Gia Lai phát huy thế mạnh du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng
VOV.VN - Sáng 4/11, Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08–NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để tạo tiền đề phát triển bền vững, Gia Lai đã tiến hành cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; chỉ đạo tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch. Chính vì vậy, 5 năm qua, tốc độ phát triển du lịch tại Gia Lai có sự chuyển biến rõ nét, doanh thu và lượng khách du lịch ổn định qua từng năm.
Giai đoạn 2017 – 2021, tổng số vốn đầu tư hạ tầng du lịch hơn 245 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu có khả năng khai thác nhanh cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư ở các địa bàn trọng điểm như khu lâm viên Biển Hồ, thành phố Pleiku, vườn quốc gia Kon Ka Kinh, di tích Tây Sơn Thượng đạo. Các hoạt động quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các danh lam thắng cảnh, văn hóa - lịch sử của tỉnh Gia Lai được đẩy mạnh. Tỉnh cũng phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng kế hoạch phát triển khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị cũng đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị "về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ngành du lịch của Gia Lai chưa phát triển như kỳ vọng và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch còn quá khiêm tốn; nguồn nhân lực du lịch của Gia Lai còn rất hạn chế mới chỉ khoảng 2.000 lao động; còn nhiều hạn chế trong kết nối và xây dựng sản phẩm du lịch.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, đại biểu Nguyễn Xuân Phước, Bí Thư Thị ủy thị xã An Khê nêu ý kiến: “Tôi cho rằng ở đâu đó chúng ta còn say sưa với việc có di tích này, có di tích kia chỉ là để đếm và thống kê thôi, đầu tư sản phẩm du lịch cụ thể để tạo điểm nhấn có tính đột phá thì gần như chưa quan tâm cho lắm. Thứ hai là về hạ tầng du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ, thiếu sức hấp dẫn. Việc hợp tác vùng, địa phương còn yếu, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Nhân lực làm du lịch còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu, công tác cán bộ là công tác rất then chốt, mà du lịch và văn hóa có phát triển hay không cũng phải là con người”.
Trong giai đoạn 2022 – 2025, Gia Lai định hướng phát triển du lịch bền vững thông qua phát triển sản phẩm chủ lực, lợi thế để tạo điểm nhấn cho du lịch Gia Lai như dự án khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya, khu du lịch sinh thái thác Phú Cường, khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, lòng hồ Ayun Hạ, lòng hồ thủy điện Sê San 4 – Thác Mơ. Hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên cơ sở lợi thế tiềm năng về văn hóa bản địa, ngành nghề thủ công truyền thống, sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trong việc kết hợp với chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu Gia Lai với du khách./.