Hạ giá tour để giành giật khách Trung Quốc

Để được các đối tác bên Trung Quốc giao khách cho mình, các công ty du lịch tại Quảng Ninh đua nhau đại hạ giá, thậm chí tới mức giá thấp hơn cả giá tour dành cho khách nội địa.

Chỉ phải bỏ ra khoảng 300 Nhân dân tệ (NDT) (khoảng 100.000 VND), một du khách đường bộ Trung Quốc đã có một tour du lịch trọn gói 4 đêm 3 ngày tại Hạ Long và các điểm lân cận.

Theo một hướng dẫn viên du lịch, với mức tiền đó, khách nội địa chưa chắc đã trang trải đủ cho hành trình trên, dù chỉ sử dụng các dịch vụ đơn giản nhất. Tuy nhiên, các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng không dám tăng giá, vì sợ các đối tác Trung Quốc chuyển khách cho công ty khác. Không ép được các đối tác Trung Quốc, các công ty trong nước quay sang cạnh tranh với nhau bằng giải pháp duy nhất: thi nhau đại hạ giá.

Khách du lịch Trung Quốc được hưởng giá "ưu đãi" nhưng chất lượng dịch vụ lại tồi tệ, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Quảng Ninh.

Theo lãnh đạo một công ty du lịch tại Hạ Long, với tour như  trên, mức giá 450 NDT là hợp lý. Theo số liệu của Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm, lượng khách đường bộ Trung Quốc vào Quảng Ninh vào cửa khẩu Móng Cái đạt hơn 90.000 người. Như vậy, tính nhanh, mỗi năm, các công ty lữ hành ở Quảng Ninh mất ít nhất 13,5 triệu NDT (khoảng 40,5 tỷ VND)-cao hơn nhiều mức lợi nhuận của một công ty than lớn tại Quảng Ninh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để kiếm chút lời sau khi đã đại hạ giá, các công ty du lịch trong nước buộc phải chọn những dịch vụ thấp hơn, hoặc ép các nhà hàng, khách sạn… giảm giá. Chẳng hạn, xe 24 chỗ ngồi thì nhồi nhét 40 khách; kê thêm giường ở các phòng khách sạn bình dân; và cho khách ăn như ăn cơm bụi. “Tôi không hiểu, ở đất du lịch đắt đỏ như Hạ Long, người ta đặt 35.000-50.000 suất/người thì du khách ăn kiểu gì? Khách đi du lịch quốc tế mà toàn ăn cơm bụi”- anh Thành Trung-một chủ khách sạn ở Bãi Cháy-cho biết.

Cũng theo anh Trung, mức giá mà du khách Trung Quốc bỏ ra để mua một tour sang Việt Nam cao hơn nhiều so với mức mà các công ty du lịch Việt Nam nhận được: “Một số khách khi về nước đã kiện các công ty bên đó vì không được hưởng các loại dịch vụ chất lượng cao như cam kết”.

Xé cam kết

Sự ra đời của CLB lữ hành Móng Cái vào tháng 8/2011, với sự tham gia của 27 công ty lữ hành, cùng với sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cơ quan nhà nước liên quan, hi vọng sẽ chấm dứt được tình trạng trên. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều công ty vẫn “bước qua” những cam kết, quy định của CLB. “Một số công ty vẫn đón khách dưới giá sàn theo quy định của CLB mà chính họ ký cam kết trước đó. Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở, chứ không có chức năng xử lý” - một lãnh đạo CLB cho biết.

Cũng theo vị này, thực ra, đã có chế tài để xử lý các công ty vi phạm quy định, thậm chí các cơ quan chức năng đã từng ra quyết định xử lý một số công ty, nhưng rồi không hiểu vì sao lại thu hồi quyết định.

Theo một nữ giám đốc công ty du lịch quốc tế tại Quảng Ninh, chỉ cần một vài công ty phá vỡ cam kết, thị trường vẫn sẽ bát nháo, bởi các đối tác Trung Quốc sẽ tập trung khách cho các công ty này. “Một số thành viên CLB miệng thì kêu gọi đoàn kết, nhưng lại âm thầm “đi đêm” với các đối tác Trung Quốc”-chị bức xúc. Không thể trông chờ sự tự nguyện của một số thành viên, CLB đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, nhưng đợi hoài…

Thực trạng này đã diễn ra quá lâu và dường như không có dấu hiệu kết thúc,  mà nhà nước, doanh nghiệp trong nước làm ăn chân chính và du khách quốc tế là những người bị thua thiệt lớn nhất. Không nói quá rằng, những toan tính nhỏ nhặt của các công ty lữ hành trong nước, sự vào cuộc chậm trễ và có phần nương tay của các cơ quan chức năng đang tạo ra một phân khúc thị trường du lịch Hạ Long bát nháo.

Theo một số thành viên CLB, để chấn chỉnh tình trạng trên, trước hết, các cơ quan chức năng phải vào cuộc sớm và quyết liệt, để xử nghiêm các công ty cố tình vi phạm. Sau đó, từng bước đàm phán với các đối tác Trung Quốc, nhằm thiết lập trật tự cho thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên