Chuyện về cư dân đầm phá

Bản chất ngay thẳng, phóng khoáng, bộc trực của người quen “ăn sóng, nói gió” là điều dễ nhận thấy khi tiếp xúc với cư dân vạn đò nơi phá Tam Giang

Hiện nay, một số lễ tục độc đáo của cư dân đầm phá xưa không còn nữa. Dân vạn đò đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) bây giờ sống tập thể, có tình làng nghĩa xóm, không còn cảnh lẻ loi “thuyền ai nấy biết”. Nhiều vạn đò lên bờ định cư, xây dựng nhà thờ họ, đình làng khang trang… Dù vậy, bản sắc văn hóa của người đầm phá vẫn giữ sự dị biệt khá nhiều.

Lễ thôi nôi độc đáo

Muốn sinh nhiều con, rất quý con trai, là tập tục lâu đời của người dân đầm phá. Phải là người trong cuộc, mới hiểu vì sao họ sinh đẻ nhiều thế! Là bởi ngày đêm, họ thường trực đối mặt với giông tố, bão bùng hung hiểm có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Trên đầm phá mênh mông, con thuyền nhỏ bé nào khác gì chiếc lá giữa dòng. Nếu trong gia đình không có những người lao động khỏe, dạn dĩ với sông nước, thì làm sao sống còn?

Vì thế, Lễ "thôi nôi" cho con trai được họ tổ chức rất long trọng. Theo tục lệ, hai vợ chồng đứng đầu mũi thuyền, chuyền tay nhau đứa con trai vừa đầy tuổi, hai chân đứa bé buộc hai viên đá nhỏ. Họ nâng đứa bé lên giữa khoảng không trời nước rồi hạ xuống chạm lòng thuyền bảy lần. Khói hương nghi ngút, họ cùng hát khấn Thần Đầm theo nhịp gõ vào mạn thuyền của một thành viên trong gia đình “Lạy trời đất gọn, hô!/ Lạy Nữ Thần ràng, huậy!/ Một cậu cua càng, hô!/ Hai cô cá buộc, huậy!/ Chứng lòng vạn thuộc, hô!/ Cho chú trai giòng, huậy!/ Nhập lòng Hà Bá/ Làm con Hà Bá, hô! Hô huầy Hô huậy!”.

Những con thuyền, nhà chồ và nò sáo trên phá Tam Giang- Cầu Hai (Thừa- Thiên Huế)

Sau tiếng Hô huầy, Hô huậy, cha mẹ cùng buông tay, đứa bé rơi tõm xuống đầm, người cha lập tức nhảy theo. Chờ con rơi xuống chạm đáy, người cha ôm lấy con ngoi lên, bơi trở về thuyền. Trong lễ thôi nôi, mẹ phải tự tay thả con xuống đầm, người cha thì phải vốc được một nắm bùn bôi lên bụng con, xong mới được vớt con lên. Người dân đầm phá tin như vậy con mình sẽ được "Thần đầm" che chở.

Giữ gìn bản sắc

Cuộc sống đổi thay, nhưng bản sắc văn hóa của người đầm phá vẫn không khác xưa nhiều. Khách lên thuyền không được đặt cây tre, gỗ, đòn gánh dựng đứng vì đó là điềm xui, họ sợ thủng thuyền. Phụ nữ không bao giờ được ngồi đằng mũi thuyền, chỉ được ngồi giữa thuyền (hay trong khoang thuyền nếu như có mui). Mũi thuyền là vị trí đặc biệt chỉ dành cho đàn ông. Vào thăm nhà chồ của họ, phụ nữ chỉ được phép ngồi hai chái bên, tuyệt đối không ngồi căn giữa, trước bàn thờ của gia đình.

Nói với họ, khách phải kiêng cữ, không nói những từ “chìm, đắm, lật, trôi” nếu không chủ nhà sẽ bực mình. Khi trò chuyện, gia chủ thường nói lệch tên của ông bà tổ tiên, tỷ dụ như đan lưới nói là đan lái, sáng chói là sáng chới, khách nên bắt chước, đừng nói phạm vào những từ húy kỵ ấy.

Dù thân tình đến đâu, với dân vạn đò, không được hỏi họ có bao nhiêu con cháu, vì họ sợ thủy thần biết họ “giàu” con, sẽ “bắt” vài đứa về chầu Hà Bá. Ăn cá không được dùng đũa lật con cá mà phải để vậy, gắp bỏ xương, rồi ăn phần còn lại, vì họ bị ám ảnh chuyện lật thuyền. Lúc ăn uống, tuyệt đối không được chống đũa trên mâm.

Hồn đất, tình người

Dân đầm phá cực kỳ hiếu khách, nhưng đến chơi phải nghiêm túc, không được chọc ghẹo tán tỉnh phụ nữ trong vạn đò của họ, nếu không sẽ bị đàn ông, trai tráng vạn đò tẩy chay ngay. Muốn thăm vạn đò nên tránh những ngày có trăng sáng, vì thời kỳ ấy việc đánh bắt thủy hải sản rất “hèn” (là ít có tôm cá), họ sẽ khó chịu vì không biết lấy gì thết đãi khách.

Khách quý đối với dân đầm phá là những người biết hát hò, văn nghệ, uống rượu giỏi càng tốt. Khách uống say, đối với họ là người thực tình đáng mến. Uống bia hay rượu, họ luôn thích dùng một cái cốc duy nhất, rót đầy, xoay vòng quanh bàn tiệc, để bày tỏ sự chan hòa, bình đẳng. Lúc chia tay, khi họ biếu một món quà do họ sản xuất ra (cá, tôm, mắm), khách phải vui vẻ nhận lấy. Nếu từ chối, chủ nhà rất buồn vì như vậy là mất “may xưa” (may mắn). Nếu khách móc túi trả tiền sòng phẳng, chủ nhà càng giận, không tiếp đón lần sau nữa, vì theo họ vị khách ấy không thật tình với mình.

Hiện nay, cuộc sống của dân đầm phá ổn định nhiều. Đa phần đã lên bờ lập thành thôn xóm, sinh hoạt không còn khác biệt với dân trên đất liền. Song dân đầm phá vẫn giữ bản chất ngay thẳng, phóng khoáng, bộc trực của người quen “ăn sóng, nói gió”. Đánh bắt trúng mùa, họ dành những món ngon nhất thết đãi khách. Có tiền nhiều thì tiêu nhiều, không tiết kiệm như người dân ở đất liền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên