nhân gặp nạn.


Sẽ tìm được "chìa khóa" vụ máy bay Malaysia mất tích?

Ngày 11/3, một quan chức chống khủng bố của Mỹ cho biết, việc tìm ra thêm thông tin về hai hành khách lên máy bay sử dụng hộ chiếu giả có thể sẽ là chìa khóa để hiểu được tại sau chiếc máy bay này đột ngột biến mất vào sáng 8/3 (xem thêm)


Lúc 11h15:
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, máy bay khi mất tích được xác định đang bay ở độ cao hơn 10.000m.

Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Hải quân cho biết, sáng nay một tàu chở dầu báo tin phát hiện một vật thể lạ cách đảo Thổ Chu khoảng 80km. Lực lượng tìm kiếm đang đi tàu tới tiếp cận và xác định vật thể lạ.


Trực thăng của Hải quân Mỹ rời căn cứ tham gia tìm kiếm (Ảnh: Reuters)


Cùng thời điểm này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, máy bay khi mất tích được xác định là đang bay ở độ cao hơn 350 feet, tức là khoảng hơn 10.000m. Đã có giả thiết đưa ra là máy bay nổ ở trên không, nếu đúng thì chứng tích các mảnh vỡ sẽ rơi vương vãi dưới biển hoặc đất liền. Tuy nhiên, cho đến hôm nay vẫn không tìm thấy dấu vết nào là mảnh vỡ của máy bay, nên giả thiết đó là không có cơ sở.

Về dấu hiệu máy bay bị tấn công, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không thông tin cơ quan điều tra của các nước trao đổi chưa tìm thấy nhiều bằng chứng, tuy nhiên cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ và không bỏ sót bất cứ chi tiết nào liên quan đến chiếc máy bay này.

Cũng trong sáng nay, Sở Chỉ huy Hà Nội cho biết phía Malaysia yêu cầu tìm kiếm trên biển, trên đất liền đến khi nào thấy máy bay mất tích mới thôi. Sẽ tiến hành tìm lại tất cả điểm đã được tìm kiếm trong 3 ngày qua.

Lúc 11h00: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Cục Hàng không đã quyết định thay đổi hướng bay tìm kiếm. Theo đó, cả hai máy bay sẽ tập trung về hướng cách đảo Phú Quốc 50km về hướng Tây Nam.

“Tới ngày hôm nay, rất nhiều giả thiết về vị trí máy bay rơi đã được đặt ra, chúng tôi đang tính toán để xây dựng phương án tìm kiếm hiệu quả nhất”, ông Đoàn Hữu Gia, Chỉ huy trưởng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Cục Hàng không cho biết.


Một trong số hai máy bay MI 171 vừa cất cáh tại sân bay Cà Mau, 2 PV VOV - ĐBSCL trên 2 máy bay này

Đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không cho biết, hôm nay, Malaysia đã có quyết định bay rà lại các khu vực đã bay tìm kiếm trước đó. Còn Việt Nam sẽ bay tìm kiếm chủ yếu mở rộng ra các khu vực mới, chỉ rà lại khu vực Nam đảo Thổ Chu, còn khu vực Nam Cà Mau sẽ mở rộng sang phía Đông. Lực lượng bay của Việt Nam gồm Không quân, Cảnh sát biển và Tổng công ty khai thác trực thăng Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm  (xem thêm).

Câu chuyện bi thương nhất trong số những hành khách trên chiếc máy bay bị mất tích là của hai thanh niên người Pháp Hadrien Wattrelos, 17 tuổi, và Zhao Yan, 18 tuổi, những người cùng đăng ký học tại trường Lycee Francais International de Pekin.

Cặp đôi này đã cùng đăng tải bức ảnh của họ trên trang web của trường vào ngày 29/7/2013 với những lời lẽ tình cảm. Wattrelos viết rằng: “Anh yêu em” và Zhao trả lời rằng: “Ha, dễ thương thế, người yêu của em” (xem thêm)

Cặp đôi Hadrien Wattrelos và Zhao Yan (Ảnh Telegraph)


Lúc 10h25:
Phóng viên Lam Hiếu tham dự buổi họp báo sáng nay tại Phú Quốc cho biết, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam cho biết: Hôm nay tham gia tìm kiếm có 10 máy bay. Theo đó, những máy bay A26 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bay ở độ cao trung bình 3.000-5.000m, trực thăng Mi bay thấp hơn. Do sáng sớm có sương mù nên phải đợi sương tan hết thì khi bay mới cất cánh và tầm quan sát mới tốt hơn. Trên biển thời tiết đẹp, không có sóng to. Nếu có phát hiện vật lạ, khả nghi trên biển thì mới tăng thêm chuyến.

