Gặp lạnh dưới xích đạo

Đây là điều ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi đến Libreville, thủ đô Gabon, một nước thuộc châu Phi xích đạo

Mặc dù máy bay đến muộn trong đêm, nhưng theo thói quen từ nước nhà, năm giờ sáng tôi đã thức giấc. Mặc chiếc áo cộc tay, tôi một mình ra bãi biển. Gió sớm từ Đại Tây Dương thổi vào, se lạnh như trời cuối thu Hà Nội, đến nỗi tôi phải trở lên phòng khoác thêm lên vai chiếc áo len mỏng, mới thả bộ ra mép nước.

Ấy thế mà nhìn vào bản đồ, thủ đô Libreville nằm gần như đúng đường xích đạo. Nhất là chúng tôi vừa rời sân bay Nội Bài dưới cái oi nồng của trưa hè ba mươi sáu độ C; ghé sang Paris vào chiều vẫn nóng ba mươi mốt – ba mươi hai độ, ai cũng chuẩn bị tinh thần để chịu đựng cái nắng nóng châu Phi. Hoá ra mùa hè là mùa dễ chịu nhất ở Libreville, nhiệt độ ban ngày chẳng mấy khi vượt quá hai mươi lăm độ C, tuy cũng có lúc hơi oi ả một chút.

Đúng là vào mùa khô, ở đây cũng nóng dữ dội lắm – như lời bác Louis Vũ Văn, một Việt kiều định cư tại đây hơn bốn mươi năm cho biết – nhưng tháng sáu, tháng bảy lại là lúc ôn hoà nhất, dễ chịu nhất; và chính vì vậy mùa này là mùa hội nghị, du lịch, tham quan…, khách quốc tế đổ đến Libreville.

Gabon vẫn còn giữ được nhiều nét thiên nhiên hoang sơ

Gabon là đất nước được thiên nhiên ưu đãi. Hôm đến thăm Anta Clara, một thắng cảnh cách thủ đô chừng bốn mươi lăm phút xe hơi, một nghị sĩ của một nước châu Phi khác là Uganda nói với tôi, giọng như thoáng ghen tị:

- Thông thường nơi nào dưới lòng đất có dầu mỏ, thì trên mặt đất khô cằn. Ấy thế mà Gabon là nước xuất khẩu dầu lửa, thành viên chính thức của tổ chức OPEC, vậy mà cảnh sắc thì hãy xem kìa, xanh tươi biết mấy. Rừng ở đây vốn là rừng nguyên sinh vào loại trù phú nhất châu Phi đấy, bạn ạ.

Gabon là nước dân số chỉ một triệu hai mươi vạn người (trong đó hơn một phần ba tập trung tại thủ đô) nhưng trải rộng trên diện tích tới 267.670 kilômét vuông, hơn hai phần ba diện tích nước ta, và có bờ biển dài tới cả ngàn kilômét. Con sông chính là Ôgôuê, mà các phụ lưu của riêng nó tưới phủ chín mươi phần trăm lãnh thổ cả nước. Chỉ với hơn một triệu dân, nước này đứng đầu thế giới về xuất khẩu ván ép. Và từ khi phát hiện và khai thác dầu mỏ, tiền của đổ về đây như nước, tạo nên một lớp người cực kỳ giàu có, trong khi đời sống nhân dân ở các vùng núi (ba phần tư lãnh thổ là rừng) vẫn trong trình độ bán khai.

Sinh sống trên đất Gabon có đến mấy chục bộ lạc chia làm sáu nhóm. Được các nhà hàng hải Bồ Đào Nha phát hiện từ nửa cuối thế kỷ 15, sau bao nhiêu thăng trầm, cuối cùng trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1883. Từ 1910 là một bộ phận của cái mang tên gọi chính thức là Châu Phi xích đạo thuộc Pháp (AEF).

Một điều khá thú vị đối với tôi khi tìm hiểu về đất nước Gabon là sự trùng hợp của những thời điểm lịch sử với Việt Nam. Năm 1883, năm thực dân Pháp đặt nền đô hộ của họ lên rừng núi châu Phi này cũng là lúc triều đình nhà Nguyễn sắp hạ bút kí với Pháp hiệp định công nhận nền thống trị ngoại bang trên khắp ba kỳ, sử ta quen gọi là hiệp ước Giáp Thân (1884) còn đối với Tây là Hiệp ước Patenôtre. Và Gabon cũng như nhiều nước châu Phi thuộc Pháp, đã giành lại nền độc lập của mình nhờ tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Nói vậy e không được khiêm tốn chăng?

