Bí quyết quảng bá quyền lực mềm "du lịch ẩm thực" Thái Lan
VOV.VN - Nhìn lại thời gian qua, Thái Lan đã phát huy tốt quyền lực mềm, trong đó có du lịch ẩm thực. Với các chiến dịch tiếp cận vô cùng hiệu quả, Thái Lan đã lồng ghép rất khéo léo trải nghiệm ẩm thực khi du khách đến nước này.
Có thể nói, ẩm thực chính là quyền lực mềm trong phát triển du lịch Thái Lan sau đại dịch Covid-19. Chính sách “Thực phẩm Thái, thực phẩm toàn cầu” đã giúp Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 15 thế giới, với doanh thu hơn 40 tỉ USD/năm.
Bên cạnh đó, chính sách “Quyền lực mềm ẩm thực Thái” đặt mục tiêu khiến người dân toàn cầu biết và ưa chuộng ẩm thực Thái Lan, thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ ở quốc gia này. Khẳng định “Ẩm thực Thái là ẩm thực toàn cầu”, nước này từ lâu vẫn thúc đẩy thông điệp Thái Lan là “Nhà bếp của thế giới” (Kitchen of the World).
Lượng khách quốc tế đến Thái Lan và chi tiêu vẫn luôn ở top đầu thế giới. Trong số đó, phần lớn chi tiêu là dành cho việc ăn uống tại các nhà hàng. Một cách hấp dẫn nhất để hấp thụ văn hóa Thái Lan là ăn những món ăn tuyệt vời trong khi tham quan như đi du thuyền trên sông Chao Phraya, hay xếp hàng từ sớm tại những nhà hàng địa phương đông nghịt khách.
Với các chiến dịch tiếp cận vô cùng hiệu quả, Thái Lan đã lồng ghép rất khéo léo trải nghiệm ẩm thực khi du lịch tại nước này. Ví dụ, du khách đến Thái Lan cũng có thể tham gia các lớp học nấu ăn kiểu Thái, trải nghiệm thêm về văn hóa ẩm thực với chuyến tham quan chợ thực phẩm để hiểu các nguyên liệu địa phương, trước khi học cách nấu chúng tại các trường dạy nấu ăn.
Thái Lan cũng có những nhà hàng mang đến trải nghiệm thực sự từ trang trại đến bàn ăn, bằng cách phục vụ các bữa ăn sử dụng nhiều loại rau, dưa, trái cây không có hóa chất được trồng ngay tại trang trại… Có thể nói, du lịch ẩm thực Thái Lan chắc chắn có một vị trí lâu dài trong các sự kiện thương mại - du lịch của nước này trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, Thái Lan là một trong những quốc gia sớm quan tâm tới việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đã ban hành các chính sách hợp lý, trong đó huy động được đông đảo các lực lượng từ chính phủ, các tổ chức xã hội tới người dân nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Thái Lan phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ xuất khẩu, quảng bá ẩm thực dưới hình thức quyền lực mềm giúp nâng cao hình ảnh và thúc đẩy du lịch quốc gia.
Tại Thái Lan, Đạo luật Thực phẩm Food Act (1979) quy định rằng các nhà máy sản xuất thực phẩm để bán cũng như các nhà nhập khẩu thực phẩm để bán ở Thái Lan phải có giấy phép từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) trước khi hoạt động kinh doanh. Điều này nhằm đảm bảo thực phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Thái Lan trong tình trạng sạch sẽ và an toàn.
Theo đó, các vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm các điều khoản của Đạo luật. Mức hình phạt tối đa lên tới 100.000 Bạt (khoảng 2.800 USD) và hình phạt tù tối đa 10 năm. Các vi phạm nghiêm trọng, gây ra hậu quả xấu sẽ được điều tra và chuyển tới Cơ quan cảnh sát Hoàng gia Thái Lan xử lý.
Chính phủ Thái Lan cũng có các quy định nghiêm ngặt, yêu cầu những người bán thức ăn đường phố phải tuân theo các hướng dẫn cụ thể nhằm ngăn ngừa ngộ độc hay nhiễm bệnh do thực phẩm, bao gồm sử dụng nước sạch, bảo quản thực phẩm đúng cách và ở nhiệt độ thích hợp.
Những chủ cửa hàng bán thức ăn đường phố ở Thái Lan có tiêu chuẩn vệ sinh khá cao vì họ biết rằng sự sạch sẽ, an toàn là chìa khóa để kinh doanh thành công tại Thái Lan. Họ cũng áp dụng thực hành vệ sinh khá tốt như rửa tay thường xuyên, đeo găng tay khi xử lý thực phẩm và giữ cho khu vực nấu nướng sạch sẽ.