Du lịch Quảng Ninh cần bộ nhận diện thương hiệu gắn với chuyển đổi số
VOV.VN - Quảng Ninh cần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch riêng gắn với chuyển đổi số và văn hóa địa phương, phải tạo được sức lan tỏa “Toàn dân đoàn kết xây dựng môi trường du lịch Quảng Ninh an toàn, thân thiện” để mỗi người dân trở thành một đại sứ du lịch cho tỉnh.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai một hội nghị phát triển du lịch, ngay sau Hội nghị du lịch toàn quốc năm 2023, cho thấy quyết tâm rất lớn của địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển du lịch bền vững như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Có vị trí địa lý đặc biệt, Quảng Ninh được ví như "Việt Nam thu nhỏ" với nhiều tiềm năng, lợi thế như đường cao tốc, cảng biển, sân bay… Năm 2013, Quảng Ninh đã triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm nền tảng cho công tác hoạch định chính sách, thu hút đầu tư vào du lịch. Đây là những bước đi bài bản và chuyên nghiệp giúp du lịch Quảng Ninh gặt hái thành công trong những năm qua.
Năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đứng top 3 địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội, đứng thứ 8 toàn quốc về lượng khách nội địa. Về chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam (được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), Quảng Ninh xếp hạng 2, sau Đà Nẵng.
Để du lịch Quảng Ninh tiếp tục phát triển, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch lưu ý địa phương cần nhạy bén hơn nữa trong nắm bắt xu hướng và nhu cầu du lịch sau đại dịch Covid-19: "Mặc dù Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong phát triển sản phẩm nhưng với tiềm năng, lợi thế như Quảng Ninh được ví như 'một Việt Nam thu nhỏ' thì sản phẩm chưa thật sự tương xứng. Vì vậy Quảng Ninh đang loay hoay với bài toán khách du lịch đến đây mới lưu trú từ 1 đến 2 đêm mà chưa lưu trú dài ngày, vì không có sản phẩm để giữ chân du khách".
Hướng tới thu hút 15 triệu lượt khách trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, Quảng Ninh sẽ tổ chức 136 sự kiện, hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao, thương mại... tạo sức hút mới cho du lịch địa phương. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc đưa ra các hoạt động bề nổi, Quảng Ninh cần chú trọng đầu tư để phát huy các thế mạnh của hệ thống hạ tầng giao thông sẵn có.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ: "Để có được nhiều chuyến bay quốc tế tới Quảng Ninh cần tập trung để các hãng bay có thể mở chuyến bay thẳng từ Quảng Ninh tới các nước, các thị trường khách lớn mà chúng ta đầu tư. Cũng cần tạo chính sách để hỗ trợ cho chính người dân Quảng Ninh đi du lịch nước ngoài trên các chuyến bay được khởi hành từ Quảng Ninh".
Quảng Ninh đã tìm ra nhiều giải pháp để thu hút du khách và trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới, như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá: Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh cần có định hướng mới, phù hợp theo hướng "Sản phẩm du lịch phải đặc sắc, chất lượng cao, điểm đến an toàn, thân thiện" dựa trên ba trụ cột: Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu; bản sắc văn hóa độc đáo của 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn.
Việc xây dựng thương hiệu du lịch của Quảng Ninh cũng cần phải gắn với chuyển đổi số, trước hết là xây dựng và làm mới website du lịch Quảng Ninh. Đồng thời, Quảng Ninh có thể xem xét lập văn phòng đại diện du lịch tại các địa phương trọng điểm và xa hơn là các quốc gia về du lịch, tạo sự liên kết với các trung tâm xúc tiến du lịch để quảng bá cho du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam./.