Lúc 10h07:  Hai tàu bay C65 và C66 của Singapore hiện đang tìm kiếm trong khu vực quanh điểm IGARI và có thể mở rộng vào khu vực thuộc FIR Hồ Chí Minh.

Về thông tin của Cơ quan Kiểm soát không lưu Hồng Kông (Trung Quốc) báo phát hiện một số mảnh vỡ lớn trên mặt biển xung quanh tọa độ 09054’18''N-107025’00''E, đêm qua, các lực lượng Hải quân và Hàng hải Việt Nam đã huy động 5 tàu biển kiểm tra nhưng không phát hiện được gì.

Sáng nay, AN26-161 và AN26-287 cất cánh lúc đi làm nhiệm vụ tìm kiếm tại khu vực mở rộng về phía Đông điểm IGARI. Tọa độ khu vực tìm kiếm:

A:  08o02’00’’ N  - 105000’00’’ E
B:  08o50’00’’ N  - 106000’00’’ E
C:  07o00’00’’ N  - 106000’00’’ E
D:  07o00’ 00’’N  - 105000’00’’ E

Không khí đau thương bao trùm sân bay Bắc Kinh do lo ngại 239 người trên chiếc máy bay này khó có thể sống sót.

Sảnh đón khách của sân bay sáng 8/3 ngay lập tức trở nên hỗn loạn khi thân nhân của những hành khách trên chuyến bay MH370 bắt đầu cảm nhận được số phận đáng sợ sẽ xảy ra đối với những người thân yêu nhất của họ (xem thêm)


Lúc 10h00: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không đang phối hợp tích cực với các lực lượng trong nước và nước ngoài để tìm kiếm và tìm kiếm mở rộng. 

Theo thông tin từ Sở chỉ huy trung tâm Hà Nội, việc xác định vị trí máy bay mất tích, Việt Nam và các nước cũng dựa vào vệt máy bay để tìm kiếm, phạm vi chắc chắn sẽ rộng hơn nhiều. Sáng nay sẽ có một số máy bay bay ra khu vực thuộc Bãi Cạn Cà Mau chạy dài đến phía Tây của Côn Đảo để tìm kiếm. Dự kiến, các lực lượng sẽ chia làm 2 khu vực, vùng tìm kiếm sẽ được mở rộng 20.000 km2.


Quan sát tìm kiếm từ trực thăng

Ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quảng lý bay Việt Nam, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam tại Hà Nội cho biết: Hiện tại đang có 5 chiếc máy bay của Việt Nam, Malaysia, Singapore, đang hoạt động (trong đó có 2 máy bay Việt Nam, một chiếc sẽ mở rộng về hướng mũi Cà Mau). Tới ngày hôm nay, rất nhiều giả thiết về vị trí máy bay rơi đã được đặt ra, chúng tôi đang tính toán để xây dựng phương án tìm kiếm hiệu quả nhất.

>> Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay mất tích thêm 20.000km2
>> 
Huy động ngư dân cung cấp thông tin máy bay Malaysia


Lúc 9h45: 
Tại sân bay Cà Mau, 2 chiếc Mi 117 mang số hiệu 04 và Mi 117 số hiệu 8431 đã cất cánh ra khu vực tìm kiếm. Hai phóng viên Trương Thanh Tùng - Phan Văn Ánh, cơ quan thường trú VOV  Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng có mặt trên chuyến bay này. 

2 chiếc Mi 117 mang số hiệu 04 và Mi 117 số hiệu 8431 đã cất cánh ra khu vực tìm kiếm


Dự kiến máy bay Mi 117 mang số hiệu 04 sẽ tìm kiếm ở khu vực cách bờ biển Sóc Trăng 180km. chiếc máy bay Mi 117 số hiệu 8431 sẽ tìm kiếm ở khu vực Hòn Chuối, Cà Mau.

Lúc 9h30: Tại Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Qúy Tiêu đang chủ trì cuộc họp báo triển khai công việc tìm kiếm trong ngày hôm nay. 

Theo đó, lực lượng Không quân tiếp tục thực hiện các khu vực tìm kiếm ở những vị trí mở rộng. Hôm nay, Sở chỉ huy tiền phương cũng đã xác lập xong sở chỉ huy hiện trường tại đây. Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc đã thiết lập xong 2 số điện thoại nóng để cung cấp thông tin về công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn được kịp thời.   



