Đà Nẵng phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch
VOV.VN - Thành phố Đà Nẵng có hệ thống di tích văn hóa đa dạng phong phú. Những năm gần đây, thành phố dành nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo phát huy các giá trị văn hóa phục vụ du lịch. Nhiều di tích văn hóa ở Đà Nẵng trở thành điểm tham quan, trải nghiệm, sản phẩm du lịch mới lạ hấp dẫn du khách khi đến thành phố này.
Khu căn cứ cách mạng K20, ở khối phố Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là địa bàn trọng yếu để xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ngay trong lòng địch vào những năm chiến tranh. Ngày đó, nhà nào ở Đa Mặn cũng làm hầm để trú ẩn và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhà ít thì một hầm, nhiều nhà có từ 3-5 hầm dưới nền nhà, thậm chí dưới chuồng nuôi gia súc.
Năm 2010, Di tích Khu căn cứ Cách Mạng K20 được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư hơn 36 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo, di tích, trong đó phục hồi lại một số hầm công sự, đưa vào khai thác du lịch. Những căn hầm bí mật thời chiến ngày nào, nay đang hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài.
Em Hồ Diệu Thúy, học sinh trường Tiểu học Lê Lai, quận Ngũ Hành Sơn hiểu thêm về lịch sử khi tham quan những hầm bí mật này: “Hôm nay, em được đi tham quan di tích lịch sử, thích nhất là được chui xuống hầm. Em thấy rất thú vị và thích thú. Em biết được đó là nơi ông cha mình nuôi giấu cán bộ cách mạng trong chiến tranh. Em đã được học trên lớp nhưng bây giờ được trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử”.
Sau 3 năm triển khai, dự án cải tạo, nâng cấp các khối nhà 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú để làm Bảo tàng Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Dù chưa đưa vào sử dụng nhưng công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp này đã thu hút rất đông người dân, du khách đến tham quan, chụp hình. Dự án tổng mức đầu tư gần 505 tỉ đồng, khởi công từ giữa năm 2021. Sau khi hoàn thành sẽ chuyển toàn bộ hiện vật tại Bảo tàng hiện tại trên vùng lõi của Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải về đây.
Dự án này được xem là bước đột phá về đầu tư cho lĩnh vực văn hóa có giá trị kép, vừa tạo thêm điểm nhấn kiến trúc, điểm trưng bày bảo tàng và tham quan mới vừa trả lại không gian xưa cho Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải. Công trình này là một di tích lịch sử chứng kiến biết bao thăng trầm của đất và người Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Đình Phước Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng hy vọng, sau khi hoàn thành, Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ là điểm giáo dục truyền thống lịch sử, tham quan, du lịch hấp dẫn của thành phố.
“Tất cả các di tích lịch sử văn hóa đã được sếp hạng đều được lãnh đạo thành phố quan tâm trung tu, tôn tạo, phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa và phát triển du lịch. Đồng thời, Bảo tàng Đà Nẵng cũng xây dựng chương trình hành trình đến với di tích, tổ chức các khóa học ngoại khóa tìm hiểu lịch sử văn hóa tại các di tích. Các em học sinh khi tham gia học ngoại khóa cũng rất thích thú”, ông Thiện nói thêm.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt là thành Điện Hải và danh thắng Ngũ Hành Sơn. Mới đây, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi danh ma nhai (văn tự được khắc lên vách đá) Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới. Đà Nẵng còn có cả trăm di tích các cấp, nhiều hiện vật là bảo vật quốc gia và nhiều di sản văn hóa phi vật thể như Nghệ thuật Bài Chòi, Lễ hội Cầu ngư, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng và Văn hóa cộng đồng người Cơ Tu.
Từ năm 2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025” lấy việc bảo tồn di sản văn hóa bền vững gắn với phát triển du lịch làm trọng điểm đang là vấn đề hết sức cấp thiết, mang tính chiến lược lâu dài, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố cũng đang triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.
Ông Phạm Tấn Xử - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cho rằng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định bản sắc văn hóa mảnh đất và con người Đà Nẵng hiện đại: “Văn hóa được đầu tư đúng mức và có trọng tâm, trọng điểm. Từ năm 2019 đến nay, thành phố đầu tư rất lớn cho ngành văn hóa, riêng năm 2023 chúng tôi đề xuất 13 công trình được thành phố duyệt. Đây là sự quan tâm rất lớn của thành phố. Đặc biệt, công trình bảo tàng số 42 Bạch Đằng có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, được nhân dân thành phố và du khách đánh giá cao. Sắp tới bảo tàng hoàn thành, đây sẽ là nơi du khách đến tham quan rất đông”./.