Cách Hà Nội 260km, cách thành phố Hạ Long chỉ 100km, Bình Liêu không quá xa xôi nhưng lại "ngủ quên" suốt nhiều năm. Giữa những "hoa hậu", "người đẹp" du lịch lộng lẫy, kỳ ảo khác của Quảng Ninh, huyện miền núi biên giới này chỉ như sơn nữ, hoang sơ và mộc mạc.

Ngày cuối thu, Bình Liêu đón chúng tôi bằng cái nắng vàng như rót mật. Nép mình dưới chân những rặng núi bạt ngàn miền Đông Bắc cao gần 1.500m, kề bên những dòng suối chảy giữa biên giới hai nước Việt Nam – Trung Quốc, Bình Liêu sở hữu khí hậu mát mẻ quanh năm và có những "mùa" rất đặc biệt. Anh Tô Đình Hiệu, người bạn "thổ địa" vừa gặp đã khoe, "đang có Hội mùa vàng đấy", rồi giục chúng tôi lên đường đi Lục Hồn - xã đang sở hữu những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất ở Bình Liêu.

Từ thị trấn, con đường trải nhựa rộng thênh thang dẫn du khách đi qua những bản làng yên ả, đồng lúa đang ngả sắc vàng no ấm. Từ bản Khe O tới Cao Thắng, Ngàn Pạt, những bậc thang vàng cứ thế bày ra trước mắt. Nằm phía tây núi Cao Xiêm với độ cao từ 300 - 600m, ruộng bậc thang ở Bình Liêu hẹp và dốc, uốn lượn như những con sóng xô nhau từ sườn núi xuống thung lũng, khung cảnh kỳ vĩ không kém gì Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì… Trên nương, chiếc mũ đỏ sặc sỡ của phụ nữ Dao, tấm áo xanh cô gái Sán Chỉ thấp thoáng trong biển vàng, tiếng í ới gọi nhau gánh lúa về nhà. Dưới núi, những bản làng mái ngói rêu phong mờ mờ, ảo ảo trong khói lam chiều.

Khác hẳn mọi năm, mùa lúa chín năm nay rộn ràng hơn khi có sự góp mặt của những người khách lạ. Du khách tới đây chìm đắm trong không gian bao la ngập hương thơm lúa mới. Chàng trai say sưa tham gia chơi đánh quay, ném còn, kéo co, đẩy gậy,... ngay trên ruộng lúa. Cô gái thích thú khoác lên mình bộ áo váy người bản địa, chụp ảnh giữa núi rừng mùa thu.

Ngoài vẻ đẹp mùa lúa chín, Bình Liêu còn có mùa cỏ lau trắng, biến nơi đây thành điểm đến "phải đi" của người mê du lịch bụi. Trên hành trình của chúng tôi, cỏ lau phủ đầy hai bên đường, trải tràn xuống thung lũng, nối tiếp nhau trên những ngọn đồi tròn trịa úp như mâm xôi, vươn lên cả những đỉnh núi cao ngất. Cuối thu, đầu đông, bông cỏ đồng loạt bung nở, khoác lên núi rừng tấm áo trắng lãng mạn, đẹp như miền cổ tích.

Theo chân cô gái Tày dẫn đường, chúng tôi đến với "thiên đường cỏ lau" tại khu vực quanh các cột mốc biên giới. Đường lên cột mốc 1297 (thuộc địa phận huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn giáp ranh) là con đường nhỏ xuyên giữa đồi cỏ lau đang độ nở rộ. Chinh phục đỉnh núi cao, chúng tôi đứng giữa ngàn vạn bông lau lung linh trong nắng chiều, ngắm hoàng hôn buông nơi biên ải và lắng nghe tiếng đàn tính ngân vang giữa núi rừng hoang sơ.

Thực hiện: Nguyễn Dương.

"Bình Liêu chỉ có 43 km biên giới với nước bạn, nhưng chắc chắn đây là đường tuần tra đẹp nhất trong cả tuyến biên giới phía Bắc", một nhiếp ảnh gia khẳng định chắc nịch với chúng tôi.

Kiểm nghiệm lời anh, cả đoàn lên đường khám phá cung đường tuần biên, mốc chỉ giới bên đường mang số hiệu TTBG. Từ cửa khẩu Hoành Mô, con đường lên cao mãi rồi uốn lượn quanh sườn núi. Từ dưới những bản làng nhìn lên chỉ thấy "sợi chỉ" căng ngang lưng núi, vắt vẻo một bên vách cao, một bên thung sâu thẳm. Có khi lên cao hơn 1.000 m, xuyên qua biển mây trắng như bông, có khi lại ngả mình qua những rừng hồi quế, rừng thông xanh ngát. Giữa những ngọn núi trập trùng, con đường cứ thế chạy mãi tựa như không điểm dừng khiến khách lữ hành không khỏi phấn khích.

Nhưng điều khiến chúng tôi háo hức nhất chính là những cột mốc biên giới. Dọc cung đường tuyệt đẹp này là 41 mốc giới, 68 cột mốc, từ cột mốc 1300 nơi ngã 3 tiếp giáp giữa 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc tới cột mốc 1327 trên đỉnh núi Thanh Long Lĩnh (bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn).

