Du lịch Sa Pa: nỗi lo "nồi lẩu thập cẩm"
VOV.VN - Việc bùng nổ các điểm check-in tại Sa Pa đang khiến cho nhiều người lo lắng về một Sa Pa đang thay đổi, với các loại hình du lịch "mì ăn liền" tạo ra "nồi lẩu thập cẩm" những sản phẩm không phù hợp. Một ý kiến lo ngại: "Sợ rằng du khách sau này chỉ biết về Sa Pa qua các khu check-in".
"Bội thực" điểm check-in
Mới đây, tại thị xã Sa Pa (Lào Cai) bỗng nhiên xuất hiện những bức tượng "kỳ lạ", mô phỏng các công trình, nhân vật nước ngoài như tượng Nữ thần Tự do, nữ hoàng băng giá Elsa trong phim hoạt hình… Những công trình này vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích của cộng đồng, du khách, những người làm du lịch và cả những người dân tại Sa Pa.
Sinh ra và lớn lên tại Sa Pa, bạn N.H.T (trú tại phường Sa Pa) khá bất ngờ khi gần đây, hàng loạt các điểm check-in mọc lên tại quê hương mình: "Sau khi có một khu dựng bức tượng đầu người làm điểm check-in thì một loạt các điểm khác cũng mọc lên. Những công trình này làm ăn theo kiểu 'mì ăn liền', phù hợp với người trẻ thích check-in và sống ảo. Vì mang tính chất phong trào nên chỉ nổi lên một thời gian rồi sẽ ít được quan tâm hơn. Mình thì thích những nơi hòa hợp với thiên nhiên, có thể lâu dài bền vững và có chút bản sắc của Sa Pa trong đó". N.H.T chia sẻ, nếu bạn bè lên Sa Pa sẽ dẫn đi xuống các bản làng, lên đỉnh Fansipan hoặc tham quan các vườn hồng, những nơi có cây cối, cảnh quan thay vì những điểm check-in theo kiểu "xào nấu ý tưởng từ chỗ khác".
Làm hướng dẫn viên nhiều năm tại Sa Pa, anh Lê Phương Linh cho biết, các điểm check-in mới lạ bắt đầu xuất hiện từ khoảng giữa năm 2019, và đến giờ thì số lượng ngày càng tăng để "bắt trend", phục vụ nhu cầu của một bộ phận du khách, đa phần là giới trẻ. "Cứ khu nào mọc ra sau thì đông khách, có thể kể ra hàng loạt như Moana, Secret Garden, Swing Sapa, Sapa Story, An Sapa, Check-in Thung lũng xanh, 1579 Sapa, Xavia Sapa… Một số nơi xây dựng đẹp, nhưng cũng nhiều nơi gây thất vọng như bức tượng Elsa vừa qua".
Theo anh Lê Phương Linh, giá vé tại các khu này dao động từ 80.000 – 120.000 đồng, có thể bao gồm đồ uống. Có những ngày cuối tuần, các khu check-in chật cứng du khách. "Các khu check-in làm tiếp thị rất tốt, chiếm lượng lớn du khách trẻ. Nhu cầu giới trẻ cũng đa phần là chụp ảnh 'sống ảo, theo trend', đến Sa Pa thì phải check-in chỗ này, chỗ kia chứ thực ra không biết rõ về Sa Pa. Nếu chỉ loanh quanh mấy khu check-in là hết 1 ngày, có khi chụp ảnh không ưng, hôm sau lại quay lại, như thế thì không đi đâu được cả".
Về việc các khu check-in nở rộ trong thời gian gần đây, ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho biết, những ý tưởng nắm bắt thị hiếu, thu hút khách du lịch là điều tốt, tuy nhiên phải gắn liền với bản sắc văn hóa, vùng cao Tây Bắc. "Hiệp hội Du lịch Sa Pa đề nghị công tác quản lý phải chặt chẽ hơn. Các doanh nghiệp trước khi xây dựng điểm check-in phải được thẩm định, cấp phép bởi cơ quan chức năng; tránh tình trạng doanh nghiệp làm rồi bị dỡ bỏ, tốn kém chi phí, mà hình ảnh du lịch Sa Pa cũng bị thiệt hại khi du khách hiểu nhầm thành một nơi xô bồ".
Du lịch cần sự bền vững
Lý giải về hiện tượng du lịch check-in, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty lữ hành AZA Travel cho biết: Các công trình phục vụ chụp ảnh, check-in này phổ biến tại đảo Bali (Indonesia) hoặc Trung Quốc, sau đó một số điểm đến tại Việt Nam như Phú Quốc, Đà Lạt… mà mới nhất là Sa Pa đã học hỏi cách làm này. Đây cũng là một cách để làm mới điểm đến, bổ sung dịch vụ, đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là tại Đà Lạt. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội thì loại hình du lịch này phù hợp nhu cầu của giới trẻ, yêu thích chụp ảnh, check-in. Loại hình này giống như "mì ăn liền", chỉ cần có ảnh đẹp, đăng lên mạng xã hội là xong, chứ không cần quá sâu sắc yếu tố văn hóa.
Tuy nhiên, thành công ở Đà Lạt không có nghĩa Sa Pa cũng nên làm ồ ạt như vậy. "Khác với Sa Pa, Đà Lạt mang hình ảnh đô thị và có thị trường khách đa dạng, có cảnh quan rừng thông, hồ nước, các tòa nhà và biệt thự cổ. Các khu check-in tại Đà Lạt cũng được đầu tư bài bản, chỉn chu, có tính toán. Trong khi đó, hình ảnh du lịch Sa Pa lâu nay gắn liền với bản sắc, núi rừng, đồng bào dân tộc nên khi việc đặt những bức tượng, công trình ngoại lai như tượng Elsa, Nữ thần Tự do là không phù hợp" - ông Nguyễn Tiến Đạt phân tích.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, quan điểm phát triển du lịch tại Sa Pa được nêu rõ: Chú trọng khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển khu du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu du lịch cho Sa Pa.
Ông Phạm Cao Vỹ nhận định, một số du khách trẻ thích những khu check-in mới lạ, nhưng không phải là tất cả. Du lịch Sa Pa nên phát triển theo hướng gìn giữ bản sắc địa phương, chứ không nên làm ồ ạt các khu check-in, không khuyến khích xây dựng những công trình không mang đặc trưng của Tây Bắc, của Việt Nam.
Là một người gắn bó với Sa Pa, blogger Nguyễn Hoàng Anh Minh chia sẻ: "Trước nay Sa Pa vốn hấp dẫn du khách bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên, vẻ đẹp bình yên của bản làng. Yếu tố văn hoá mới chính là cái vững chắc nhất và giúp du lịch Sa Pa phát triển hơn nữa. Nếu xây điểm check-in nhưng vẫn dựa vào thiên nhiên, đem các yếu tố thiên nhiên và văn hoá Sa Pa vào thì sẽ tốt hơn là những mô hình nhái lại tràn lan như bây giờ". Theo blogger này, dần dần du khách có xu hướng quay về với thiên nhiên hơn là chạy theo những trào lưu nhất thời như du lịch để check-in.
Hướng dẫn viên du lịch Lê Phương Linh cho biết: "Cái gì 'hot' rồi cũng sẽ nguội. Sa Pa còn rất nhiều nơi đẹp, đáng để tham quan và khám phá như các bản Tả Van, Tả Phìn, bản Sâu Chua… là nơi du khách chiêm ngưỡng phong cảnh hoang sơ, tìm hiểu đời sống và đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc. Tôi sợ rằng du khách sau này chỉ biết về Sa Pa qua các khu check-in"./.