Các công ty du lịch “lao đao” vì virus corona
VOV.VN- Nếu dịch bệnh không được kiểm soát nhanh chóng, không triển khai các giải pháp hỗ trợ, kích cầu thì doanh thu của ngành du lịch sẽ sụt giảm nghiêm trọng
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng của ngành Du lịch, vốn được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 60-70% lượng khách quốc tế đến nước ta thời gian qua nên sự sụt giảm khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc thời gian này ảnh hưởng lớn đến doanh thu của ngành du lịch.
Nhân viên y tế tầm soát thân nhiệt du khách. |
Bên cạnh đó, khách quốc tế nhìn chung mang trong mình tâm lý e dè, lo ngại khi lựa chọn du lịch Việt Nam thời điểm này vì Việt Nam nằm gần Trung Quốc - đất nước bùng phát dịch bệnh và Bộ Y tế cũng đã ghi nhận 10 trường hợp nhiễm virus corona tại Việt Nam.
Sụt giảm lượng khách, thiệt hại doanh thu
Theo bà Nguyễn Thị Huyền (đại diện công ty Vietrantour), đối với thị trường outbound, du khách Việt đã đặt tour trước đấy và khởi hành vào thời điểm bùng phát dịch bệnh, tâm lý chung đều tỏ ra sợ hãi và mong muốn các công ty hỗ trợ huỷ tour. Việc bồi hoàn cho du khách trong thời điểm hiện tại gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho các công ty du lịch, hàng không và dịch vụ mặt đất.
Với động thái hoàn lại 100% tiền tour cho khách đi Trung Quốc, Vietrantour ước tính thiệt hại của công ty có thể chạm mốc 70% doanh thu nếu các đối tác dịch vụ đầu Trung Quốc và các hãng hàng không không hỗ trợ và chia sẻ.
"Mặc dù, theo điều khoản 5.1 trong hợp đồng ký với khách đi tour quốc tế, chúng tôi không phải chịu trách nhiệm pháp lý về dân sự, kinh tế cũng như chất lượng phục vụ của các dịch vụ theo thỏa thuận do những trở ngại, sự cố khách quan bất khả kháng mà chúng tôi không được báo trước hay không thể khắc phục được như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố hoặc do quyết định đơn phương của cơ quan có thẩm quyền trong nước cũng như quốc gia điểm đến. Quyết định hoàn lại 100% chi phí tour cho khách hàng cũng như miễn phí toàn bộ chi phí hoãn, hủy tour trong điều kiện hiện tại là thiện chí hợp tác tích cực cùng du khách", bà Huyền nhấn mạnh.
"Theo thống kê của Vietrantour, căn cứ trên số lượng khách báo hủy tour, lượng khách tháng 1 giảm 67%, khách tháng 2 giảm 98%, tháng 3 dự kiến chưa có gì khả quan.
Cần nhanh chóng có những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp từ các bộ, ban, ngành dành cho các công ty kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi cấp do nCoV", bà Huyền nói.
Nỗ lực tìm thị trường thay thế
Bà Nguyễn Thị Huyền cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị lữ hành đang gấp rút xây dựng các gói sản phẩm phù hợp nhu cầu và tâm lý của du khách, nỗ lực tiếp thị sang các thị trường thay thế Trung Quốc, trong đó bao gồm các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Nga, Đông Âu, Mỹ... Đưa ra các chính sách kích cầu mới để trì hoãn việc huỷ tour của khách hàng trong thời điểm hiện tại.
Theo bà Trần Bảo Thu (đại diện Lữ hành Fiditour), trước mắt, trong khoảng hết quý 1/2020, Lữ hành Fiditour sẽ tạm ngưng đưa khách đến tất cả các điểm tham quan của Trung Quốc. Tuỳ tình hình diễn biến thực tế, Lữ hành Fiditour sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và các đối tác liên quan để thiết kế sản phẩm điểm đến, thời gian phù hợp và đảm bảo an toàn cho du khách, tập trung vào các thị trường thế mạnh của Lữ hành Fiditour là châu Âu, Mỹ, Úc, MICE nội địa...
"Mục tiêu của doanh nghiệp là xoay chuyển sản phẩm và thị trường nhanh chóng, linh hoạt, tăng cường các giá trị tiện ích, trong đó ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của du khách", bà Trần Bảo Thu thông tin.
Trong thời gian tới, tâm lý lo lắng và e ngại lây lan dịch bệnh của du khách có thể sẽ còn làm lượng khách inbound và outbound Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng hơn. Và như vậy, rất khó để hoàn thành mục tiêu 20,5 triệu khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2020 nếu dịch bệnh không được kiểm soát nhanh chóng và chúng ta chần chừ trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ, kích cầu./.