Có cột mốc ở ngay bên đường, đi vài bước chân là tới. Có cột mốc phải cuốc bộ xuyên rừng, chỉ có dấu chân người lính biên phòng chạm tới. Cột mốc 1327 đứng sừng sững trên đỉnh núi cao, nơi có những tảng đá khổng lồ bày trận. Cột mốc 1326 cheo leo, nhìn thẳng xuống bản làng hai bên biên giới, một độ cao có thể khiến “tim đập chân run”. Cột mốc 1302 đo bằng những bậc thang cao ngất, vẫn còn vài vạt sim cuối mùa nở tím biếc.

Hành trình đến với mốc 1305 - một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên đường biên thuộc địa phận Quảng Ninh sẽ không ai có thể quên. Đường lên mốc được ví von là "sống lưng khủng long vùng Đông Bắc" nay đã trải bê tông thay cho con đường mòn trước kia, có lan can bảo vệ để đảm bảo an toàn cho du khách. Từng người băng qua con đường giữa vạt cỏ tranh, sắc hoa rừng rực rỡ dưới chân. Chặng khó nhất là những con dốc ngược lên vô tận, bò trên đỉnh núi nối nhau như “sống lưng khủng long”. Quay đầu nhìn lại, núi rừng miền biên thùy trùng trùng điệp điệp xanh thẳm không thấy chân trời.

3 giờ leo núi, cột mốc 1305 dần hiện ra giữa rừng. Cảm giác đứng nghiêm trang chào mốc, chạm tay vào phiến đá đánh dấu chủ quyền Tổ quốc luôn là một cảm giác thiêng liêng với mỗi người. Kỳ vĩ, choáng ngợp, nhưng cũng rất gần gũi thân thuộc khi nhìn về đất mẹ, có ai đó hát bài ca: “Cỏ vẫn xanh dọc theo đường biên/Đường tuần tra hôm nay đẹp quá”.

Thực hiện: Nguyễn Dương.

Dù có lời giới thiệu trước của Triệu Hoàng Nga, cô hướng dẫn viên người bản địa, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Trên mặt sân đất cạnh nhà văn hóa xã Húc Động, một giải bóng đá đang diễn ra hết sức gay cấn. Cầu thủ, đều là phụ nữ Sán Chỉ. Tất cả họ đều mặc váy truyền thống để thi đấu.

Trận đấu kín khán giả, người già có, trẻ con có, cả những người đàn ông là chồng của các nữ cầu thủ. Các cô gái vừa dẫn bóng qua người vừa cười tươi rói, khéo léo quyết liệt phối hợp ghi bàn tung lưới đối phương trong tiếng hò reo, xuýt xoa. Phong trào bóng đá "có một không hai" này được phụ nữ Sán Chỉ duy trì từ lâu và tổ chức khá thường xuyên, tạo nên vẻ đẹp văn hóa đặc trưng riêng có của mảnh đất này.

Bình Liêu có nhiều nét văn hóa khiến du khách phải tò mò. Tháng Giêng, người Tày tưng bừng giao lưu hát then đàn tính trong lễ hội Đình Lục Nà. Tháng 3 gắn với hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ, ngày “Shặm nhịt hụi” nghe trai gái tìm nhau qua câu hát để kết duyên vợ chồng. Tháng 4, người ta tạm gác lại công việc, đi hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán. “Mì sèng phẩy hêy dảo”, tiếng Dao có nghĩa là “đi chơi chợ mùng bốn tháng tư", ngày để tất cả mọi người gặp mặt bạn bè, anh em, cùng tâm sự hò hẹn, cùng say trong men rượu, men tình.

Chúng tôi không quên trải nghiệm ẩm thực Bình Liêu. Miến dong, nức tiếng bởi hương vị giòn dai thơm ngon, chế biến từ củ dong riềng bản địa; ngan đen, cá suối, bánh ngải, bánh chưng đen, bánh coóc mò của người Tày... Phải kể đến món phở xào ở chợ Đồng Văn. Phở tươi do người bán tự tráng, tự cắt, nhưng chỉ bán phở mà không bán đồ ăn kèm. Người dân bản địa tự đi chợ, mua thịt rau đưa đầu bếp xào cùng phở. Còn với chúng tôi, chủ quán linh động... mua hộ, chế biến đĩa phở xào mềm mượt, đậm đà thơm nức. Không chỉ có hương vị độc đáo, cách thưởng thức cũng không kém phần thú vị và đáng nhớ.

Dù Bình Liêu đang mở rộng các cơ sở lưu trú đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, chúng tôi vẫn ấn tượng với các homestay mang nét đẹp khác biệt riêng có. Chưa nhiều về số lượng, nhưng mỗi căn nhà đều đặc biệt từ cảnh quan đến kiến trúc. Như Hoàng Sằn, một chủ nhà kiêm hướng dẫn viên chia sẻ: "Việc phát triển homestay đậm nét truyền thống như thế này sẽ giúp chúng tôi truyền tải những giá trị văn hóa cũng như ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đến với du khách gần xa".

Tạm biệt Bình Liêu trở về thành thị, chúng tôi vẫn còn lời hẹn mùa đông này trở lại, khi bạt ngàn hoa sở phủ sắc trắng tinh khôi lên núi rừng. Chuyến đi giúp tôi nhận ra một điều giản dị, ta cần gì đi đâu xa xôi, bởi vẫn còn thật nhiều, thật nhiều những miền đất tuyệt đẹp trong tầm tay chưa thể khám phá hết./.


Thứ Năm, 08:35, 26/11/2020