Điều gì cản trở TP.HCM phát triển du lịch đường sông?
VOV.VN - Nhằm tạo sự bứt phá cho ngành du lịch, một trong những giải pháp mà TP.HCM đang đẩy mạnh là phát huy du lịch đường thủy. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại để sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Những dấu hiệu khởi sắc
TP.HCM có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đường thủy vì có 2 sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua cùng với hệ thống sông nhỏ, kênh rạch lên tới 1.000km. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, du lịch đường thủy đang được chính quyền TP.HCM và nhiều doanh nghiệp tái khởi động, đầu tư nhằm làm đa dạng sản phẩm du lịch, tăng sức hút với du khách. Ngay trong giai đoạn “bình thường mới”, tuyến tàu buýt đường sông Saigon Waterbus được quảng bá mạnh mẽ hơn, cùng với việc khánh thành công viên Bến Bạch Đằng đã tạo nên điểm nhấn cho du lịch đường thủy của TP.HCM. Các du thuyền phục vụ khách ngắm thành phố về đêm cũng bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
Ông An Sơn Lâm – Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương cho biết nhờ công tác chỉnh trang đô thị, cảnh quan hai bên bờ sông ngày một hoàn thiện, khang trang làm tăng thêm sức hút cho tour du thuyền trên sông Sài Gòn. "Thị trường du lịch đường sông tại TP.HCM đã khởi sắc trở lại. Chúng tôi đã tôn tạo, nâng cấp nội thất cũng như các dịch vụ trên tàu, ví dụ như có biểu diễn âm nhạc dân tộc kết hợp nhạc hiện đại trên tàu. Khách đi tàu không chỉ ăn tối mà còn được thưởng thức âm nhạc, ngắm cảnh hai bên bờ sông. TP.HCM mỗi ngày lại đẹp hơn, lung linh hơn so với các năm trước nhiều và đó là một thế mạnh để hấp dẫn khách du lịch”.
Không chỉ khởi động lại các sản phẩm vốn có, nhiều công ty còn tung ra những sản phẩm du lịch đường thủy mới. Trong đó, công ty TST Tourist mới giới thiệu 2 sản phẩm “Thủ Đức – thành phố bên dòng sông xanh” và tour du thuyền cao cấp “Ngắm Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông”.
Ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc Truyền thông Marketing của TST Tourist đánh giá: “Chúng tôi chọn dòng sông để phát triển sản phẩm, vì sông Sài Gòn có ý nghĩa rất quan trọng, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. TP.HCM có hệ thống kênh rạch phức tạp, nối liền giữa các quận, huyện và sự phát triển của giao thông đường thủy không chỉ giúp cho cuộc sống dân sinh thuận tiện hơn mà còn là cơ hội để kết nối du lịch giữa các quận, huyện và tạo ra những sản phẩm độc đáo”.
Vẫn còn nhiều trở ngại
Việc phát triển du lịch đường thủy ở TP.HCM không phải là mới, vì vấn đề này đã được đề cập hơn 10 năm trước. Song từ đó đến nay, sản phẩm này vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng; bởi những rào cản về thủ tục, sự chồng chéo về quản lý. Đơn cử như ở khu vực cảng bến Vân Đồn, hiện nay chỉ còn 5 du thuyền nổi, giảm nhiều so với trước đây. Tại đây, các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền nhà hàng phải chịu chi phí bến bãi neo đậu và các phí dịch vụ khá cao vì được tính theo cảng biển chứ không phải cảng nội địa. Cảng bến Vân Đồn cùng lúc có sự quản lý của Cảng vụ Hàng hải và Biên phòng cửa khẩu cảng nên việc đón khách cũng khó khăn.
Bên cạnh đó, việc chưa đồng bộ về hạ tầng khiến du lịch đường thủy của TP.HCM gặp khó, điển hình như việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông quá thấp khiến tàu thuyền du lịch không thể đi qua.
Ông Phan Xuân Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, đơn vị đang vận hành và khai thác các thuyền trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho biết: “Hầu hết là cầu thấp. Cây cầu thấp nhất trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè này là cầu Trần Khánh Dư, thuyền lớn chắc chắn qua không được còn thuyền nhỏ thì mỗi lần đóng thuyền là chúng tôi phải ra đó, chờ khi con nước lớn nhất rồi đo từ mặt nước lên gầm cầu để đóng thuyền vừa đúng khung đó. Nhưng khi đúng khung đó thì độ cao chỉ còn 1,6m, người Việt đi còn đụng đầu huống gì người nước ngoài. Vừa rồi tôi đi khảo sát để phát triển sản phẩm ở Nhà Bè thì những cầu ở đây còn cực kỳ thấp, thấp đến mức thuyền không qua được nữa".
Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030” của Sở Du lịch TP.HCM, một vấn đề nữa khiến cho các doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc đầu tư phát triển du lịch đường thủy là rác thải và sự ô nhiễm của các con kênh. Mặc dù những năm gần đây TP.HCM đã tổ chức nhiều đợt nạo vét, các công ty môi trường cũng thường xuyên làm công tác dọn vệ sinh trên các tuyến kênh nhưng ý thức người dân sống ven kênh vẫn chưa được cải thiện, hiện tượng xả rác, phóng uế vẫn diễn ra khiến cho nhiều con kênh trở nên hôi thối mỗi khi nước cạn hoặc rác nổi lềnh bềnh sau những cơn mưa. Điều này gây sự phản cảm lớn cho du khách và các công ty du lịch rất khó triển khai sản phẩm
Để nâng tầm phát triển du lịch thành phố, thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – quyền Viện trưởng Viện Du lịch Xã hội cho rằng, TP.HCM nên học hỏi từ 2 mô hình đã làm rất tốt và thu lợi lớn nhiều năm qua là Singapore trong khai thác sông Singapore và Bangkok - Thái Lan trong phát triển du lịch trên sông Chao Phraya. Các thành phố này đã có quy hoạch đồng bộ từ bến neo đậu, cầu tàu cũng như xây dựng các cảnh quan, điểm đến đặc sắc trải dọc 2 bên bờ sông.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương nói: “Cần mở rộng sự phát triển hướng về phía sông Sài Gòn, cần có những khu chợ đặc trưng, khu phố đêm, khu tham quan, vui chơi, mua sắm hai bên bờ sông. Bờ sông phải thể hiện được văn hóa, sự thuận lợi và nét đẹp của một đô thị”.
Như vậy, TP.HCM có tiềm năng lớn về du lịch đường thủy nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực vẫn còn rất nhiều bài toán cần được giải và cần sự chung tay phối hợp quyết liệt, đồng bộ từ các ban ngành chứ không chỉ riêng ngành du lịch./.