Vườn dâu Cái Tàu - "của hiếm" còn lại ở vùng đất U Minh hạ
VOV.VN - Ngày xưa hai bên sông Cái Tàu, đoạn đi qua xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, Cà Mau) nhà nhà trồng dâu. Đến nay, một số ít hộ dân còn duy trì hoặc khôi phục lại vườn dâu để phát triển du lịch. Cây dâu Cái Tàu trở thành sản phẩm du lịch lạ mắt với các bạn trẻ, còn với những người lớn tuổi đây còn là nơi để họ nhớ kỷ niệm xưa.
Vườn dâu Rừng Nhớ của bà Bùi Thị Diễm Trang (ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) bắt đầu mở cửa phục vụ khách tham quan vào ngày 30/4 vừa qua. Bà Trang chỉ cắm 1 chiếc biển nhỏ có tên Vườn dâu Rừng Nhớ ven tuyến lộ U Minh - Cà Mau để khách biết ghé tham quan; mà mấy ngày qua đã có khoảng 400 khách đến.
Bà Trang duy trì vườn dâu Cái Tàu 60 gốc từ năm 2004 đến nay và chưa bao giờ sợ vắng khách. Năm nào đông thì qua dịp nghỉ lễ 30/4 là bán hết dâu, năm ít khách thì vườn dâu của bà cũng sẽ hết trái sau đó khoảng 1 tháng. Gia đình bà đang bán vé 30.000 đồng cho mỗi người vào tham quan, dâu bán mang về cũng có giá 30.000 đồng/kg. Ước tính vườn dâu sẽ giúp gia đình bà có nguồn thu khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Thời điểm gia đình bà Diễm Trang quyết định trồng dâu, người dân U Minh đang chuyển đổi nuôi tôm. Bốn chung quanh là nước mặn nhưng với định hướng giữ nét đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, gia đình kiên quyết giữ vườn dâu Cái Tàu.
Bà Bùi Thị Diễm Trang rất tự hào khi vườn dâu của gia đình mình dần trở thành "của hiếm" còn lại ở vùng đất U Minh hạ và du khách khi đến tham quan cũng rất thích thú: "Dâu nó lẹo trái hết, giống như trên mấy cây đó vậy. Dâu chín vàng rực luôn đó. Có những người vô tham quan, cái họ chạy đi kiếm chủ vườn. Họ đòi tôi ra vườn dâu để giải thích cho họ, tại sao đi từ ngoài Cà Mau vô thấy nước mặn, nuôi tôm nhiều vậy mà ở đây vẫn giữ được vườn xanh tươi, trù phú. Họ cảm thấy lạ và kêu mình phải giải thích tại sao làm được. Tôi duy trì vườn dâu để làm kinh tế và phát triển vùng quê mình lên".
Tại xã Nguyễn Phích xa xưa dâu được nhà nhà, người người trồng ven theo sông Cái Tàu. Loại dâu được người dân địa phương mang từ ngoài đảo về trồng trở lên phổ biển đến mức, không biết từ bao giờ nó gắn liền luôn với địa danh của dòng sông Cái Tàu thơ mộng. Theo sự phát triển, đến khoảng những năm 2000, người dân phá bỏ vườn dâu Cái Tàu ngày càng nhiều để thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn có những nông hộ quyết giữ lấy nét xưa, giữ cây dâu Cái Tàu. Bên cạnh đó, cũng có những hộ dân làm du lịch cộng đồng, phục hồi lại vườn dâu để thu hút du khách.
Ở điểm du lịch sinh thái Ba Liêm (ấp 10, xã Nguyễn Phích) đang có vườn dâu khoảng 200 gốc. Vườn dâu mới được ông Ba Liêm khôi phục lại mấy năm nay, trong đó, có nhiều cây dâu bản địa được giữ lại để phục vụ khách tham quan. Trong vườn của gia đình ông Ba Liêm có đa dạng các loại cây, nhưng vườn dâu nói chung, cây dâu Cái Tàu nói riêng luôn có một sức hút đặc biệt. Bởi, cây dâu Cái Tàu từng là “bầu trời kỷ niệm” của rất nhiều người gắn bó với mảnh đất này.
Ông Ba Liêm chia sẻ: "Vườn của chú ở đây người ta đến thì đúng là tìm kiếm kỷ niệm xưa. Xưa thì cây dâu gắn liền với tên Cái Tàu. Người lớn tuổi vô vườn dâu là ký ức sẽ trở lại; gia đình, ông bà, cha mẹ ở đây, nhắc lại chuyện cũ gắn liền với cây dâu. Còn những người tham gia kháng chiến khi nhắc đến vườn dâu này thì lại nhắc đến vùng đất bên sông khi xưa toàn là các vườn dâu. Cơ quan, cơ sở của cách mạng ở bên đó. Người dân trồng dâu ở đây che chở, giúp đỡ cho những người hoạt động, có rất nhiều kỷ niệm để nhắc lại".
Còn với những bạn trẻ, kể cả những người ở Cà Mau, vườn dâu vẫn rất xa lạ và sẽ luôn là một điều rất đáng trải nghiệm. Bạn Nguyễn Gia Huy, ở TP Cà Mau vào tham quan vườn dâu Ba Liêm vào dịp nghỉ lễ vừa qua bày tỏ: "Thấy không gian trong vườn mát mẻ, cây xanh nhiều. Vô tới đây dâu sum suê, bắt mắt nên thích thú. Không khí thì mát mẻ hơn ở thành phố rất nhiều. Em thấy trên Facebook đang có mùa dâu nên xuống đây coi thử. Đó giờ mua chợ về ăn chứ chưa thấy cây dâu làm sao, vô mới biết, nhìn thì thấy nhiều trái thích mắt, ăn thì cũng khá ngọt".
Trên địa bàn xã Nguyễn Phích hiện còn 4 vườn dâu được duy trì với diện tích khá lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Nhận thấy lợi thế, giá trị truyền thống của cây dâu bản địa, chính quyền địa phương cũng quan tâm và khuyến khích người dân duy trì, phục hồi vườn dâu để làm du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Gil, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích cho biết: "Vườn dâu thì đã qua nhiều đời, việc trồng và chăm sóc thì bà con có kinh nghiệm. Đối với thổ nhưỡng ở đây cũng rất phù hợp, cho trái tốt. Người dân địa phương thì tích cực phát triển để xây dựng thành các điểm tham quan, du lịch cộng đồng. Từ nhu cầu của bà con, xã cũng thực hiện một số chính sách liên kết, tổ chức, mở các lớp tập huấn cho bà con. Chúng tôi xác định, vườn dâu Cái Tàu là một sản phẩm du lịch trọng tâm để khai thác trong các điểm du lịch".
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện U Minh, "thời hoàng kim" của dâu Cái Tàu vào khoảng năm 1990 trở về trước. Ở xã Nguyễn Phích, đoạn từ ấp 1 đến ấp 6 hầu như nhà nào cũng trồng dâu. Có những hộ dân trồng đến vài trăm gốc, sản lượng hàng chục tấn trái mỗi năm. Đặc trưng, của dâu Cái Tàu là trái lớn, mỏng vỏ, mọng nước, vị ngọt, chua nhẹ, khi chín nó có màu vàng trông rất đẹp mắt. Dâu Cái Tàu trổ bông vào cuối mùa Đông và thường chín vào đúng dịp lễ 30/4 – 1/5 hằng năm. Các chủ vườn địa phương cũng tận dụng dịp này để mở dịch vụ cho người dân đến tham quan, du lịch./.