Du khách Australia mong Hà Nội gìn giữ các làng nghề truyền thống
VOV.VN - Chứng kiến không ít nghề truyền thống tại Hà Nội đứng trước nguy cơ mai một, ký giả Ronan O'Connell (Australia) kỳ vọng sự phát triển của du lịch Thủ đô sẽ giúp các làng nghề hồi sinh. Trên thực tế, Hà Nội đã có kế hoạch đưa làng nghề thành các trung tâm bán hàng lưu niệm cho du khách.
Trong bài viết mới đây trên tờ SCMP, ký giả Ronan O'Connell chia sẻ những tình cảm và ấn tượng sâu sắc về các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. “Tôi đến làng Chuông, nơi người dân đã làm ra những chiếc nón lá truyền thống từ hàng trăm năm trước. Khi quan sát các nghệ nhân tại đây, tôi hiểu vì sao những chiếc nón lại chắc chắn đến vậy. Chúng gồm những lá cọ khô được đan kết chắc chắn quanh chiếc khung làm từ 16 khúc tre uốn cong”.
Ronan O'Connell cũng đến thăm làng nghề Bát Tràng, nơi hàng trăm năm qua đã làm ra những sản phẩm gốm tinh xảo và chất lượng cao. Làng nghề gốm Bát Tràng đã được đầu tư để trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội, với các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh và nhiều dân làng, nghệ nhân đã đón du khách đến trải nghiệm làm gốm.
Tuy nhiên, Ronan O'Connell chia sẻ rằng không nhiều ngôi làng trong số làng trăm làng nghề tại Thủ đô thu hút đông đảo du khách quốc tế. Các không gian sáng tạo này càng bị bó hẹp trong 2 năm qua, do đại dịch Covid-19 khiến lượng khách du lịch suy giảm, đặc biệt là khách quốc tế. “So với Bát Tràng, nhiều làng nghề khác tại Hà Nội vẫn chưa được biết đến. Ví dụ như làng Chuông chưa đón nhiều khách du lịch, khiến cho những chiếc nón khó bán hơn và các nghệ nhân ngày càng ít đi”.
UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch 73/KH-UBND về “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Theo đó từ nay đến năm 2025, Hà Nội xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết sau thời gian dài đóng băng vì đại dịch Covid-19, ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực phục hồi và các làng nghề truyền thống là một trong những sản phẩm chính để thu hút du khách. Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức nhiều sự kiện gắn với làng nghề truyền thống, quảng bá làng nghề trên mạng xã hội và tập huấn cho người dân cách thu hút du khách.
“Mỗi làng nghề tại Hà Nội đều có bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo và đậm đà bản sắc. Du khách đến thăm các làng nghề của Hà Nội không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh làng quê đặc trưng ở đồng bằng Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình; mà còn ghé thăm những cơ sở sản xuất và gặp gỡ trực tiếp với người dân địa phương, cũng như trải nghiệm một số công đoạn làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống” – phía Sở Du lịch Hà Nội cho biết.
Trong dịp SEA Games 31 vừa qua, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội đã được tổ chức nhằm quảng bá văn hóa và du lịch Hà Nội, thông qua hương vị ẩm thực và các di sản, sản phẩm làng nghề của Thủ đô. Các làng nghề truyền thống cũng được khuyến khích để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã và màu sắc, giúp làng nghề trở thành điểm mua sắm hấp dẫn hơn đối với khách du lịch.
Tới đây, Hà Nội sẽ hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng xây dựng tour, tuyến du lịch liên kết giữa các điểm, khu, cụm du lịch nông thôn nhằm bổ sung tính đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch; phát triển làng nghề và nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí, dần đưa các làng nghề trở thành các trung tâm bán hàng lưu niệm thủ công truyền thống đặc trưng hấp dẫn khách du lịch, kết hợp cung ứng trải nghiệm thực tế cho du khách qua việc tham gia các hoạt động sản xuất trực tiếp.
Ký giả Ronan O'Connell kỳ vọng sự phục hồi của ngành du lịch sẽ mang đến sức sống và tương lai tươi sáng cho hàng trăm làng nghề của Thủ đô: “Hà Nội ngày càng đông đúc bởi các khách sạn, quán cà phê hay nhà hàng, nhưng các nghệ nhân truyền thống vẫn còn ở đó… Những cộng đồng này đang gặp nhiều thách thức bởi quá trình công nghiệp hóa, nhưng họ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ du lịch. Giờ đây khi Việt Nam mở cửa chào đón khách du lịch nước ngoài, những ngôi làng truyền thống sẽ được hồi sinh. Không chỉ có cơ hội để hoạt động hết công suất, các làng nghề sẽ là những yếu tố then chốt để phát triển du lịch Hà Nội”./.