Vâng, nhưng sự thật lịch sử - như nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài thừa nhận – là sau chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam, nhiều nước thuộc địa của Pháp hồi đó, trước hết là Angiêri đã đứng lên quyết liệt đấu tranh đòi độc lập. Một cú sốc bất ngờ đối với Pháp, vì trong nhận thức của chính giới và không ít người Pháp thời bấy giờ, ba nước Bắc Phi: Angiêri, Tuynidi, Marốc là một phần lãnh thổ, là một phần máu thịt của nước Pháp. Để tránh sự sụp đổ hoàn toàn và tiêu vong mọi ảnh hưởng, bằng luật 23-6-1956, Pháp quyết định phân chia AEF (Afrique Equatoriale Francaise – vùng châu Phi xích đạo thuộc Pháp) thành năm trước, tức là Gabon, Sát, Camơrun, Cônggô và Cộng hoà Trung Phi ngày nay. Chắc mọi người có thể hiểu tại sao nước Pháp lại chia nhỏ vùng đất ấy ra khi bất ngờ lâm vào thế không thể không trao trả độc lập cho họ. Khi thực dân còn thống trị, họ “chia để trị” đã đành. Khi sắp cuốn gói ra đi, họ cũng “chia”, chia để đối phương sẽ không quá mạnh, chia để tìm cách vớt vát ở mỗi nơi một ít đặc quyền phù hợp.

Cuộc phân chia biên giới kéo dài tới bốn năm. Bác Louis Việt kiều mà tôi vừa được gặp, trước năm 1945 làm nghề Cadastre (đạc điền) ở Nam Bộ, bác là một trong nhóm người Việt Nam làm việc ở miền Nam nước ta được Pháp mời sang châu Phi giúp họ làm chuyên gia đo đạc, tính toán để phân chia vùng “Châu Phi xích đạo thuộc Pháp” ra thành năm nước biệt lập như đã nói, và dễ dàng hục hặc với nhau do va chạm chủng tộc, truyền thống… Ngày 17 tháng tám năm 1960 (tháng tám, lại một sự trùng hợp nữa với Việt Nam?) Gabon tuyên bố độc lập, một nền độc lập ít nhiều gắn bó với chính quốc cũ của mình.

Ở Gabon ngày nay, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Trẻ em học tiếng Pháp từ lớp vỡ lòng. Tầng lớp trí thức phần đông được đào tạo tại Pháp. Và lẽ đương nhiên các nhà lãnh đạo đất nước có quan hệ với chính quốc cũ… “trên cả mức tình cảm”. Từng xảy ra một chuyện cắc cớ. Khi nước Gabon phát động phong trào xoá mù chữ, vấn đề đầu tiên đặt ra là: mù chữ gì? Chữ Pháp chăng? Đương nhiên.

Tôi không kịp tìm hiểu những con số để có thể chứng minh mà không sợ hồ đồ, ảnh hưởng của Pháp đối với nền kinh tế Gabon. Điều đập vào mắt là thu nhập Quốc dân tính theo đầu người, với nguồn dầu lửa và các hàng xuất khẩu khác như gỗ dán, cao su, cà phê… tăng lên, thì sự chênh lệch về mức sống trong dân cư càng mở rộng. Giá cả sinh hoạt, ít nhất ở thủ đô Libreville đắt đỏ đến mức làm kinh ngạc nhiều công dân những nước giàu có như Canada, Bỉ… khi có dịp tới thăm thành phố này. Ở Libreville mọi thứ hàng tiêu dùng giá cả hầu như đều đắt hơn Paris!

Ở khách sạn, tôi hỏi người phục vụ: trái cây, rau xanh dùng hàng ngày lấy từ đâu? Anh ta nhún vai: từ Pháp! Hàng ngày máy bay chở đến. Giá một cây cải xanh ở chợ bằng 25 frăng Pháp (theo thời giá khoảng 4,5 đô la Mỹ). Tại một hiệu ăn Việt Nam (hiệu ăn bình dân không có gắn máy lạnh) một đĩa mười chiếc bánh cuốn to bằng ngón tay hoặc một bát phở (gọi là xúp Hà Nội) chẳng lấy gì làm ngon giá 60 frăng Pháp (khoảng 11 đô la Mỹ). Một người Pháp lấy vợ Việt Nam, từng sống ở Hà Nội cuối những năm 1960, thời chiến tranh phá hoại ác liệt, mời tôi uống bia: “Chắc ở Việt Nam, ông chẳng lạ “gu” bia này?”. Tôi nhìn nhãn hiệu: bia Castel, đúng với quy cách loại bia BGI đang sản xuất tại Tiền Giang: Chai nâu, nút vàng – hãng bia liên doanh mới nổi nghe nói đang cạnh tranh lấn lướt cả bia 333 Sài Gòn!

Castel là một chi nhánh của BGI, có cơ sở tại Libreville. Người Pháp ấy nói tiếp: “Chính một anh bạn của tôi, hiện làm Giám đốc chi nhánh Hãng Castel ở đây, là người đầu tiên sang Việt Nam xin giấy phép đầu tư mở liên doanh bia tại tỉnh Tiền Giang của các bạn đấy”.

Ông O. nghị sĩ Gabon thì nói:

- Ông có biết không, bộ trưởng dầu mỏ chúng tôi là người lai Hoa, hay đúng hơn là người gốc Hoa. Em trai của ông ta hiện đang là Chủ tịch - Tổng Giám đốc của Công ty dầu mỏ quốc gia lớn nhất Gabon. Một trong những người giàu nhất nước này.

Và ông bạn người Pháp lấy vợ Việt Nam kia còn nói thêm, lần này chỉ riêng cho tôi nghe, vừa nói vừa cười tủm tỉm:

- Ông Bộ trưởng có pha dòng máu châu Á trong huyết quản là người hết sức đẹp trai, ông đã bằng lòng kết hôn với một phụ nữ da đen không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm chỉ vì nàng là con gái của… tổng thống nước cộng hoà! Ở đây, chúng tôi làm gì cũng phải tính toán, ông ạ; kinh doanh và tình ái, tình cảm và doanh thu, hai mà một, một mà hai, cũng khó tách bạch lắm.

Trụ sở Quốc hội Gabon được xây dựng trên một ngọn đồi, cách trung tâm thành phố chừng mười lăm phút xe hơi. Nơi ấy đồng thời là Trung tâm Hội nghị quốc tế, và còn mang cái tên rất hay là “Thành phố của nền dân chủ”. Từ khách sạn chúng tôi ở đến Trung tâm Hội nghị, con đường có đoạn chạy men một dãy tường đồ sộ, oai nghiêm lượn theo địa thế chập chùng, bao quanh mấy quả đồi. Trước cổng lớn có anh lính mặc áo rằn ri đứng gác. Bên trong là hai cái…, biết gọi là gì nhỉ? “Lâu đài” thì e quá đáng, “biệt thự” thì không xứng với tầm cỡ kiến trúc kia. Vì hai ngôi nhà đều ấy đều đồ sộ và sang trọng gấp mấy cái “biệt điện” của cựu hoàng Bảo Đại trên thành phố cao nguyên nước ta, uy nghiêm hơn cả lầu “Nghênh Phong” và lầu “Vọng Nguyệt” vốn là của toàn quyền Pháp và hoàng đế Nam triều ngày trước xây cất tại Cầu Đá, bãi biển Nha Trang vào loại đẹp nhất thế giới của chúng ta.

Đó là nhà riêng của thủ tướng. Nhà riêng chứ không phải tư dinh. Vì đấy là nhà do ngài bỏ tiền ra xây dựng, là tài sản riêng; còn tư dinh là nơi gia đình vị đứng đầu chính phủ vẫn sống hàng ngày, là công thự của nhà nước, còn hoành tráng hơn nhiều!

Lương công chức khá cao. Còn đời sống của người dân thường chắc không đến nỗi quá nghèo, nhưng nếu tin theo lời những người nước ngoài đang sống ở Gabon mà tôi có dịp trò chuyện, thì thực phẩm cơ bản hàng ngày của họ vẫn là củ sắn (mì) và quả chuối xanh luộc chín. Người dân Gabon bình thường chưa tạo được thói quen chịu khó lao động cần cù, kiếm được tiền là họ tiêu pha luôn, rỗng túi thì thôi. “Đó là căn bệnh của những dân tộc thiểu số kém phát triển, bỗng chốc giàu có lên nhờ của cải trời cho”, vẫn anh bạn người Pháp kia phát biểu.

- Ông có kỳ thị chủng tộc không đấy? – Tôi hỏi vui.

