Các DN bàn giải pháp thu hút trở lại khách du lịch Trung Quốc
VOV.VN - Các cấp ngành cần đưa ra quy chế chặt chẽ trong quản lý hoạt động du lịch; chấn chỉnh các hoạt động sai pháp luật trong phục vụ khách Trung Quốc, tạo ấn tượng tốt nhất, đảm bảo phát triển bền vững thị trường.
Làm thế nào để thu hút khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam, ngay sau khi quốc gia này điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1. Đây là chủ đề được bàn thảo tại hội nghị “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc” được Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng nay (9/1).
Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn và quan trọng với nhiều nước trên thế giới. Năm 2019, trên 155 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài với mức chi tiêu 255 tỷ USD. Riêng tại Việt Nam, trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, có khoảng 5,8 triệu lượt du khách Trung Quốc (tương đương 30% khách quốc tế) và Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc.
Sau gần 3 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, ngày 15/3, Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch và lượng khách nội địa đạt trên 101 triệu lượt, tăng 19% so năm 2019. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới đạt 3,6 triệu lượt.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đánh giá, năng lực đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam còn rất lớn. "Việc đầu tiên ngành du lịch cần làm là đưa ra các giải pháp cấp bách, để sớm thu hút khách Trung Quốc tới Việt Nam và đưa ra quy chế chặt chẽ, quản lý hoạt động này; chấn chỉnh các hoạt động sai pháp luật trong phục vụ khách Trung Quốc, tạo ấn tượng tốt nhất, đảm bảo phát triển bền vững thị trường", ông Bình khuyến cáo.
Dù vậy, nhiều DN đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế của việc đón khách Trung Quốc, như tình trạng tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng) núp bóng kinh doanh, thậm chí là có không ít vụ lừa đảo du khách đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam.
"Hiệp hội du lịch Việt Nam có báo cáo đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm mô hình quản lý đặc thù, quản lý DN tham gia đón khách Trung Quốc trong 3 năm để đảm bảo quy củ. Đề nghị hình thành nhóm các DN đón khách có quy chế, cơ chế quản lý, đảm bảo tổ chức chặt chẽ, nếu đơn vị nào vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định", ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh kiến nghị.
Các DN mong muốn có thể kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá và làm việc trực tiếp với các đơn vị lữ hành có uy tín của Trung Quốc để cùng thống nhất, khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch và trao đổi các điều khoản, đảm bảo quyền lợi của du khách khi du lịch tại Việt Nam.
Đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát mặt bằng giá dịch vụ tại Việt Nam, đảm bảo sự công bằng cho các DN Việt Nam; kiểm soát về du lịch 0 đồng, giá rẻ, trốn thuế bằng cách trả tiền thẳng về máy giao dịch online ở Trung Quốc dẫn tới thất thu thuế không đảm bảo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Để chuẩn bị mọi điều kiện đáp ứng tốt khi lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng trở lại, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam đề nghị các địa phương, DN cần quan tâm điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh; điều chỉnh các tuyến vận tải đường bộ, đường không và đường thủy; rà soát cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ, nhất là nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
"Để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là vai trò của Liên kết của các Hiệp hội, của DN du lịch để có tiếng nói khắc phục hạn chế, bất cập mà từ thị trường khách du lịch vừa nêu", ông Khánh lưu ý.
Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1, là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm. Đây là cơ hội để các DN du lịch khôi phục các thị trường truyền thống, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023./.