Dừng chân ven quốc lộ 3 thưởng thức đặc sản người Tày
VOV.VN - Trước đây, cơm lam - món ăn truyền thống của người Tày ở xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn chỉ có vào dịp tết cơm mới, lễ hội hay Tết Nguyên đán. Nhưng nay món cơm lam được người dân trong xã làm hàng ngày để bán cho du khách.
Ai đã có dịp dừng chân tại bản Đồn, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đều có dịp thưởng thức món cơm lam của người Tày nơi đây với vị ngon đặc trưng của ống tre và loại nếp vùng cao có tên “Khẩu nua Lếch” - một loại nếp đặc sản của Bắc Kạn. Theo bà con giới thiệu, mùa cơm lam trước đây chỉ kéo dài từ khoảng tháng 9 - tháng 10 âm lịch đến sau Tết Nguyên đán. Xưa, người dân thường cấy một vụ nên chỉ có quãng thời gian đó mới làm món cơm lam. Mọi nguyên liệu như gạo, lạc đều do gia đình tự cấy và trồng phục vụ cuộc sống, còn dư mới mang bán.
Chia sẻ kinh nghiệm làm cơm lam, bà Hà Thị Lê (bản Đồn, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) cho biết đã làm cơm lam được 30 năm. Để có ống cơm lam ngon phải lựa chọn ống tre đều, thành ống dày vừa phải. Gạo nếp phải đều hạt, nếp nương là ngon nhất. Để cơm lam ngon, gạo nếp cần được ngâm 3-6 tiếng, lạc luộc cho chín; trộn đều gạo và lạc rồi cho vào ống tre đã rửa sạch để ráo nước. Gạo cho vào cách miệng ống khoảng 2-3cm, cuốn lá chuối làm nút, nút lá vừa đủ chặt (để khi cơm chín nở ra không làm vỡ ống) rồi nướng ống cơm lam trên bếp lửa...
Bà Hà Thị Lê chia sẻ: "Để nướng một ống cơm lam chín thì sẽ mất khoảng 20-30 phút tùy theo độ dày của ống tre. Ngày trước chúng tôi thường dùng gạo nếp nương để làm cơm lam, nhưng bây giờ thì được thay bằng Khẩu nua Lếch. Loại nếp này vẫn cho ra những ống cơm lam dẻo thơm nhất".
Nếu ai đã một lần thưởng thức cơm lam của người Tày ở bản Đồn sẽ không thể quên được hương vị thơm, độ dẻo, bùi giữa nếp và lạc hòa quện với nhau. Anh Nguyễn Minh Chiến (Hà Nội) mỗi lần đi công tác qua đây đều dừng chân mua cơm lam về làm quà. "Tôi đã có dịp được đi qua huyện Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn và được thưởng thức món cơm lam của bà con người Tày nơi đây. Tôi thấy cơm lam Bắc Kạn ăn khác với những vùng khác mà tôi đã từng ăn. Cơm lam ở đây thì ăn thơm hơn và đặc biệt chấm với muối vừng rất là ngon. Mỗi khi đi qua đây tôi lại mua về Hà Nội làm quà cho bạn bè và gia đình".
Ngoài cơm lam, thì bánh củ chuối cũng là món quà dân dã được bày bán tại những điểm dừng nghỉ ven QL3, đoạn qua huyện Chợ Mới. Theo bà Ma Thị Uyên ở bản Giác, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), việc chọn được những củ chuối để làm bánh cũng rất quan trọng và sẽ quyết định chất lượng của bánh. Món bánh dân dã này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và sự khéo léo của người làm: Củ chuối được làm sạch, thái mỏng rồi ngâm nước tro để sạch nhựa. Khi ngâm xong, củ chuối được rửa sạch, luộc chín nhừ rồi xay thành bột. Bột củ chuối trộn với bột nếp, thêm chút đường rồi nặn thành bánh, gói lại bằng lá chuối sau đó đem hấp cho bánh chín.
Bà Ma Thị Uyên cho biết: "Ngoài cơm lam, bánh gio thì nhà tôi còn có bánh củ chuối. Nguyên liệu để làm bánh là củ chuối rừng. Củ chuối thường có 2 lớp, khi lấy về làm bánh thì phải loại bỏ lớp ngoài chọn lấy phần lõi thì khi làm bánh mới không có xơ. Sau đó, làm qua các công đoạn rồi gói bánh. Ngày trước chưa có máy thì toàn giã tay, bây giờ có máy thì làm dễ hơn nhiều".
Ngày nay, các loại bánh và quà đặc sản địa phương rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên nhiều người khi có dịp đi qua Chợ Mới (Bắc Kạn) vẫn bị thu hút bởi những món quà dân dã, mộc mạc được chính tay người dân địa phương làm. Ít nhiều, ai cũng chọn mua cho mình những bó cơm lam hay chục bánh củ chuối để làm quà cho gia đình, bạn bè.