- Tuyệt nhiên không. – Anh bạn đáp tỉnh bơ – Ông xem, người da đen chạy bàn kia (chúng tôi đang ngồi trong một quán ăn Việt Nam khác), không phải người Gabon đâu, anh ta từ Sénégal sang kiếm việc làm đấy. Người Gabon không chịu khó. – Anh bạn vẫn khăng khăng nói tiếp. – Tôi làm cố vấn cho một ngân hàng ở đây, tôi biết rõ. Xin cung cấp cho ông vài số liệu tham khảo: năm 1960, khi Gabon mới độc lập, nước này hàng năm chỉ phải nhập khẩu hai phần trăm lương thực. Hiện nay, Gabon mua từ nước ngoài chín mươi tám phần trăm nhu cầu về ăn của mình, tự cung hai phần trăm. Hai con số lộn ngược. Năm ngoái cả nước Gabon sản xuất tất cả được những… một trăm năm mươi tấn gạo!

Tôi ghi chép những điều trên không qua kiểm chứng và hoàn toàn không có ác ý. Bởi vì những người Gabon tôi gặp ở đường phố đều nhiệt tình xởi lởi; người lái xe taxi không ra hiệu xin puốc-boa; ở thủ đô dân ăn mặc rất đơn sơ (dân xứ nóng mà), nhưng tôi không hề nhìn thấy cảnh ăn mày. Dịch vụ xã hội khá tốt. Dọc bãi biển, vài chiếc xe tư nhân (không phải xe taxi) kiên nhẫn đỗ chờ khách du lịch - chắc là người chủ xe tranh thủ làm thêm. Dưới bóng râm của rặng bàng, những chiếc xe đẩy bán đồ giải khát bình dân: nước dừa, nước ngọt đóng chai, bia, côca…, với vẻ thanh nhàn dễ chịu.

Cuộc sống có vẻ khá thanh bình. Tuy nhiên nghe nói đấu tranh chính trị giữa các đảng phái ở nước này luôn luôn căng thẳng. Nước chỉ hơn một triệu dân mà Quốc hội đông tới một trăm hai mươi nghị sĩ, vì các bộ tộc, các đảng chính trị ai cũng đòi có đại diện của mình trong cơ quan quyền lực tối cao, và mặt khác nhất là vì… lương bổng của nghị sĩ cao ngất nghểu, chẳng kém lương bộ trưởng bao nhiêu.

Ấn tượng cuối cùng của tôi về Gabon trong đêm rời sân bay Quốc tế Libreville là một sự phấp phỏng. Tôi đến đây dự một hội nghị quốc tế quan trọng. Cũng như đại biểu nhiều nước khác, chúng tôi đều mua vé khứ hồi, đã khẳng định OK chuyến bay rời Gabon. Theo thông lệ, trong vòng bốn mươi tám giờ trước giờ máy bay cất cánh, OK trên vé chúng tôi đã được tái xác nhận. Những người tổ chức hội nghị còn nhiệt tình và chu đáo đến mức không yêu cầu khách phải gọi điện hay cho người đến hãng hàng không, mà yêu cầu Hãng hàng không quốc gia Air Gabon phái nhân viên đến đặt một bàn giấy tạm thời ngay trong toà nhà Quốc hội, để giúp xác nhận giờ bay, chuyến bay cho khách mời toàn là VIP của Quốc hội.

Nhưng khi đoàn khách đến sân bay (mỗi đoàn đều đi xe riêng, có người hướng dẫn riêng, có nhân viên an ninh mặc thường phục mang theo máy bộ đàm đi theo trông nom bảo vệ an ninh), chúng tôi trình vé ra thì các cô nhân viên hàng không tỉnh bơ, nguây nguẩy lắc đầu: Hết chỗ! Các ông sẽ bay chuyến… ngày kia!

Trả lời xong, các cô rũ áo vào phòng trong để khách đứng trước quầy vé nhìn nhau. Lúc này đã gần nửa đêm. Trong khi đó, toàn bộ sậu cán bộ, nhân viên đưa chúng tôi ra sân bay, giúp đỡ tận tình, có lẽ họ cho là mình đã xong nhiệm vụ, biến đâu mất hết, lúc này chẳng còn biết cậy nhờ ai.

Tôi nhìn quanh: một số đoàn cũng lâm vào cảnh ngộ như chúng tôi, đang dở khóc dở cười, trong khi các đồng nghiệp khác may mắn hơn, làm xong thủ tục, đã ngồi trong phòng chờ của các VIP vừa lai rai thưởng thức bia Castel vừa chuyện trò vô cùng rôm rả.

Điều kỳ diệu (lần này quả là kỳ diệu thật) là đến phút cuối cùng, mặc dù phấp phỏng lo âu, đêm hôm ấy tôi và người bạn cùng đi vẫn có thể rời Gabon trót lọt để đến Paris vào sáng sớm hôm sau, kịp nối đáp chuyến bay trở về Việt Nam trong ngày./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên