Chồng chéo trong quản lý khu du lịch quốc gia
VOV.VN - Hôm nay (24/10), tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né, thành phố Phan Thiết, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia”.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né được biết đến với tài nguyên du lịch đặc sắc. Nổi bật là đồi cát Mũi Né trải dài, rộng lớn, trở thành biểu tượng của vùng đất Bình Thuận; các bãi biển đẹp gắn với thương hiệu “biển xanh - cát trắng - nắng vàng”; hệ thống di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống gắn liền cuộc sống bình dị của ngư dân làng chài ven biển; giá trị văn hóa ẩm thực với hương vị đặc trưng của biển.
Hiện nay, Mũi Né đã trở thành điểm đến du lịch có thương hiệu của Việt Nam. Trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại khu du lịch quốc gia Mũi Né không ngừng phát triển, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm về khách du lịch, 27%/năm tổng thu từ khách du lịch. Lũy kế đến nay khu du lịch quốc gia Mũi Né có 195 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 28.582 tỷ đồng, 112 dự án đã đi vào hoạt động. Phấn đấu đến năm 2030, đưa khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trên ranh giới hành chính của 3 huyện, thành phố, trải dài theo dải đất ven biển từ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết; có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 ha. Hàng năm khu du lịch quốc gia Mũi Né đón từ 75-80% trên tổng số lượt du khách nội địa và 90-95% trên tổng số lượt du khách quốc tế đến Bình Thuận.
Hiện cả nước có 49 khu du lịch tiềm năng có thể quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia. Trong đó, đã có 22 khu du lịch được lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và đã được phê duyệt. Đến nay, đã có 5 khu du lịch chính thức có quyết định được công nhận là khu du lịch quốc gia (Sa Pa, Trà Cổ, Hồ Tuyền Lâm, Núi Sam, Mũi Né).
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, mỗi mô hình đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Một số mô hình đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động du lịch. Tuy nhiên, một số mô hình hiện nay còn chưa xác định được chức năng, quyền hạn hoặc bị chồng chéo trong quá trình quản lý gây ra những khó khăn nhất định.
Nhiều khu du lịch quốc gia chưa thành lập Ban quản lý chuyên ngành riêng, hoạt động theo (một hoặc một vài) mô hình quản lý chung; công tác quản lý được giao cho nhiều cấp khác nhau như UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Sở chuyên ngành (Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ban quản lý Vườn quốc gia, Ban quản lý di tích… Chính vì vậy, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tính chuyên nghiệp, còn xung đột lợi ích giữa các cấp, các ngành;...
Tình trạng vướng mắc, chồng chéo trong công tác quản lý còn diễn ra ở hầu hết các khu du lịch quốc gia. Cụ thể: sự chồng chéo giữa quản lý hành chính với quản lý du lịch; giữa quản lý ngành du lịch với các ngành khác, lĩnh vực khác như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp - nông thôn, quản lý di sản, quản lý vườn quốc gia...
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hoà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: "Các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án biển các khu vực như là Hoà Thắng, Hoà Phú, rồi các khu vực phía Nam ven biển có khá nhiều dự án lớn bị vướng titan, chồng lấn với quy hoạch khai thác titan, Hiện nay, tỉnh cũng đang ráo riết làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan liên quan kể cả Bộ Công thương để tháo gỡ vấn đề này".
Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận là khu du lịch quốc gia./.