Đắk Lắk chỉ đạt doanh thu 3.700 tỷ sau 5 năm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hạn chế trong đầu tư cùng nhiều chồng chéo và bất cập, Đăk Lăk đã không đạt được mục tiêu đề ra sau 5 năm thực hiện chương trình của tỉnh về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đây là thông tin tại hội nghị sơ kết về công tác này, do UBND tỉnh tổ chức hôm nay, (27/12).
Theo UBND tỉnh Đăk Lăk, toàn tỉnh hiện có 234 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 5 nghìn buồng phòng, tăng 16% so với năm 2017. Trong 5 năm qua, tỉnh thu hút đầu tư và triển khai 30 dự án du lịch và cơ sở vật chất phục vụ du lịch, tổng vốn 718 tỷ đồng; phân bổ hơn 376 tỷ đồng ngân sách cho 11 dự án về giao thông, thủy lợi phục vụ du lịch. Tuy nhiên, tổng lượt khách tới tỉnh giai đoạn này chỉ ước đạt gần 4 triệu người, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân năm đạt 5,3%. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong 5 năm chỉ ước đạt gần 3.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân chỉ 2,4%/1 năm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, trao đổi về thực tế triển khai phát triển du lịch tại các địa phương, nêu ra những khó khăn, bất cập trong quá trình đầu tư phát triển du lịch. Một số đại biểu cho rằng, cái khó nhất của việc phát triển du lịch tại Đăk Lăk chính là sự chồng chéo, bất cập giữa các quy định và các luật. Đây là một trong các nguyên nhân khiến cho việc thu hút đầu tư ở tỉnh trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Từ những bất cập trong du lịch canh nông ở địa phương, ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Buôn Ma Thuột nêu ý kiến: "Chúng ta xây dựng du lịch sinh thái, du lịch canh nông nhưng mà chúng ta chỉ làm đường đến đó thì người người du khách không lý lại đi bộ hoặc đi xe càng mà vào tham quan. Rồi nắng, chẳng có là vào một hàng cây nào đó mát để nghỉ. Thì phải có khu lưu trú, khu đón tiếp, khu trưng bày sản phẩm, khu đậu xe và khi người ta muốn thưởng thức sản phẩm ở đó thì phải có khu để thử, chứ mà chỉ đến đó là du lịch xong mà về thì tiêu thụ sản phẩm muốn làm sâu sắc thêm thì rất khó".
Để cải thiện kinh tế du lịch tại địa phương, hội nghị đã đưa ra 8 giải pháp trong giai đoạn tiếp theo, tập trung vào các nội dung về tuyên truyền đổi mới nhận thức người dân về phát triển du lịch; tiếp tục tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch; hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực…. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho rằng: "8 giải pháp đó phải đi song hành với nhau. Giải pháp đầu tiên đó là đổi mới tư duy thì các cấp, các ngành và toàn thể xã hội phải nhận thức đúng, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, phát triển cùng với các ngành khác cùng phát triển. Như vậy mới có sự ưu tiên tập trung vào cho sự phát triển của ngành du lịch. Khi mà du lịch phát triển thì nó sẽ kéo theo tất cả các ngành, về vận chuyển, về mua sắm, về ăn uống, lưu trú chẳng hạn"./.