Vụ tai nạn làm 10 người chết:Xe khách lấn đường đón khách dọc đường
"Em lên xe khoảng 9h sáng 8/2, sau đó tài xế tiếp tục chạy đón nhiều khách quen đã hẹn trước để về quê Nghệ An ăn Tết", một hành khách cho biết.
Các nạn nhân còn sống sót khẳng định với PV Tuổi Trẻ chiếc xe khách biển số TP.HCM đã đón khách dọc đường trước khi lấn đường gây ra vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận sáng 9/2.
Tiếp xúc PV Tuổi Trẻ tại Bệnh viện Hàm Thuận Nam, Dương Thị Hồng Nhung (19 tuổi, quê huyện Anh Sơn, Nghệ An), bị đa chấn thương vùng mặt sau tai nạn, cho biết tài xế chạy xe trên quốc lộ 1, sau đó đi theo hướng Bà Rịa - Vũng Tàu rồi ra ngã ba Hàm Tân để ra lại quốc lộ.
Xe đón khách quen nhiều lần
"Do đã đi chiếc xe này một lần nên em và dì em đã hẹn ở khu vực ga Sóng Thần để xe đến đón. Em lên xe khoảng 9h sáng 8/2, sau đó tài xế tiếp tục chạy đón nhiều khách quen đã hẹn trước để về quê Nghệ An ăn tết" - Nhung cho biết.
"Em ngồi ở lối đi trên xe, thấy tài xế lao vào một xe đi ngược lại rồi không biết gì nữa. Sau đó em lơ mơ thấy ai đang xốc nách mình. Giờ mới biết xảy ra tai nạn và thoát chết" - Nhung bàng hoàng nhớ lại.
Anh Thái Công Hậu - người chứng kiến từ đầu vụ việc - kể: "Đang ngủ trong nhà, tôi nghe một tiếng "ầm" khủng khiếp, kèm theo đó là tiếng la hét, khóc lóc. Mở cửa chạy ra đã thấy máu và xác người nằm vất vưởng bên xe khách và một căn nhà bị sập nên gọi điện báo công an".
Tại hiện trường, khu vực xảy ra tai nạn có hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo đầy đủ. Vị trí, dấu vết hiện trường cũng cho thấy xe khách biển số TP.HCM đã lao sang trái, đụng xe đi chiều ngược lại rồi tông sập nhà dân.
Bà Đặng Thị Hồng (chủ căn nhà bị sập ở thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh) kể: "Đang ngủ tôi giật mình thức dậy vì tiếng động lớn trước nhà. Ở trong nhà tôi nghe tiếng khóc, gào thét nhưng không thể nào ra ngoài được. Lúc biết có nhiều người chết và bị thương tôi ngồi bệt xuống run rẩy hết tay chân".
Em gái tài xế thoát nạn đưa thi thể anh về quê
Đến chiều cùng ngày, Bệnh viện Hàm Thuận Nam cho biết trong số 10 trường hợp bị thương đã có ba trường hợp nặng chuyển lên bệnh viện tuyến trên là Võ Đăng Khoa (26 tuổi, ngụ TP Phan Thiết), Lê Quách Thanh (38 tuổi, ngụ TP Phan Thiết) và Lưu Văn Chính (46 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM).
Bảy trường hợp còn lại chỉ có ba trường hợp bị đa chấn thương não cần phải theo dõi là Dương Thị Hồng Nhung (19 tuổi), Cao Trịnh Hoàng Long (2 tuổi) và Phan Thị Hằng (16 tuổi, cùng ở huyện Anh Sơn, Nghệ An).
Đối với các trường hợp tử vong, gia đình các nạn nhân đã làm thủ tục đưa về nhà để mai táng. Trong đó, tài xế xe khách TP.HCM là Nguyễn Trung Tiên (32 tuổi) chở khách về huyện Anh Sơn, Nghệ An cũng đã chết.
Bà Kiều Thư (chị dâu Tiên) cho biết trước đây Tiên làm công nhân, sau đó mới làm tài xế. Cùng đi trên chiếc xe khách về Nghệ An bị nạn còn có em gái của Tiên là Nguyễn Thị Thương. Thương đã may mắn thoát chết và đang đau đớn đưa thi thể anh trai mình về quê.
Chiều 9/2, đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia do ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban - dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để xử lý vụ tai nạn.
Đoàn đã đến thăm các nạn nhân nhập viện tại TP Phan Thiết, hỗ trợ tiền cho gia đình nạn nhân Trần Văn Mậu và con trai 2 tuổi Trần Trung Nhân.
Cùng thời điểm, ông Nguyễn Đức Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN) - cùng đoàn công tác cũng đến gia đình các nạn nhân tử vong và gặp gỡ những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, Bệnh viện Hàm Thuận Nam thăm hỏi và động viên, chia sẻ.
Cục IV đã hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong 1 triệu đồng, mỗi người bị thương 500.000 đồng.
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa xảy ra ở Bình Thuận, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết Bộ Y tế sẵn sàng điều động Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện T.Ư Huế đến hỗ trợ điều trị cho nạn nhân tai nạn. (N.N - L.Anh)./.