Vụ chìm tàu ở Cần Giờ: Tự ý cho mượn tàu của Biên phòng
Bộ trưởng GTVT yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân tai nạn liên quan đến công tác quản lý.
Để làm rõ hàng loạt các nghi vấn: Có hay không hợp đồng mượn ca nô đưa người đi dự tiệc cưới? Thuyền trưởng thấy ca nô bị nạn bỏ chạy? Báo Thanhnien cho biết: Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt - Czeck Technology J.S, thừa nhận: “Ông Đinh Văn Quyết, Giám đốc Công ty du lịch Vũng Tàu Marina làm việc với nhân viên của tôi là anh Tạ Thanh Sơn để mượn tàu. Ông Quyết có viết tờ giấy đưa cho anh Lê Duy Phúc (người lái ca nô H29 - BP, là nhân viên của công ty ông Quyết đã tử nạn cùng với 8 người khác) mang sang cho anh Sơn. Sơn đã đồng ý cho mượn ca nô H790 - BP của Biên phòng Cửa khẩu cảng tỉnh BR-VT và ca nô KH0606 của Công ty. Tuy nhiên, không hiểu sao khi lấy ca nô, anh Phúc lại không lấy ca nô KH0606 đi mà lấy ca nô H29 - BP cùng với H790 - BP. Đây là việc mượn cá nhân với nhau mà anh Sơn đồng ý chứ không có ý kiến của tôi”.
Theo ông Đảo thì ông Quyết chỉ mượn 2 ca nô chứ không phải 3 chiếc. “Bản thân tôi cũng đi Tiền Giang nhưng trên ca nô H790 - HQ. Tôi xuất phát trước lúc anh Phúc qua lấy ca nô. Tôi đi Tiền Giang để chạy kiểm tra ca nô H790 - HQ trước khi giao cho khách. Lúc đến nơi tôi đã thấy nhiều nhân viên của Công ty PV PIPE (Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí VN - PV) đang đợi ở đây để chờ ca nô đến đón về Vũng Tàu. Sau đó, mọi người lên 2 ca nô HP 29 - BP và H790 - BP do Lê Văn Hiếu là nhân viên của tôi lái về Vũng Tàu trước, tôi xuất phát sau đó 30 phút trên ca nô H790 - HQ do Lục Văn Bảo lái chở theo 15 người”, ông Đảo kể thêm.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm tàu |
Gọi hỗ trợ lúc 19 giờ
“Khoảng hơn 19 giờ ngày 2/8, tôi thấy thời tiết xấu, sóng gió lớn nên gọi điện thoại cho Tạ Thanh Sơn ở Vũng Tàu chuẩn bị phương tiện vì sợ những ca nô trước đi gặp nguy hiểm thì dễ dàng cứu nạn. Sau đó tôi gọi anh thượng tá Hoàng Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng tỉnh BR-VT nhờ hỗ trợ thì được anh Quỳnh đồng ý. Lúc 19h30 thì tàu biên phòng và Sơn đi ra hướng Cần Giờ”, ông Đảo cho hay. Ông Sơn cũng nói, vào thời điểm đó có mang theo xăng đi cùng với tàu biên phòng ra hướng Cần Giờ để sẵn sàng tiếp ứng.
20 giờ 30 được tin ca nô bị nạn
Ông Đảo cho biết, đến 20 giờ 30 thì nhận được tin ca nô H29 - BP bị nạn. “Tôi nhận điện thoại từ anh Phước làm ở Công ty PV PIPE nói tàu bị nạn thì tôi gọi cho anh Quỳnh. Tôi cũng nhắn tin cho anh Lê Văn Hiếu là nhân viên của tôi đang lái ca nô H790 - BP biết là ca nô H29 - BP bị nạn, báo mọi người quan sát xung quanh tìm kiếm. Tôi không báo cho Trung tâm 3 vì tôi đã báo cho anh Quỳnh biết rồi”.
Còn anh Lê Văn Hiếu (lái ca nô H790 - BP), kể: “Khi nhận được tin nhắn của anh Đảo tôi đã chạy vài vòng tìm kiếm ca nô bị nạn. Tôi nói mọi người cùng tôi quan sát xung quanh. Một lúc sau thì tôi thấy ca nô H29 - BP nhưng do sóng to gió lớn, trời mưa lớn và tối nên tôi không nhìn thấy rõ ca nô này bị chìm hay chưa. Tôi đã cố tiếp cận nhưng không được. Do lúc này sóng to gió lớn rất nguy hiểm nên tôi phải vượt để cứu nguy cho tàu và mọi người. Trong lúc chạy vào bờ, tôi nói mọi người trong ca nô gọi điện vào bờ cấp cứu và xác định tọa độ tàu bị nạn. Sau đó thì anh Đức làm chung công ty của tôi dùng iPad xác định được tọa độ. Khi vào tới bờ, tôi nghe nói mọi người đã gọi được cứu hộ nên yên tâm. Anh Đức chính là người đã cho cơ quan chức năng tọa độ tàu bị nạn”.
Thượng tá Hoàng Nhuận Quỳnh thì nói, ông nhận thông tin ca nô H29 - BP bị nạn từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu. “Một lúc sau, tôi mới nhận được điện thoại của ông Đảo nói ca nô H29 - BP bị nạn. Tôi có hỏi tại sao ca nô đang sửa chữa mà lại đưa ra ngoài chạy để bị nạn nhưng ông Đảo không nói gì. Ngay sau đó tôi đã gọi cho lãnh đạo và gọi cho anh em đưa phương tiện cứu nạn. Tôi đang nghỉ phép và đang ở ngoài quê nên không có ở đơn vị trực tiếp chỉ huy lực lượng làm nhiệm vụ”.
“Gọi điện nói có 1 ca nô bị hết xăng”
Theo nhật ký cứu nạn của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, vào lúc 23 giờ 30 phút, cảng vụ liên lạc tàu BP02 (Bộ đội biên phòng tỉnh BR-VT) được biết tàu ra khu vực tìm kiếm lúc 20 giờ (ngày 2/8). Lúc 2 giờ ngày 3/8, gọi cho anh Nghiêm (Biên phòng tỉnh BR-VT) được biết biên phòng tỉnh đã điều động tàu số hiệu BP130402 từ 20 giờ (ngày 2/8) đi cứu nạn tàu H29 - BP.
Một cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh BR-VT), cũng kể: “Vào khoảng hơn 19 giờ ngày 2/8, người của Công ty Việt - Czeck Technology J.S gọi điện nói có 1 ca nô bị hết xăng ở vùng bãi tắm Cần Giờ và nhờ ra kéo vào, chi phí tốn hết bao nhiêu sẽ trả lại, nhưng không hề nói gì đến chuyện có đông người ở trên ca nô. Chúng tôi đã bố trí tàu chịu được sóng gió, nắm rõ luồng lạch chuẩn bị lên đường, nếu xuất phát thì đến nơi sẽ rất nhanh nhưng ngay sau đó, người này gọi điện hoãn với lý do đã nhờ bên biên phòng được rồi".
Cứu người lúc 1 giờ 8 phút
Trong khi đó, báo cáo của Cục Hàng hải hôm qua xác định, tàu H29 - BP bị nạn lúc khoảng 20 giờ, tại vị trí 10º21’43’’N - 106º57’44’’E cách mũi Vũng Tàu khoảng 8 hải lý về phía tây tây bắc. Vào thời điểm đó, khu vực biển Cần Giờ có thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của gió mùa tây nam, tầm nhìn xa hạn chế gây khó khăn cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Qua công tác tìm kiếm cứu nạn đã cứu được 21 người (lúc 1 giờ 8 ngày 3/8 phát hiện và cứu được 17 người; lúc 3 giờ 43 phát hiện và cứu được 4 người, trong đó có 2 người nước ngoài). Đến khoảng 7 giờ 20 ngày 5/8, đã tìm kiếm và đưa vào bờ toàn bộ 9 thi thể nạn nhân bàn giao cho gia đình và cơ quan chức năng.
Báo cáo nêu rõ: “Công ty cổ phần Việt - Czeck Technology J.S đã tự ý đưa phương tiện vào chở khách, không làm các thủ tục khai báo xin phép cho tàu xuất bến với các cơ quan chức năng theo quy định. Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí VN tự ý tiếp nhận phương tiện vào bến thủy nội địa để đưa đón CB - CNV về Vũng Tàu không thông báo cho các cơ quan chức năng. Người điều khiển ca nô vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn và thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng...”./.
Thành lập tổ điều tra đặc biệt
Ngày 5/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng chung quanh thảm họa chìm ca nô làm chết 9 người trên vùng biển Cần Giờ. Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng đã quyết định thành lập ngay một tổ điều tra đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công làm tổ trưởng, có sự tham gia của Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Vụ Pháp chế Bộ GTVT và các chuyên gia giỏi tham gia vào tổ điều tra đặc biệt.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan phải báo cáo kiểm điểm trách nhiệm cung cấp thông tin khi có sự cố xảy ra; chủ động điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, điều tra làm rõ trách nhiệm của 2 lái ca nô cùng xuất bến khi biết có báo hiệu ca nô H29 - BP bị nạn mà không dừng lại cứu. Bên cạnh đó phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến vụ tai nạn, chậm nhất đến ngày 20/8 phải có báo cáo Bộ GTVT.