Thứ Ba, 12:00, 14/07/2020
Chinh phục suối Cửa Tử - cung đường trekking hấp dẫn ở Thái Nguyên
VOV.VN - Cửa Tử là một điểm đến xứng đáng đưa vào danh sách phải chinh phục nếu như bạn là người yêu thích trekking.
Mặc dù dịch vụ du lịch ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi có con suối Cửa Tử chảy qua, chưa phát triển. Nhưng sự hoang sơ của rừng núi, ghềnh thác và bao thử thách, khó khăn để đi hết cung đường này vẫn luôn thu hút những bạn trẻ ưa mạo hiểm, thích khám phá khắp mọi miền tìm về. |
Cửa Tử là một dòng suối nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45 km, thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, chảy từ dãy Tam Đảo xuống, dọc theo chiều dài của xã rồi đổ vào sông Công. |
Có nhiều cách lý giải khác nhau về cái tên Cửa Tử, mỗi người tin một câu chuyện. Một phiên bản là bộ đội địa phương đã dùng kế đánh giặc của người xưa, nhử địch đi ngược dòng suối Cái, cảnh đẹp của núi rừng nơi Cửa Tử đã làm cho kẻ thù xao nhãng mà quên đi nhiệm vụ và bộ đội ta thừa cơ tiêu diệt, lập bao chiến công nơi Cửa Tử này. |
Những người mộng mơ lại thích câu chuyện tình lãng mạn, thủy chung của một đôi trai gái từ thời phong kiến đã thề nguyền bên nhau. Họ đã nắm tay, cùng đi ngược dòng suối Cái, trèo qua những tảng đá to, đi mãi vào nơi núi rừng hoang vu bên dòng suối mát, mặc cho người đời ngăn cản, can ngăn: “Chúng bay vào đó chỉ có đường tử”... |
Đi hết con đường qua những đồi chè của Hoàng Nông là tới Cửa Tử 1. Chỉ có duy nhất một lối vào như thế. Cửa Tử 1 là một vũng nước dài, sâu, nước lạnh và trong chảy giữa hai bên vách đá. |
Đường đi đến Cửa Tử 1 khá dễ dàng, phù hợp cho các bạn thích picnic, cắm trại. Vì vậy, đây là điểm đến yêu thích của nhiều nhóm bạn trẻ dịp cuối tuần. |
Mùa hè là mùa lý tưởng nhưng cũng ẩn chứa nguy hiểm khi chinh phục Cửa Tử nếu gặp trời mưa. Cửa Tử hiền hòa, suối nước trong vắt nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi, nhưng càng đi vào sâu trong rừng nước càng chảy xiết, những tảng đá cũng trở nên trơn trượt hơn. |
Từ Cửa Tử 2 đến Cửa Tử 7 ít người khám phá bởi chặng đường này dành cho những người thích mạo hiểm. |
Đoàn chúng tôi xuất phát lúc 8h sáng để chinh phục được 3 cửa trong một ngày. Vì hôm trước trời mưa, đường rừng rậm rạp, trơn trượt và ẩm ướt. Quá trình băng rừng, vượt thác luôn có người dẫn đường vừa đảm bảo an toàn, vừa được hướng dẫn cụ thể đường đi một cách cẩn thận nhất. |
Gần trưa, chúng tôi gặp thác máng nằm giữa Cửa Tử 2 và Cửa Tử 3, là máng trượt bằng đá do nước chảy đá mòn ngàn năm tạo thành. Sau khi trượt nước thỏa thích, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong Cửa 3, gặp các thác nước dội từ trên cao tung bọt trắng xóa. Xung quanh, trên những vách đá rêu phong phủ kín, những thân cây rừng bám rễ chằng chịt. |
Sau một đoạn đường khá dài, Cửa 3 là nơi nghỉ chân, đắm mình trong làn nước mát và thỏa thích bơi lội, nô đùa. |
Từ Cửa 3, chúng tôi quay trở ra một đường khác để trở lại Cửa Tử 2, dừng chân tại một con thác cao hơn 10m được. Vì được hướng dẫn, đầy đủ áo phao, tất cả thành viên trong đoàn đều mạnh dạn nhảy thác từ độ cao 7m. |
Ở rừng Cửa Tử, mỗi một ngọn cỏ đều vươn mình đón nắng, một nhành gỗ mục vẫn nở thành những chùm hoa. |
Ở nơi đây không có những ồn ào, bụi bặm của những chiều tan tầm đông đúc. |
Cửa Tử chỉ có hương thơm của cỏ cây, hoa rừng bên dòng suối mát lành. |
Với quãng đường khoảng 30km từ Cửa Tử 1 lên đỉnh cao nhất của dãy Tam Đảo (1590m) qua đủ 7 cửa, chúng tôi có một lời hẹn quay lại chinh phục cung đường này vào ngày gần nhất./. |