Ông Đỗ Minh Tuấn, phó Tư lệnh quân chủng Phòng không quân  Việt Nam tại buổi họp báo


 Thứ trưởng yêu cầu 3 máy bay AN26 hôm nay tiếp tục tầm bay dưới 1.500m, còn lại 2 chiếc trực thăng MI bay thấp hơn. Trách nhiệm của Việt Nam là sẽ làm hết mình.

Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các tàu thuyền ngư dân, nếu phát hiện thông báo kịp thời cho ủy ban tìm kiếm cứu nạn của tỉnh; lực lượng Biên phòng của tỉnh tìm hiểu thêm về các ngư dân đang đang bắt cá xung quanh khu vực gần khu vực máy bay nghi bị mất tích, xem ngư dân có thể cung cấp thêm thông tin gì không. Tỉnh cần chuẩn bị sẵn các công việc của mình nếu như tìm kiếm được người cũng như đồ vật trên máy bay.

Về Cảng hàng không sân bay, Thứ trưởng đã yêu cầu chuẩn bị khu vực riêng biệt để kịp thời ứng cứu khi cần thiết; đồng thời tăng cường công tác y tế; tăng cường phương án cho lực lượng bảo vệ hiện trường như hậu cần, phương tiện, con người.


Đã sang ngày thứ 3 của cuộc tìm kiếm nhưng số phận của chiếc Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines vẫn còn rất bí ẩn. Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng lực lượng tìm kiếm cứu nạn cả trên không và trên biển vẫn không tìm thấy dấu vết nào của chiếc máy bay xấu số trên.

Cả cơ quan Điều tra đặc biệt của Malaysia lẫn các cơ quan tình báo của Mỹ và châu Âu không loại trừ khả năng các tay súng đã tấn công chiếc máy bay này. (Xem thêm)



Lúc 9h00: Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, hiện đang có 6 tàu gồm: tàu hải quân, tàu biên phòng, 4 tàu hàng và nhiều tàu ngư dân hoạt động khai thác trên biển đang tìm kiếm ở vị trí nghi có mảnh vỡ kim loại nhưng vẫn chưa thấy gì nghi vấn. 



Bản đồ bay phối hợp với các nước


 Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh quân chủng Phòng không không quân cho biết, tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng cường thêm 2 máy bay CASA 212 cùng với 3 máy bay AN 26 mở rộng khu vực tìm kiếm về hướng Đông và Tây. 

Lúc 8h40: 2 máy bay AN 26 mang số hiệu 286, 261 đã cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất từ lúc 8h04 và sẽ hoạt động trong tọa độ từ vĩ độ 8 độ 00 – 9 độ 00, 103 – 104 cánh mũi Cà Mau 150 – 200 km. Máy bay dự kiến hoạt động khoảng 2 giờ.

Cũng trong sáng nay, 1 chiếc AN26 số hiệu 287 cũng đã cất cánh từ Tân Sơn Nhất đi về phía Nam Rạch Giá làm nhiệm vụ thông tin liên lạc.

Còn tại sân bay Cà Mau 2 chiếc Mi 117 mang số hiệu 04 và Mi 117 số hiệu 8431 đã để nạp đầy đủ nhiên liệu, các tổ lái sẵn sàng ra khu vực tìm kiếm. 

Dự kiến máy bay Mi 117 mang số hiệu 04 sẽ tìm kiếm ở khu vực cách bờ biển Sóc Trăng 180km. chiếc máy bay Mi 117 số hiệu 8431 sẽ tìm kiếm ở khu vực Hòn Chuối, Cà Mau.


8h35: Tại sân bay Phú Quốc đang diễn ra cuộc họp báo triển khai kế hoạch tìm kiếm trong ngày 11/3. Hàng trăm phóng viên đã có mặt tại đây, trong đó 2/3 là phóng viên quốc tế. Trước đó, chiếc trực thăng Mi 171 số hiệu 02 đã nạp nhiên liệu tại sân bay Phú Quốc để sẵn sàng tham gia tìm kiếm.

Hàng trăm phóng viên đã có mặt tại họp báo, trong đó 2/3 là phóng viên quốc tế.  (ảnh: Lam Hiếu)

8h20: Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân Đỗ Đức Minh cho biết, Việt Nam đã huy động CASA, máy bay tuần thám đặc chủng vào cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. 

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết các phóng viên nước ngoài sẽ được ưu tiên và tạo điều kiện tối đa để tác nghiệp.

Sáng nay có nhiều phóng viên trong nước và quốc tế đăng ký lên những chuyến bay cứu hộ ra biển để cập nhật thông tin.

8h00: Sở chỉ huy tiền phương ở Đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc họp với các đơn vị liên quan và tỉnh Kiên Giang để triển khai một số phương án tìm kiếm tiếp theo.

Sáng nay, việc tìm kiếm tiếp tục được mở rộng về phía Đông Bắc biển Việt Nam, mở rộng thêm 20.000km2, trong đó, diện tích hướng về phía biển Đông là 15.000km2, khu vực đảo Phú Quốc là 5.000km2.

2 máy bay AN26 xuất phát từ Tân Sơn Nhất ra khu vực biển tìm kiếm cách mũi Cà Mau 15km. 2 máy bay xuất phát từ đảo Phú Quốc là Mi-171 và thủy phi cơ DHC6. Vùng biển Vũng Tàu được nhận điện báo có mảng kim loại cũng sẽ có máy bay đi rà soát lại. Như vậy, xu hướng điều tra đang hướng nhiều về phía biển Đông của Việt Nam.



Ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết: Lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng không quân, hải quân nhiều hơn nữa và mở rộng phạm vi tìm kiếm. Việc tìm kiếm sẽ được thực hiện đến cùng cho đến khi mọi vấn đề được làm sáng tỏ. Vị trí dự kiến các hướng cất cánh là từ Vũng Tàu, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cà Mau và Năm Căn, độ cao bay ở tầm thấp và tầm trung bình. Cho nên Sở chỉ huy tiếp tục yêu cầu Trung tâm điều hành bay đường dài TPHCM đảm bảo điều hành bay và tìm kiếm trên biển một các an toàn nhất.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết, trong ngày 10/3, lực lượng không quân đã huy động nhiều chuyên cơ, Hải quân đã điều 4 tàu ra hiện trường nhưng đến cuối ngày vẫn không có một tín hiệu tích cực về máy bay Malaysia.

Theo Thứ trưởng, máy bay Singapore phát hiện một vật thể lạ, được cho là mảnh vỡ máy bay. Ngay khi nhận tín hiệu ứng cứu, Việt Nam đã triển khai lực lượng đi trục vớt. Tuy nhiên, vật thể này không liên quan đến máy bay Malaysia.

Phi công thuộc các đội bay trao đổi nhanh sau mỗi chuyến bay về những vấn đề đặt ra trong công tác tìm kiếm, cứu nạn (Ảnh: Thanh Tùng)

Về những mảnh rơi được Hong Kong phát hiện ở Vũng Tàu, Thứ trưởng dự đoán tàu bay khó có thể bay đến khu vực đó.

Theo Thứ trưởng, hôm nay (11/3), lực lượng cứu hộ sẽ tập trung nhiều hơn nữa, mở rộng quy mô tìm kiếm. 

Mỗi ngày, Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc sẽ có hai lần thông tin cho báo chí. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm. Công tác này được tiến hành liên tục, bằng mọi khả năng có thể”, ông Tiêu khẳng định.

Việt Nam đã cấp phép cho máy bay và tàu của 4 nước vào lãnh hải Việt Nam tham gia nhiệm vụ: Malaysia, Singapore, Mỹ và Trung Quốc. Tổng cộng phương tiện các nước là 34 tàu bay, 40 tàu thủy không kể tàu ngư dân./.


Văn Ánh- Trọng Điển-Thanh Tùng- Lam Hiếu- Phi Long/VOV
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

VOV.VN - Ngày 11/3, việc tìm kiếm tiếp tục được mở rộng về phía Đông Bắc biển Việt Nam, mở rộng thêm 20.00km2.

Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

VOV.VN - Ngày 11/3, việc tìm kiếm tiếp tục được mở rộng về phía Đông Bắc biển Việt Nam, mở rộng thêm 20.00km2.

Máy bay mất tích không có hệ thống liên lạc tự động?
Máy bay mất tích không có hệ thống liên lạc tự động?

Nguồn tin của Reuters cho biết, có lẽ Malaysia Airlines đã không lắp đặt hệ thống này cho chiếc máy bay bị mất tích.

Máy bay mất tích không có hệ thống liên lạc tự động?

Máy bay mất tích không có hệ thống liên lạc tự động?

Nguồn tin của Reuters cho biết, có lẽ Malaysia Airlines đã không lắp đặt hệ thống này cho chiếc máy bay bị mất tích.

Cựu giám đốc IBM có mặt trên máy bay Malaysia bị mất tích
Cựu giám đốc IBM có mặt trên máy bay Malaysia bị mất tích

VOV.VN - Đó là ông Philip Wood, 50 tuổi, một giám đốc lâu năm tại IBM, đã từng sinh sống tại Bắc Texas trước khi chuyển đến Bắc Kinh.

Cựu giám đốc IBM có mặt trên máy bay Malaysia bị mất tích

Cựu giám đốc IBM có mặt trên máy bay Malaysia bị mất tích

VOV.VN - Đó là ông Philip Wood, 50 tuổi, một giám đốc lâu năm tại IBM, đã từng sinh sống tại Bắc Texas trước khi chuyển đến Bắc Kinh.

Một hành khách sử dụng hộ chiếu mất trộm là người da đen
Một hành khách sử dụng hộ chiếu mất trộm là người da đen

VOV.VN - Hành khách này có ngoại hình giống với cầu thủ bóng đá Italy Mario Balotteli.

Một hành khách sử dụng hộ chiếu mất trộm là người da đen

Một hành khách sử dụng hộ chiếu mất trộm là người da đen

VOV.VN - Hành khách này có ngoại hình giống với cầu thủ bóng đá Italy Mario Balotteli.

Mỹ điều thêm tàu chiến tìm máy bay Malaysia mất tích
Mỹ điều thêm tàu chiến tìm máy bay Malaysia mất tích

Tàu chiến của Mỹ chở theo máy bay trực thăng Sea Hawk MH-60 gắn camera hồng ngoại phục vụ hoạt động tìm kiếm ban đêm.

Mỹ điều thêm tàu chiến tìm máy bay Malaysia mất tích

Mỹ điều thêm tàu chiến tìm máy bay Malaysia mất tích

Tàu chiến của Mỹ chở theo máy bay trực thăng Sea Hawk MH-60 gắn camera hồng ngoại phục vụ hoạt động tìm kiếm ban đêm.

Sáng mai, VINASAT-1 chụp ảnh khu vực nghi máy bay mất tích
Sáng mai, VINASAT-1 chụp ảnh khu vực nghi máy bay mất tích

Trong khoảng 1 giờ, vệ tinh VINASAT-1 sẽ bay qua khu vực đảo Thổ Chu và sẽ chụp những bức ảnh từ khu vực này.

Sáng mai, VINASAT-1 chụp ảnh khu vực nghi máy bay mất tích

Sáng mai, VINASAT-1 chụp ảnh khu vực nghi máy bay mất tích

Trong khoảng 1 giờ, vệ tinh VINASAT-1 sẽ bay qua khu vực đảo Thổ Chu và sẽ chụp những bức ảnh từ khu vực này.

Tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích:Khó như "tìm kim đáy bể"?
Tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích:Khó như "tìm kim đáy bể"?

VOV.VN - Mọi trang thiết bị hiện đại nhất của lực lượng tìm kiếm các nước vẫn chưa tìm thấy dấu vết gì của chiếc máy bay bị mất tích.

Tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích:Khó như "tìm kim đáy bể"?

Tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích:Khó như "tìm kim đáy bể"?

VOV.VN - Mọi trang thiết bị hiện đại nhất của lực lượng tìm kiếm các nước vẫn chưa tìm thấy dấu vết gì của chiếc máy bay bị mất tích.

Các đội bay sẽ khoanh vùng vị trí tìm kiếm máy bay mất tích
Các đội bay sẽ khoanh vùng vị trí tìm kiếm máy bay mất tích

VOV.VN -Các đội bay sẽ tổ chức khoanh vùng vị trí tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc từ 150-300km.

Các đội bay sẽ khoanh vùng vị trí tìm kiếm máy bay mất tích

Các đội bay sẽ khoanh vùng vị trí tìm kiếm máy bay mất tích

VOV.VN -Các đội bay sẽ tổ chức khoanh vùng vị trí tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc từ 150-300km.

Ngày mai, thêm 2 máy bay tìm kiếm tại khu vực mũi Cà Mau
Ngày mai, thêm 2 máy bay tìm kiếm tại khu vực mũi Cà Mau

VOV.VN -Ngày mai, 2 máy bay AN26 xuất phát từ Tân Sơn Nhất ra khu vực cách mũi Cà Mau 15km. 2 máy bay xuất phát từ đảo Phú Quốc

Ngày mai, thêm 2 máy bay tìm kiếm tại khu vực mũi Cà Mau

Ngày mai, thêm 2 máy bay tìm kiếm tại khu vực mũi Cà Mau

VOV.VN -Ngày mai, 2 máy bay AN26 xuất phát từ Tân Sơn Nhất ra khu vực cách mũi Cà Mau 15km. 2 máy bay xuất phát từ đảo Phú Quốc