Du lịch cộng đồng ở vùng cao xoay chuyển theo Covid-19
VOV.VN - Không còn thị trường chủ lực là du khách quốc tế, nhiều bản làng du lịch cộng đồng vắng khách vì Covid-19. Đồng bào nơi đây đang phải nỗ lực thay đổi để thu hút khách nội địa.
"Sốc vì không có khách"
Loại hình du lịch cộng đồng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Hoà Bình lâu nay coi khách quốc tế là thị trường chủ đạo. Dịch Covid-19 đã cắt đứt thị trường nguồn này, các công ty đón khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) không thể mang khách tới khiến cho nhiều hộ gia đình làm du lịch cộng đồng bất ngờ, lúng túng.
Tại Hòa Bình, tính riêng các hộ dân hoạt động trong Dự án Du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc (Đà Bắc CBT), lượng khách nước ngoài hàng năm chiếm gần 70%. Năm 2020, ước tính số lượng du khách về với Đà Bắc giảm khoảng 70%, thu nhập người dân từ du lịch giảm gần 80% so với năm 2019. Có những tháng, cả 142 hộ thuộc 04 xóm chỉ đón số khách đếm trên đầu ngón tay.
Chị Tẩn Thị Su - một người Mông làm du lịch lâu năm ở Sa Pa, Lào Cai cho biết: Trước đây, các homestay chủ yếu đón khách quốc tế thông qua các công ty inbound và lượng khách khá đều. Bây giờ vì Covid-19 mà nhiều nhà vài tháng không có người khách nào. Nhiều bà con thấy 'sốc' vì chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như thế này. Nhiều nhà đầu tư cơ sở homestay mà chưa thu hồi được vốn.
"Du khách phương Tây đa phần thích các trải nghiệm đơn thuần, tự nhiên, yên tĩnh và không đòi hỏi nhiều về cơ sở vật chất hay các điểm chụp ảnh, check-in. Còn du khách Việt Nam yêu cầu cao hơn, cần hưởng thụ nhiều hơn. Sản phẩm khác nhau và thông tin quảng bá còn yếu nên nên bà con chưa đón được khách Việt" – chị Su nói.
Chị Sùng Thị Lan (Mường Hoa, Sa Pa) cho biết, trước đây các mặt hàng thổ cẩm sản xuất ra phục vu chủ yếu cho du khách quốc tế. Bây giờ người dân đang khó khăn trong việc tìm đầu ra. Ngoài ra, nhiều homestay khó đón khách nội địa, vì giường ngủ, cách bài trí, dịch vụ phục vụ khách nước ngoài đơn giản hơn. Bây giờ muốn đón khách Việt thì "coi như làm lại từ đầu", từ thay đổi cách trang trí, cách đón tiếp khách và cả cách giới thiệu nhà mình trên mạng xã hội để cho du khách biết đến.
Theo bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) nhận định, hiện nay bà con dân tộc thiểu số chưa chủ động được hoạt động, dịch vụ du lịch tại chính địa phương mình, dẫn đến sự bị động, phụ thuộc và thiếu bền vững. "Ví dụ tại Sa Pa, phần lớn hoạt động du lịch là do người địa phương khác tới kinh doanh, số người bản địa không nhiều và lợi ích lưu lại không lớn. Người dân cần được hỗ trợ để làm chủ cộng đồng của mình và xây dựng những mô hình du lịch phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách" - bà Phạm Kiều Oanh nói.
Tìm hướng đi mới
Mới đây, CSIP phối hợp với Quỹ Toyota tổ chức hội thảo “Du lịch cộng đồng - Nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận thị trường - Trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thái Lan” nhằm nâng cao năng lực cho những đơn vị, cá nhân làm du lịch cộng đồng, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Đây là dịp để bà con dân tộc thiểu số tìm hiểu thêm về việc làm mới sản phẩm, cách tiếp thị và học hỏi kinh nghiệm của các mô hình khác.
Về sản phẩm, dịch vụ cho du lịch cộng đồng, theo PGS. TS Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), dù là du khách quốc tế hay du khách nội địa, khi lựa chọn loại hình du lịch homestay đều luôn muốn "cảm giác được về nhà". Ở đó, du khách có người trò chuyện cùng, có chỗ nghỉ ngơi thoải mái như trong gia đình và cho phép họ được vô tư, vô lo, bình tâm sống chậm. Đây là bài toán quan trọng nhất mà bà con phải lưu ý.
Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Thị Bích Huệ (Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ: "Các homestay hãy quảng bá những gì mình có, cách mình bảo vệ môi trường như thế nào, ở đây cuộc sống khó khăn và người dân sinh hoạt ra sao… Quan trọng nhất của du lịch homestay là khách cảm thấy như nhà của họ, được ở, được làm cùng với cộng đồng. Hãy tạo một cái nhà để khách đến, tạo một môi trường để họ cảm thấy có trách nhiệm, tạo những nguyên tắc để họ làm theo, thay vì sự chờ đợi, bị động như hiện nay".
Bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc CSIP cho rằng, trước đây bà con chiều theo khách hàng quốc tế và trở nên bị động, phụ thuộc vào công ty du lịch; bây giờ là lúc để xây dựng một sản phẩm cốt lõi, đúng chuẩn: "Trước đây nhiều nơi 'đẽo cày giữa đường' nên không có sản phẩm hoàn chỉnh. Một sản phẩm chuẩn thì không cần phải điều chỉnh nhiều, giảm bớt sự 'chao đảo' khi thay đổi đối tượng khách hàng. Nhiều yếu tố có thể cố định được, như về đón tiếp, phục vụ, vệ sinh, vận chuyển và cập nhật thêm quy trình an toàn phòng chống Covid-19; sau đó lắng nghe thêm khách hàng để có sản phẩm giá trị, độc đáo và mang bản sắc riêng của mình".
Trước mắt, trong thời điểm ít khách, chị Tẩn Thị Su vận động mọi người sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị tốt hơn để phục vụ khách Việt: "Chúng tôi không thay đổi hoàn toàn mà thay đổi có hiệu quả, để có thể phục vụ cả khách nội địa, khách quốc tế. Trước mắt với khách Việt, chúng tôi tăng thêm các dịch vụ, cung cấp thêm nông sản, nấu nhiều món ngon hơn, trang trí nhà đẹp hơn, tạo 'view' đẹp hơn và thêm không gian để chụp ảnh, check-in… Sa Pa vẫn có nhiều sản phẩm, điểm đẹp để thu hút khách Việt".
Ngoài ra, giai đoạn này cũng là "quãng nghỉ" cần thiết để bà con tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bổ sung kiến thức về làm du lịch. Một số doanh nghiệp xã hội Sapa O'Chau (Lào Cai) hay Đà Bắc CBT (Hòa Bình) tổ chức các lớp hướng dẫn người dân về quy trình phòng tránh dịch Covid-19, dạy tiếng Anh, trau dồi kiến thức, kỹ năng để phục vụ du khách và tiếp thị sản phẩm tốt hơn trên mạng xã hội Facebook, Tiktok…
Bà con dân tộc thiểu số kỳ vọng nhận được thêm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị để bổ túc nghề nghiệp, quảng bá điểm đến và tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công, nông sản. "Hi vọng thay đổi sẽ đón thêm nhiều khách Việt, thêm thu nhập để cho cuộc sống ổn định hơn" - chị Sùng Thị Lan chia sẻ./.